Lấy chồng “đàn bà”

(Dân trí) - Nam cao ráo, đẹp trai, học hành giỏi giang, có công việc ổn định. Ai cũng nói Thảo may mắn vì lấy được anh chồng như thế. Vậy mà hôm nay Thảo bế con bỏ về nhà mẹ đẻ, khóc lóc nhất định đòi ly hôn làm bà Mai không khỏi ngỡ ngàng.

Mâu thuẫn bắt đầu từ những điều rất nhỏ tưởng chừng như không có gì đáng nói.

 

Nam không bồ bịch, không rượu chè, không nghiện ngập, luôn chăm chỉ làm ăn vun vén cho gia đình. Thế nhưng chỉ khi sống chung Thảo mới hiểu ra, chồng mình không quảng đại, phóng khoáng như vẫn tưởng.

 

Cả hai cùng là viên chức nhà nước, cuộc sống tuy không giàu có nhưng chẳng đến nỗi xúm xó. Vậy mà Thảo thỉnh thoảng có chút ít biếu bố mẹ, Nam cũng càu nhàu đến cả tháng, cằn nhằn rằng Thảo không chăm chút đến gia đình.

 

Nam có cô em đang học đại học. Đôi khi Thảo cho em chút ít để cuộc sống sinh viên đỡ vất vả hơn. Tưởng rằng Nam sẽ tự hào lắm vì có được người vợ chu đáo với gia đình nhà chồng, mhưng anh mặt nặng mày nhẹ nói cô “hoang phí”, “vung tay quá trán”.

 

Chuyện tài chính trong nhà do Nam giữ cả. Các bữa ăn đều được lên sẵn thực đơn để không thừa một xu. Đến mấy tháng Thảo không có một bộ quần áo mới, “bớt” chút tiền lương của mình ra mua cũng phải nói dối là chị gái tặng…

 

Bữa trước Nam khoe mua được mớ cá ở một chợ cóc trong ngõ, còn bảo Thảo lần sau cứ vào đó mua cho rẻ, xa hơn cũng chẳng đáng bao nhiêu, chứ mua trên đường đi làm về thì đắt đỏ. Thảo ăn miếng cơm mà lòng thấy mặn chát. Tiện đường đi làm chợ búa luôn còn về nhà sớm sủa, chứ chui vào trong xó tắc đường biết bao giờ mới được bữa cơm.

 

Hôm trước bố mẹ và em chồng qua chơi. Số tiền Nam để lại chẳng đủ để đi chợ, Thảo sang hàng xóm giật tạm một ít làm cơm, thế mà về nhà Nam mắng Thảo té tát: “Đi vay để đổ vào mồm, cô không thấy nhục sao”. Ức đến phát khóc, nhiều đêm không ngủ được, Thảo trách mình lấy phải ông chồng sao quá căn cơ.

 

Hai vợ chồng làm lụng tiết kiệm để xây được cái nhà, Thảo quý trọng công lao của Nam lắm. Thế nhưng ông chồng thuộc hàng “tôi yêu nhà tôi lắm, yêu hơn cả vợ tôi”. Chiều qua lúc Nam đi làm về, Thảo ra đỡ cặp, áo treo giúp vào mắc, không được ánh mắt cám ơn thì chớ, hứng ngay cái sẵng giọng của chồng: “Sao không phủi áo ở ngoài trước khi treo. Làm thế khác gì mang bụi vào nhà!”.

 

Không muốn to tiếng sợ con gái tủi thân, Thảo lẳng lặng vào nấu cơm, vừa nấu vừa khóc không may làm đổ nồi canh xuống bếp. Nam chạy ngay lại, chưa hỏi han xem vợ có sao không đã buông lời: “Mất toi đi nồi cá”.

 

Để mặc chồng với nồi cá, Thảo chạy vào phòng khóc nức nở, gói ghém đồ đạc tính đưa con về bên ngoại ít ngày cho đỡ u uất, ai ngờ vô tình tìm thấy cuốn sổ nhỏ của chồng trong hộc tủ:

 

“Ngày 20/9, Thảo tiêu lạm 6000 đồng. Ngày 22/9 uống cà phê hết… xăng xe hết… còn lại là….”. Tựa hồ giọt nước tràn li, Thảo lôi ngay con về nhà mẹ không kịp để nó ăn cơm tối, trong lòng trào lên cảm giác ghê sợ, kinh khi.

 

“Đến nước này con đành chia tay thôi. Đó là cách giải thoát duy nhất” - Thảo nói với mẹ. Giờ cô hiểu rằng không ai mang “dùi đục chấm mắm cáy” đi hỏi vợ, tự trách mình sao không tìm hiểu kỹ trước khi tiến đến hôn nhân.

 

Người phụ nữ nào cũng mong lấy được một tấm chồng “cho đáng tấm chồng”. Bản tính đàn ông cần mạnh mẽ, vị tha, quảng đại, phóng khoáng, lo toan gánh vác những việc lớn chứ đâu chỉ chi li “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

 

Cuộc sống gia đình không bao giờ hạnh phúc được khi trong nhà luôn “thừa” một người đàn bà và “thiếu” một người đàn ông, theo đúng nghĩa.

 

Lan Tường