Lấy vợ giàu có sướng?

(Dân trí) - Lấy vợ nhà giàu - có thể là mục đích, là mơ ước nhưng cũng có thể chỉ là sự vô tình, xuất phát từ tình yêu chân thành, không vụ lợi. Thế nhưng, dường như phần nhiều đều mơ màng đi tìm câu trả lời: Hạnh phúc ở đâu?

“Hạnh phúc sao quá mong manh!”

 

Tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin trong tay, Tuấn không mấy khó khăn để tìm được một công việc ổn định. Thế nhưng với đồng lương nhàng nhàng 3-4 triệu trong khi giá cả tiêu dùng leo thang từng ngày thì dù có tiết kiệm lắm, Tuấn cũng chẳng để lại được là bao. Tuấn chợt hiểu ra rằng, sẽ là quá khó nếu tay không mà mua được nhà Hà Nội. Nếu lấy vợ thì cũng chỉ mãi cảnh thuê nhà nhếch nhác mà thôi. Nghĩ vậy Tuấn liền chia tay với Hằng - mối tình đầu thời sinh viên cũng tỉnh lẻ như mình để đến với Huyền - con gái trong một gia đình khá giả Hà Thành.

 

Huyền không xinh, không giỏi giang, không dịu dàng nhưng Huyền thích Tuấn lắm. Huyền lại là con duy nhất của một gia đình “nhà mặt phố, bố làm to”. Để có nhà cửa và nhập “quốc tịch” Hà thành, rõ ràng Huyền là một điểm tựa khá vững vàng. Tuấn tự ngụy biện rằng: “Mình có công ăn việc làm ổn định đâu có ăn bám ai. Với lại, sướng là sướng cô ấy chứ sướng đâu một mình mình”.

 

Đang lúc thất vọng vì gia đình Huyền không đồng ý vì “không môn đăng hộ đối” thì Huyền báo đã có thai. Vậy là đám cưới được diễn ra nhanh chóng đúng theo nguyện vọng của Tuấn. Cả hai dọn về căn nhà hai mặt tiền do bố mẹ vợ mua cho. Tuấn ngỡ cuộc sống lên tiên. Ai ngờ…

 

Sắp đến lúc sinh, Huyền được bố mẹ đón về nhà để có điều kiện chăm sóc hơn. Tuấn nói ở nhà để anh đón mẹ ở quê lên chăm thì cô quát: “Nhà của anh đâu mà anh thích đón ai lên thì lên. Mẹ anh biết gì mà chăm, chỉ tổ con thêm bệnh…”. Tuấn dằn lòng chấp nhận. Ngay đến bản thân anh cũng bị hạn chế đến thăm vợ con vì nhà vợ sợ anh hằng ngày đi làm, tiếp xúc với nhiều người dễ lây bệnh cho trẻ nhỏ. Anh có mua cho con cái gì, thì nếu Huyền không bảo: “Bố mẹ em mua đủ cả rồi” thì cũng là cái lườm nguýt của mẹ vợ: “Mua đồ rởm như thế thì mua làm gì, cháu tôi dùng hại người”…

 

Ngày mẹ anh từ quê lên thăm con thăm cháu cũng phải nước mắt ngắn, nước mắt dài. Bà vừa ôm cháu vào lòng đã bị bà ngoại giằng lại vì lo “bẩn cháu bà”. Bà mang gà, mang gạo lên cho con dâu tẩm bổ thì bị thông gia mai mỉa: “Nhà này không thiếu. Bà mang về kẻo giây bẩn ra nhà”. Bà lủi thủi cùng con trai bước ra khỏi căn nhà vừa cao vừa to nhưng lạnh lẽo ấy mà lòng đắng chát.

 

Ngày con Tuấn tròn một tuổi cũng là ngày anh cầm tờ đơn ly hôn của gia đình nhà vợ, có sẵn chữ ký của vợ anh. Anh bàng hoàng hỏi thì Huyền trả lời rằng: “Em và anh sống hợp nhau đâu. Chia tay là hơn…”. Tuấn biết đó là sắp đặt của bố mẹ vợ bèn hỏi cho rõ ngọn ngành thì cũng nhận được câu trả lời phũ phàng không kém: “Tôi thương con thương cháu nên mới cho nó li dị với anh. Anh chỉ là một thằng vô tích sự, sống với anh thì nó sướng à. Anh có lo cho vợ con một cuộc sống sung túc cả đời không hay lại chỉ như một con chó chui gầm chạn…”. Nhục nhã anh bước ra khỏi căn nhà đó, lòng không khỏi trách mình năm xưa không suy tính thiệt hơn.

