Lấy nhầm “củi khô”!

Chồng tôi ít khi nói những câu bông đùa hay có những cử chỉ lãng mạn. Còn hoa, quà? Nếu tôi muốn nhận được từ chồng mình thì chỉ có cách duy nhất là… nằm mơ!

 
Lấy nhầm “củi khô”!   - 1


Buổi tối, ở bên anh, nhìn anh ôm máy tính hay nghiên cứu tài liệu thấy vừa giận vừa thương. Có khi ngồi trong lòng anh, kể chuyện vui cho anh nghe, hay vòng tay ôm cổ anh, anh cũng không nhúc nhích mà vẫn tỉnh bơ ôm… máy.

 

Anh không phát hiện ra, hay là có nhưng lại không chút phản ứng khi vợ cố tình thay đổi mùi nước hoa, diện một bộ đồ mới? Có khi giận quá tôi trách: “Nếu biết anh như thế em đã không lấy anh”, anh chỉ cười khì, rồi lại đâu vào đấy.

 

Biết rằng nói ra những điều này, các ông sẽ bao biện: “Đâu phải là cô ấy không biết điều đó trước khi cưới!”. Phải, chúng tôi biết chứ! Trước khi cưới, sự nghiêm túc và cách cư xử rất chừng mực đó ở các anh, thậm chí không phải là khuyết, mà còn được xem là cái ưu to đùng trong mắt chúng tôi. Nhưng, khi đã có sự gắn bó cả về thể xác lẫn tinh thần, mà cột mốc quan trọng là tờ đăng ký kết hôn, sao các anh không mở rộng vòng tay với vợ chứ? Sự khô khan, cứng nhắc sẽ bào mòn và dần giết chết tình yêu nếu như các ông chồng kiểu này không chịu thay đổi.

 

Chúng tôi đã tặng cho các anh một người vợ biết yêu thương và đón nhận, hy sinh cả cuộc đời để ở lại bên “gã củi khô” là các anh, mang lại cho các anh sự lãng mạn và dịu ngọt, sinh cho các anh những đứa trẻ đáng yêu… bao nhiêu ân tình đó chẳng đủ để các anh thay đổi sao? Đâu phải chị em chúng tôi không nhìn thấy, không ghi nhận những nỗ lực của các anh. Tình yêu chung thủy dành cho vợ, nỗ lực mang lại cho vợ con cuộc sống đủ đầy vật chất, cáng đáng những việc nặng nhọc trong nhà… nhưng chừng ấy chưa đủ và thật chán nếu tất cả những điều đó chỉ diễn ra trong im lặng. Người ta bảo phụ nữ yêu bằng tai hẳn là có nguyên nhân. Chẳng cần đến sự tinh ý, phụ nữ vẫn có thể nhận ra tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm nơi chồng, nhưng phụ nữ cũng cần lắm những lời nói yêu thương có thể làm ấm lòng nhau.

 

Hạnh phúc là biết hài lòng với những gì mình đang có và việc thay đổi một con người là điều không thể. Đúng vậy, nhưng điều những người vợ chúng tôi cần là sự dung hòa chứ không phải là sự thay đổi hoàn toàn. Tôi thường tự nhủ: “Nếu không thể có được những thứ ta yêu thì hãy yêu những thứ ta có”. Đôi lúc cũng mệt mỏi, bực tức và thậm chí nổi điên… nhưng tôi lại tự “dỗ dành” rằng bất cứ huy chương nào cũng có hai mặt, tuy chồng mình ít nói, khô khan nhưng anh ấy vẫn có những điều đáng yêu. Khi anh ấy nói ra một điều gì đó, thì đó luôn là sự thật. Anh không bao giờ khó chịu khi vợ táy máy điện thoại hay bất cứ thứ gì thuộc về anh. Dù tôi vốn không tò mò và rất tôn trọng sự riêng tư của chồng, nhưng những điều đó cũng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

 

Ai đó nói “hạnh phúc là một tiến trình chứ không phải là đích đến”, nên nếu các ông chồng “củi khô” chịu khó thay đổi đôi chút thì cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều.

 

Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy tuổi trẻ trôi qua, sao chúng ta không mang lại cho nhau thật nhiều hạnh phúc và niềm vui? Em yêu anh, và dù cho anh có thay đổi hay không thì em vẫn sẽ đi cùng anh đến hết cuộc đời này; nhưng nếu anh hiểu được nỗi buồn bấy lâu em đã và đang đối mặt; hãy cho em những điều em chờ đợi, anh nhé!

 

Theo Ánh Hồng

PNO