Lấy chồng kỹ tính

Đối với đa số phụ nữ, lấy một ông chồng sống ngăn nắp, sạch sẽ, cẩn thận thì hạnh phúc gấp bội phần so với ông chồng ở dơ, bừa bộn. Nhưng thực tế, không ít phụ nữ chỉ mong sao chồng bớt sạch, bớt kỹ tính một chút để còn thấy cuộc đời vẫn đẹp.

 
Lấy chồng kỹ tính - 1


Hôm rồi, chúng tôi được Hưng, bạn học cũ, mời đến dự thôi nôi con trai đầu lòng. Chơi với nhau bao năm cũng hiểu phần nào tính bạn vốn ngăn nắp, sạch sẽ, không thích ồn ào nhưng khi được mục sở thị nơi ở của Hưng, chúng tôi mới thực sự… nể. Nhà có con nhỏ mà mọi thứ sạch bong, đồ đạc ngăn nắp, đúng vị trí trong khi việc nhà chỉ có  vợ chồng Hưng tự gánh vác. Tấm tắc một hồi mà chỉ thấy Kim, vợ Hưng, tủm tỉm cười. Lấy làm lạ, khi phụ Kim làm thức ăn, tỉ tê nói chuyện, tôi mới… hãi bởi không ngờ ông bạn mình kỹ tính đến vậy.

 

Chỉ vào chiếc tủ kính bày rất nhiều bình hoa đẹp và lạ mắt, Kim nói: “Coi vậy chứ bình nào việc đó, để nhầm phòng, cắm không đúng loại hoa dành cho bình là không được với ổng đâu. Càm ràm miết cho coi”. Thấy tôi lắc đầu lè lưỡi, Kim kể tiếp: “Chén, bát, muỗng, đũa sau khi rửa phải phơi nắng, lau sạch rồi mới úp vào chạn, loại nào theo loại đó. Nhà hai tầng lầu nhưng ngày nào cũng phải lau sàn bằng tay, nhất định không được dùng cây lau “vì như thế làm sao mà sạch được?”.

 

 Chưa hết, từ cái vòi nước đến mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà đều không được dính một hạt bụi. Con còn nhỏ, đôi khi chưa xong việc này lại phải quay qua chuyện khác, chưa kịp dọn, chồng thấy vướng mắt, vừa dọn vừa càu nhàu; đồ chơi của con vừa lấy ra đã bị ba nó nhìn chằm chằm, chỉ muốn cất đi vì… không thích bừa bộn. Chuyện tắm cho con cũng đôi khi khiến vợ chồng cãi nhau vì chồng thì lau từng kẽ ngón tay, ngón chân, còn vợ thì sợ con cảm lạnh.

 

Sống với ông chồng quá kỹ, quá sạch đôi khi có cảm giác như đang sống với… cái máy soi, soi đến đâu cũng thấy chưa sạch. Vậy nên nhà sạch, đẹp nhưng thực sự mình không có thời gian để hưởng thụ cái sạch, cái đẹp đó…” - Kim than.

 

Đem chuyện này kể với chị Lan, một đồng nghiệp, không ngờ tôi lại được chị chia sẻ thêm chuyện của chính mình. “Chị vốn thích cái gì cũng qua loa thôi, không ngờ ông trời khéo ghép, tặng ngay cho chị một ông chồng có con mắt rất… tinh, vừa kỹ tính vừa xét nét. Từ chuyện kem đánh răng phải bóp từ dưới lên trên, tiền trong bóp phải xếp ngăn nắp, thẳng thớm, theo giá trị đồng tiền, đồ để đâu phải đúng vị trí đó đến chuyện giặt, ủi, rửa chén, lau nhà... tất tần tật anh ấy đều có cớ kiểm tra xem có sạch không.

 

 Không ít lần quần áo chị đã giặt anh lôi ra, săm soi một hồi cũng tìm ra được một vết nhờ nhờ nào đó. Chén bát rửa xong úp lên chạn, anh mà soạn chén thế nào cũng phải bỏ ra vài cái vì... chưa sạch. Đi làm về vừa phải lo cơm nước, giặt giũ vừa tranh thủ dạy con học, vậy mà anh ấy vừa bước chân vào nhà đã chê nào là nhà nhám chân quá, tập vở con sao bày tùm lum (thằng bé đang học chớ có phải đã xong đâu), chai nước trong tủ lạnh đã lưng sao chưa đổ đầy... “Mỗi lần như vậy, anh lại càu nhàu, cằn nhằn, mệt kinh khủng” - chị Lan than thở.

 

Phản ứng và thích ứng

 

Hồi quen nhau, biết anh ấy sạch sẽ, kỹ tính, mình rất thích vì tính mình cũng ghét sự lôi thôi, luộm thuộm. Nhưng lấy nhau rồi, nhiều lúc mình thấy quá mệt mỏi, khổ sở bởi tính quá ưa sạch sẽ của chồng, nhất là sau một ngày làm việc căng thẳng về nhà, con quấy khóc còn chồng thì cứ chực  moi ra cái gì đó để mà vừa làm lại vừa cằn nhằn. Những lúc như vậy, mình chỉ mong giá mà chồng mình… lười và ở dơ một chút” - vợ Hưng nói.

 

Tuy nhiên, chị Kim cũng thừa nhận trong cuộc sống, có những cái có thể thay đổi được nhưng có những cái thuộc về bản chất không thể thay đổi được hoặc có thay đổi cũng phải từ từ. “Dù cực nhưng đi làm về được sống trong căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp vẫn thích hơn. Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm mà” - vợ Hưng kết luận.

 

Tuy nhiên, chị Lan lại áp dụng cách trị bệnh kỹ tính của chồng với chiêu bài “không nghe, không thấy”. Càu nhàu chán mà chị vẫn… không thay đổi, anh buộc lòng tự làm lấy cho vừa ý mình. Dần dần, anh cũng nhận ra với một núi công việc phải làm trong một ngày, không thể mọi cái đều tuyệt đối như ý mình được.

 

Chị Lan đúc kết: “Thật ra mà nói, từ lúc gặp phải ông chồng kỹ tính, chị cũng học được cách sống ngăn nắp, cẩn thận hơn. Điều đó rất có lợi trong cuộc sống và trong việc dạy con. Nhưng một ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan, về nhà lại phải lau chùi từng chút và từng thứ một, từ ngày này qua ngày khác, sức đâu mà chịu nổi? Phải... bớt kỹ tính thôi!”.

 

Nếu không thay đổi được chồng, cũng không thể thay… chồng khác thì hãy thay đổi chính mình, học cách sống chung với cá tính của anh ấy. Xác định tâm thế như vậy rồi cũng nhẹ lòng.

 

Theo Tố Trâm

NLD