 

Tuấn lại trở về cuộc sống thuê nhà trước kia. Sau này, qua bạn bè anh được biết mẹ Huyền đi xem bói, thầy bói nói là tuổi anh không hợp tuổi bố vợ. Rước anh vào nhà sẽ là vật cản đường công danh của ông, gia đình tán tài tán lộc… Với lại ông ấy là hàng quan chức có máu mặt, thiếu gì mối xứng với con gái ông. Anh nghe phong thanh hình như đứa con cũng không phải dòng máu của mình…

 

Đời tôi là của ai?

 

Trường hợp của Văn thì lại hoàn toàn khác. Yêu Nhung được gần 3 năm, nhà Nhung tuy bố thuộc hàng quan chức, mẹ cũng công chức nhà nước nhưng được cái họ rất quý Văn. Bởi Văn ngoan ngoãn, hiền lành, không rượu chè, cờ bạc lại có công ăn việc làm ổn định. Mẹ Nhung nói với con gái: “Bây giờ quý nhất là con người chứ tiền bạc thì có ý nghĩa gì”. Vậy là đám cưới của họ diễn ra trong sự chức phúc của người thân.

 

Nhà Văn tuy không bề thế bằng nhà Nhung nhưng cũng đủ lo cho con một cuộc sống bình thường. Bố mẹ Văn mua cho hai con một căn nhà hai tầng khu cầu Diễn. Thế nhưng vợ anh lại muốn đến ở ngôi nhà mà bố mẹ mình mua cho ở gần khu Hồ Tây, ở đó thoáng mát, điều kiện nhà cửa lại hơn chỗ cầu Diễn xa xôi. Văn đồng ý vì nghĩ ở đâu không quan trọng, chỉ cần vợ chồng thoải mái là được. Ngôi nhà kia cho thuê cũng chẳng đi đâu mà thiệt.

 

Nhung được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ. Khi chuyển sang nhà mới, mẹ cũng thường xuyên qua thăm nom. Mọi đồ đạc trong nhà đều một tay mẹ mua sắm. Ngay đến tờ tranh Văn  thích cũng không được phép lựa chọn. Văn thắc mắc bảo những thứ ấy mình có thể tự mua thì cô nói: “Có mà dùng là tốt rồi”. Văn bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình bị gò bó.

 

Mẹ vợ có chìa khóa nhà Văn, ra vào thoải mái nhiều lần còn tụ tập bạn bè ở nhà Văn mãi đến tận khuya vẫn chưa tan tiệc. Mọi việc trong nhà đều do bà quyết định, Văn luôn phải nghe những lời càu nhàu chỗ này bẩn chỗ kia bẩn, đồ đạc bừa bãi do không đặt vị trí mà bà quy định. Buồn nhất là bà bắt Văn phải đi giải quyết những khúc mắc với hàng xóm, những vấn đề tẹp nhẹp của đàn bà như: Sao họ lại để rác trước cửa nhà mình, sao lại để cho chó “bậy” lung tung như thế….

 

Ngay cả đến chuyện có con Văn cũng không được quyết định. Bố mẹ Văn cũng đã có tuổi lại có mỗi mình Văn nên rất thèm khát có cháu để bế nhưng bố mẹ vợ lại bảo chưa nên có con vội. Ông bà muốn cháu hợp với tuổi ông bà để việc làm ăn được suôn sẻ. Nhung thì răm rắp nghe theo, anh chỉ còn biết ngao ngán mà chấp nhận.

 

Mấy hôm trước, bố mẹ vợ nói đã thu xếp cho Văn được vào một công ty gần nhà làm hành chính cho nhàn. Văn không chấp nhận vì công việc đó tuy nhàn nhưng trái ngành trái nghề. Vợ Văn giận đã bỏ về nhà ngoại mấy hôm nay…Có lẽ Văn phải thuyết phục vợ về nhà mình thôi, chứ phải phụ thuộc thế này có lẽ Văn không phải chính mình. Là một người đàn ông trong nhà, Văn muốn được làm chủ mái ấm của mình….

 

Lan Tường