Còn cha, còn mẹ, còn quê

Lê Giang

(Dân trí) - Tôi vừa nhắn tin hỏi một người bạn, rằng ngày nào thì bạn ấy về quê. Nhưng đáp lại tôi là tin nhắn: "Tết này mình không về quê cậu ạ. Ra năm mình mới về".

Tôi định hỏi "sao lại không về?" nhưng may dừng lại kịp. Bố bạn mất hồi bạn học năm đầu đại học. Còn mẹ bạn ra Tết là đến giỗ đầu.

Trước đây, hầu như năm nào bạn cũng về tết sớm, vì sợ về muộn mẹ già sẽ mong. Năm nay, thật buồn, chẳng có người vào ra ngóng trông bạn nữa. Bạn vẫn còn nợ mẹ một chàng rể bởi tình duyên lận đận. Bạn đã khiến mẹ lo lắng rất nhiều. Mẹ sợ khi mẹ đi rồi bạn sẽ bơ vơ. Mà thật, có đứa con nào lại không bơ vơ khi một ngày nhận ra mình là một kẻ mồ côi, dù đã lớn.

"Về quê ăn tết" - đó có lẽ là "đặc sản" của những người xa quê. Quanh năm suốt tháng bon chen mưu sinh nơi đất khách quê người, chỉ mong mỗi cuối năm được trở về với quê hương, với thân thuộc họ hàng, bên hơi ấm của mẹ. Quê hương, đối với bất cứ ai đều có ý nghĩa, nhưng với những người xa quê, hai từ đó lại đặc biệt thân thương và gợi nhớ đến nao lòng.

Còn cha, còn mẹ, còn quê - 1

Ảnh minh họa.

Quê - đâu chỉ là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, đâu chỉ là nơi từ ấu thơ ta lớn lên, đâu chỉ là ăm ắp một trời kỉ niệm. Quê còn là gia đình, là mẹ cha, là hơi ấm tình thân, họ hàng, làng xóm đầy thương yêu chia sẻ. Đó là nơi sau những tất bật với đời ta được vô ưu lắng lòng mình lại. Sống thật chậm để yêu thương thật thà.

Thật diễm phúc cho tôi, mỗi năm hết tết đến vẫn còn có cha mẹ ngóng chờ. Vẫn chộn rộn chuẩn bị những món quà, những lì xì, vẫn háo hức ăn bánh chưng cha gói, thịt bò mẹ kho. Có vài lúc nghĩ xa xôi, tôi nghĩ đến ngày mẹ cha mình không còn nữa. Chỉ thoáng nghĩ thế thôi mà đêm nằm nước mắt rơi ướt gối. Chồng tôi hay mắng tôi toàn nghĩ những chuyện không đâu. Nhưng cha mẹ già rồi như lá vàng ở trên cây ai biết một sớm một tối nào rơi rụng. Nghĩ sao không sợ, không buồn cho được.

Làng tôi cũng như nhiều miền quê khác, có rất nhiều người sống kiếp tha phương. Ngày nhỏ, mỗi khi tết về tôi lại thấy làng mình đông hơn thường lệ. Những người ở xa hối hả trở về đem theo những món quà, những câu chuyện kể từ phương xa. Họ về ăn tết với mẹ cha, với anh em, sang từng nhà hỏi thăm bà con lối xóm. Rồi đến khi cha mẹ mất, những cái tết thăm quê thưa dần. Có khi ba năm, năm năm họ mới về thăm quê một lần. Mỗi lần về cũng đã bớt đi những vồn vã.

Dẫu biết chúng ta hầu như ai cũng có anh chị em ruột rà, nhưng khi còn mẹ còn cha thì còn hay gặp gỡ tụ họp quây quần. Mẹ cha không còn thì dù có thương nhau, ai cũng phải lo cho gia đình riêng của mình trước nhất. Anh em vốn dĩ như đoạn ruột trước đoạn ruột sau của mẹ sinh ra. Mẹ cha không còn, sợi dây liên kết cũng giãn ra một ít. Chẳng phải vì bớt yêu thương, mà bởi vì đời còn lắm nỗi lo riêng.

"Còn cha, còn mẹ, còn quê/ Không cha, không mẹ, lối về quê cũng mờ". Tôi không nhớ đã đọc câu này ở đâu, câu từ có chính xác không, nhưng mỗi khi nhớ đến những câu từ ấy, lòng cứ hoang hoải buồn thương.

Dẫu biết lẽ trời không thể đổi thay, nhưng giá như cuộc về quê nào cũng luôn háo hức bởi biết đấng sinh thành còn ngóng đợi. Để mỗi năm hết tết về lại chộn rộn, tay kéo hành lý, tay dắt con thơ. Đường về nhà dù có bao xa, miễn còn mẹ còn cha, xa cũng hóa gần.

Lê Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm