Làm mẹ kế của đứa trẻ 13 tuổi, tôi cay đắng nhận ra một điều

Như Ý Cát Tường

(Dân trí) - Chỉ đến khi trở thành vợ anh, là mẹ kế của con anh, tôi mới thấy không đơn giản như tôi tưởng.

Tôi lấy chồng là một người đã có vợ con. Vợ anh mất sớm, để lại cho anh một cậu con trai năm nay 13 tuổi. Bố mẹ khuyên tôi suy nghĩ kỹ trước khi cưới vì yêu và cưới là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Nhưng đối với tôi, chẳng có vấn đề gì ghê gớm. Quan trọng là trong mắt tôi, thật khó để tìm được người đàn ông hoàn hảo như anh. Còn chuyện con riêng của chồng, tôi nghĩ chỉ cần tôi thật lòng yêu thương, đối xử tốt, thằng bé nhất định sẽ coi tôi là mẹ.

Chỉ đến khi trở thành vợ anh, là mẹ kế của con trai anh, tôi mới thấy nhiều việc không đơn giản. Cậu bé nhất định không gọi tôi là mẹ, chỉ gọi cô - xưng con. Cậu bé thông minh, láu lỉnh, được ông bà nội và bố chiều vô điều kiện. Tôi nói năng gì cũng đều phải hết sức giữ ý, sợ mang tiếng mẹ kế - con chồng.

Thấy con hay nói trống không, cộc lốc, tôi nhắc thì bà nội bảo: "Đừng nghiêm khắc quá tội nó, từ nhỏ đã thiếu thốn tình thương của mẹ đẻ, đến ngay ông bà còn chưa bao giờ dám la mắng một câu".

Nghe bà nói là tôi hiểu ý bà. Đến ông bà còn chẳng dám nói nặng lời tiếng nào, tôi là mẹ kế cũng đừng lên mặt dạy dỗ gì con.

Làm mẹ kế của đứa trẻ 13 tuổi, tôi cay đắng nhận ra một điều - 1

Làm mẹ của một đứa trẻ không phải con mình quả thực rất khó (Ảnh minh họa: Sina).

Có hôm đi học về, cậu bé thủ thỉ muốn bố mua cho đôi giày hàng hiệu giá hơn 11 triệu đồng. Tôi tưởng anh sẽ nói câu gì đó, đại khái khuyên con nhỏ không cần thiết phải dùng đồ đắt tiền. Nhưng không, chồng tôi chỉ cười và đồng ý.

Tôi không phải người ki bo. Nhưng tôi nghĩ, một đứa trẻ mới 13 tuổi cho sử dụng hàng hiệu là không cần thiết. Nuông chiều như vậy rất dễ tạo ra đứa trẻ không biết coi trọng giá trị đồng tiền, chỉ biết đặt nặng vật chất.

Tôi nói ý nghĩ đó với chồng, chồng tôi lại nhắc những câu giống hệt bố mẹ anh rằng: "Con từ nhỏ đã thiệt thòi nên chiều con một chút".

Thi thoảng, tôi đưa con đi chợ cùng, chỉ cho con xem những cô cậu bé nhỏ xíu đứng phụ bố mẹ bán hàng. Mục đích của tôi là muốn con biết cuộc sống ngoài kia có rất nhiều đứa trẻ phải đang vất vả mưu sinh, chứ không dễ dàng có được cuộc sống đầy đủ như con. Nhưng con nói một câu khiến tôi chịu cứng: "Các bạn ấy có mẹ là sướng hơn con rồi".

Trước ngày sinh nhật của con, tôi mua bộ quần áo rất đẹp mà giá cũng không rẻ để cho con mặc trong dịp tổ chức sinh nhật với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trước mặt đông đủ mọi người, con chê thẳng thừng khiến tôi phát ngượng: "Trông như đồ trẻ con, thà mặc đồng phục còn hơn".

Chồng tôi cũng nói bộ quần áo này phù hợp với con, nhưng bé kiên quyết không thích vì đồ không có thương hiệu. Sau đó, con đòi mua quà sinh nhật là một chiếc xe điện. Ban đầu, mọi người phản đối nhưng cuối cùng vẫn phải chiều ý, với điều kiện con không được tự ý đi xe ra đường một mình.

Chưa hết, ngay dịp Noel vừa rồi, theo yêu cầu của con, chồng tôi mua cây thông rất lớn kèm theo nhiều đồ trang trí. Tôi và mẹ chồng hì hục lôi cây ra treo lắp, định tạo niềm vui bất ngờ.

Ai dè, đi học về nhìn thấy cây thông đã được trang hoàng xong xuôi, con giận dỗi bỏ vào phòng đóng kín cửa, ai gọi cũng không ra. Tôi ngỡ ngàng vì sự bướng bỉnh của con, đứng ngoài cửa phòng dỗ dành, nói rằng tôi và bà nội chỉ muốn giúp con, chứ không nghĩ việc tự ý mở gói hàng lại làm con giận.

Cậu bé hét tướng lên, đại ý là ai cho cô động vào, cô có phải mẹ đâu mà tự ý làm mọi việc. Trong khi tôi vừa đau lòng, vừa bối rối thì mẹ chồng tôi nghe tiếng cậu gào khóc lại lao lên và không cần biết nguyên nhân là gì, bà quắc mắt mắng tôi: "Đi xuống, đừng làm nó khóc nữa". Rồi một lúc sau, bà lại xuống nhà xoa dịu tôi: "Mẹ giả vờ mắng con như vậy cho nó xuôi, nó còn xuống ăn cơm".

Tôi tủi thân phát khóc. Vậy mẹ chồng coi tôi là thứ gì? Sẵn sàng làm tôi tổn thương chỉ để vuốt ve sự giận dỗi vô lý của thằng bé.

Đã thế, thấy tôi buồn, chồng còn trách tôi chấp nhặt với cả mẹ già và con nhỏ của anh. Tôi cảm thấy vô cùng đơn độc. Trong mắt họ, đây là chuyện nhỏ nhặt, mọi người không cần quan tâm xem tôi tự ái và tổn thương ra sao.

Tôi nhận ra, mình chẳng có vai trò gì trong ngôi nhà này. Dù tôi cố gắng đến mấy thì cũng chẳng được coi như người trong gia đình, mãi mãi chỉ là mẹ ghẻ - một người mẹ kế cho con riêng chồng mà thôi.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.