Làm dâu - siêng năng không bằng khéo miệng?
(Dân trí) - Tôi có cô bạn, hơn ba mươi tuổi mới lấy chồng, không phải vì xấu, không phải không có học thức, cũng không phải không có ai yêu mà là vì bạn thật thà quá. Nhiều anh chàng do tôi giới thiệu, quen được ít hôm rồi thôi, họ nói phụ nữ nên biết lắt léo một chút, nũng nịu một chút chứ thật như đếm vậy vô cùng tẻ nhạt.
Bạn lấy chồng cũng do người mai mối, trai quá lứa, gái lỡ thì nhưng may là anh chồng cũng hiền lành, dễ sống. Nhà chồng bạn có hai anh em trai, em trai lấy vợ trước, vẫn đang ở chung nhà. Bạn về làm dâu nữa là nhà có hai cô con dâu cùng chung sống.
Cô em dâu ít tuổi hơn bạn nhiều, nữ công gia chánh thì vụng về nhưng mồm miệng thì vô cùng khéo léo. Mỗi khi nhà có tiệc tùng khách khứa, anh em bà con đến nhà, chẳng ai để ý bà chị dâu đang sấp ngửa làm mâm cỗ, họ luôn khen cô em dâu mồm miệng nhanh nhảu, ngồi hỏi han người nọ người kia ra điều thân thiết lắm.
Nhà có hai cô con dâu, nhưng việc gì cũng đến tay chị cả. Mỗi chiều hai chị em vào bếp, cô em chỉ ngồi ngắt mấy cọng rau, xong rồi đứng cạnh bên khen chị dâu nấu món này ngon, món kia khéo rồi bảo “Mẹ em lúc nào cũng chê em vụng thối vụng nát ra, hôm nào chị dạy em nấu ăn với nhé.” Đến bữa cô lăng xăng dọn cơm, gắp thức ăn vào bát mẹ chồng, bảo món này ngon, Gắp thức ăn vào bát bố chồng bảo món kia bổ. Ăn xong, lúc chị dâu lúi húi dọn thì cô ấy cầm điện thoại bấm số: “Chị à, có việc này em quên bảo chị...” rồi tót lên phòng.
Vào những ngày nghỉ, cô em bảo mẹ chồng “để con nhổ tóc sâu cho mẹ” thế là ngồi vừa đếm tóc vừa tỉ tê với mẹ chồng cả buổi, việc chợ búa cơm nước chị dâu lo tất. Nhà hết xà phòng hay dầu gội không bao giờ cô ấy mua, nhưng hễ thấy có người mua về là cô ấy la toáng lên: “Thấy dầu gội sắp hết, con cứ bảo là mua mà thứ nọ thứ kia cứ quên mất”.
Có lần mẹ chồng nói với cô em dâu: “Nhà có mảnh đất, sau này cho anh chị cả ra riêng. Dù gì anh chị ấy kinh tế cũng có vẻ khá hơn. Còn vợ chồng con thì ở đây với bố mẹ, tiện nghi đầy đủ cả rồi, chỉ việc làm mà ăn nữa thôi”. Cô em dâu tỏ ra mừng rỡ rối rít: “Thật ạ, ai cũng bảo số con chắc kiếp trước tu mấy đời đấy ạ”. Thế nhưng tối đó trong lúc rửa bát, cô em dâu nói với bạn: “Chắc ít lâu nữa bọn em xin mẹ ra riêng, ở đây không hợp đất hay sao mà mãi chưa thấy có con. Em đi coi thầy, thầy cũng nói nên chuyển chỗ ở chứ phong thủy nhà mình không hợp cho đường con cái tuổi bọn em. Vả lại em vụng về, không đảm đang như chị, ở với mẹ chồng lâu dài sợ sinh chuyện”.
Thật ra thì mấy lần có việc vào phòng cô em dâu, bạn nhác thấy trong giỏ rác có vỏ vỉ thuốc tránh thai. Chính bạn biết em dâu cũng chỉ hay diễn trò, giả vờ ngây thơ, giả vờ nịnh nọt, thực chất miệng nói một đằng, đầu nghĩ một nẻo, thế nhưng bạn cũng không thấy khó chịu gì mấy, vì rõ là nghe cô ấy nói cũng xuôi tai.
Có lần bạn ghé nhà chị hàng xóm chơi, chị ấy bảo mẹ chồng bạn mỗi lúc sang nhà đều khen lấy khen để cô dâu út, thỉnh thoảng còn chê bai, nói xấu bạn “Về cách ăn ở, cô chị phải xách dép cho cô em”. Rồi chị ấy bảo bạn: “Em ơi, đi làm dâu ấy, mồm miệng đỡ chân tay. Có tốt tính đến mấy cũng không bằng cái mồm khéo nói, biết lấy lòng”. Chồng bạn cũng luôn so sánh vợ mình với em dâu, còn bảo bạn nhìn thím mà học hỏi. Và bạn băn khoăn, không biết có nên học tỏ ra khéo mồm khéo miệng hơn một chút không?
Tôi bảo bạn, con người mình thế nào cứ thế mà sống, sơn đẹp đến mấy cũng có ngày phai đi, gỗ tốt thì bao nhiêu năm cũng không mục ruỗng. Sống giả tạo chỉ khiến mình thêm mệt mỏi chứ có ích gì đâu. Để làm đẹp lòng người khác, cô ấy không được sống thật bản chất con người mình, luôn nói những điều trái với lòng mình nghĩ. Cuộc sống đâu chỉ là những chuỗi ngày êm đẹp, đợi đến khi sóng to gió cả mới biết ai là ai. Đâu ai nắm tay được cả ngày, vậy thì cố làm gì cho mỏi.
Lê Giang