Lạc đường

Bà sững người thấy chồng đang khoác vai người tình rời khách sạn. Bà điên tiết lao vào, tay giật phăng túi xách trên tay người phụ nữ, miệng la lớn: “Tiền đâu? Ông ấy cho cô bao nhiêu?”. Sau phút ngỡ ngàng, người phụ nữ điềm tĩnh đáp: “Không tiền bạc gì ở đây hết”.

 

 

Lạc đường


Chồng bà giật lại túi xách, gằn giọng: “Tôi không có gì để cho cô ấy. Chỉ cô ấy mới cho tôi tình yêu, sự quan tâm, được sống là chính mình. Không như bà”…

 

1. Bà hối thúc con gái: “Đi lẹ. Phải tới để bắt tại trận”. Con gái lật đật rồ ga, miệng làu bàu: “Chuyến này ba chết chắc”. Hai mẹ con hùng hổ phóng xe đi, nửa tiếng sau mới đến đúng địa chỉ mà người được bà thuê theo dõi thông báo lại. Chưa kịp dừng xe, bà sững người thấy chồng đang khoác vai người tình rời khách sạn. Bà điên tiết lao vào, tay giật phăng túi xách trên tay người phụ nữ, miệng la lớn: “Tiền đâu? Ông ấy cho cô bao nhiêu?”. Sau phút ngỡ ngàng, người phụ nữ điềm tĩnh đáp: “Không tiền bạc gì ở đây hết”. Chồng bà giật lại túi xách, gằn giọng: “Tôi không có gì để cho cô ấy. Chỉ cô ấy mới cho tôi tình yêu, sự quan tâm, được là chính mình. Không như bà”… Đây là lần thứ hai bà đi “bắt ghen”, nhưng bà không nhằm lấy đó làm bằng chứng ly hôn mà để tìm một bằng chứng khác.

 

Từ bạn làm ăn đến con gái đều tham mưu với bà, người phụ nữ kia thật ra chẳng yêu thương gì ông, đến với ông vì lòng thực dụng, mưu cầu tiền bạc. Lẽ đó, bà phải quản chặt, vét túi ông đến đồng bạc cuối cùng, để ông không thể “nuôi” cuộc tình đó mà sớm quay trở lại bên bà. Một ngày, hay tin người tình của ông từ giã phận công nhân về làm chủ một quán cà phê, bà đinh ninh nguồn kinh phí do ông đài thọ. Bà tìm gặp luật sư, được hướng dẫn với số tiền lớn ông mang cho kẻ khác, nếu bà chứng minh được bằng chứng cứ cụ thể, vẫn có thể thu hồi, bởi đó là tài sản chung của vợ chồng trong quá trình hôn nhân, chưa được bà đồng ý trong cách ông chi dùng. Bà quyết định theo dõi ông.

 

2. Tôi gặp hai người trong một buổi trưa đầy nắng dưới sân Tòa án nhân dân. Ở tuổi xấp xỉ 50, trông bà quý phái, thanh lịch khi khoác lên người bộ vest màu rêu, tóc búi cao. Ông lại là hình ảnh đối nghịch, vóc dáng gầy gò, tóc hoa râm, đi chiếc dream cũ kỹ, nhìn vào thấy ngay sự khắc khổ. Ông cười cười: “Ai có nhu cầu, tiện đường tôi làm mấy cuốc xe ôm”. Hai người là đương sự của vụ ly hôn mà ông là người đứng đơn yêu cầu. Tòa sơ thẩm tuyên bác đơn, ông kháng cáo. Đến phiên xử này, bà tiếp tục sụt sùi: “Tôi bận túi bụi làm ăn nuôi con, lo cho chồng. Không giúp tôi thì thôi, ông ấy còn mèo mỡ. Tòa mà cho ly hôn, khác nào tạo điều kiện để ổng phụ tôi đến với người ta”. Ông giơ tay, trút cạn lòng: “Chúng tôi ly thân đã một năm nay. Tòa không cho ly hôn, tôi cũng bỏ nhà đi thôi. Tôi không ở được với bà ấy nữa”.

 

Đôi mắt xa xăm, hồi ức của 30 năm vợ chồng trong ông sống dậy. Ngày ấy, hai người gặp gỡ, yêu thương nhau rồi kết hôn khi cùng làm thuê cho một xưởng mộc. Sau đám cưới, có chút vốn liếng, cả hai đứng ra mở xưởng mộc riêng. Làm ăn phát đạt, cơ sở mở rộng đòi hỏi nhiều máy móc, nhân công có tay nghề cao, tinh xảo trong thiết kế, trang trí cho từng món nội thất khiến ông dần… mất việc. Không có kỹ năng quản lý, tính toán, thuận theo ý bà, ông bàn giao hết để lui về giữ vai trò hậu phương, thay vợ quán xuyến chuyện chăm con, cơm nước. Tiếng nói của ông từ đó nhỏ dần rồi tắt lịm khi mỗi lời bà nói ra theo thời gian càng có thêm sức nặng. Giữ hầu bao, bà… gửi tiền tháng cho ông đi chợ, mua sắm, chi tiêu, rồi không ít lần hoạnh họe cơm canh không ngon, cửa nhà dơ bẩn. Ông giấu sự tổn thương, tự ái trong lòng, cộng với vợ chồng không có thời gian gần gũi, sẻ chia khiến cả hai ngày càng xa cách. Rồi hai người ly thân, bà thường xuyên “dùng bữa” cùng đối tác hoặc có khi với cô con gái nơi nhà hàng, quán xá sang trọng, bỏ mặc ông ngày ba bữa chơ vơ.

 

3. Ngày biết tin ông có nhân tình, bà đâu nghĩ đến cái sai của mình để từ đó thay đổi, khéo léo kéo ông về, ít nhất là trao trả lại quyền làm chồng, làm cha ông phải có. Ngược lại, ý nghĩ người đàn bà kia đến với ông vì tiền, hết tiền tình sẽ tan choán hết tâm trí, khiến bà hành động nông nổi: tìm cách chiếm lại vốn liếng ông mang cho nhân tình. Trong quãng thời gian sống ly thân, viện cớ ly người nên ly cả… vật dụng, bà đẩy ông đến bước đường tự mua bếp núc, xoong nồi về nấu ăn, chuyện chi tiêu mạnh ai nấy gánh.

 

Bà trình bày lý do cuối cùng hòng buộc ông từ bỏ ý định ly hôn: “Tôi chỉ chấp nhận ly hôn nếu ông ấy bằng lòng ra đi tay trắng. Phần tài sản ông ấy để lại hết cho con gái tôi”. Sau cái nhíu mày, ông gật đầu cái rụp, rồi hồn nhiên tuyên bố: “Tôi “vô sản” lâu rồi mà!”. Bà chết sững. Tòa tuyên ly hôn…

 

Nửa tháng sau ngày tòa xét xử, bà gọi cho tôi kể, trong lúc vô tình đi ngang quán cà phê, giờ là “tổ ấm” của ông với nhân tình, thấy ông hì hụi… trổ nghề mộc sửa lại những chiếc ghế lỏng chân, lòng bà thắt lại. “Tôi đi mà không biết mình đang lạc đường. Lạc đường nên đã mất ông ấy” - bà khóc.

 

Theo Ngân Du

PNO