Là do em buông câu…

(Dân trí) - Hồi đó, em gọi điện cho tôi để nhờ: “Anh rành thì hỏi hộ, rồi đưa em đi mua cái xe máy với”. Chiếc xe đó bằng thu nhập cả một năm lương công nhân của em.

Là do em buông câu… - 1

Tôi đã chạnh lòng nghĩ đến nhà em, hôm tết tôi đến thăm chú thím, kể cả là đầu năm mới, song lúc nào cũng thấy họ đầu tắt mặt tối. Nhà em nuôi mười con lợn, năm con bò, hai mẫu ruộng với cơ man nào là cây ăn quả, trồng trên quả đồi hoang phía sau nhà. Chú thím lúc nào cũng bươn bả, dậy từ bốn, năm giờ sáng để lên đồi tranh thủ làm khi trời chưa nắng, tối mịt mới lử khử về ăn uống, nghỉ ngơi…

Chú thím đẻ nhiều, được cái bọn trẻ khổ từ nhỏ, nên mong muốn thoát ly cũng mạnh, đứa nào cũng cố gắng học hành. Song đứa nào cũng chỉ biết thân đứa ấy, học xong có tiền lại tếch đi lấy chồng, để lại cho bố mẹ cái lưng đã còng gập vì khoản vay ngân hàng, nuôi các con ăn học.

Em học xong cao đẳng thì vẫn ra làm công nhân, lương đủ trang trải cuộc sống xa nhà, tằn tiện thì mới dôi được chút. Sau mấy năm cày cục, nay em có gần đủ tiền mua cái xe xịn để khoe mẽ. Em cười: “Công nhân chúng em, nhiều như quân Nguyên, mình mà không nổi bật còn lâu mới lấy được chồng”. Em cùng nhiều cô bạn xung quanh luôn nghĩ và khao khát rằng đi xe xịn là thể hiện đẳng cấp, bất kể hoàn cảnh của mình. Vì phải gây ấn tượng trước mắt đã, còn về căn nhà lụp xụp thậm chí còn chưa có nhà vệ sinh tươm tất, em mặc kệ bố mẹ.

Các bạn ấy có vẻ sống ảo, và chăm chút cho cái bề nổi nhiều quá, tôi tự nhủ, chắc do mình đã già nên tôi không ý kiến. Chỉ là suy nghĩ của em khiến tôi bồi hồi nhớ lại cái ngày tôi và bạn gái gặp nhau lần đầu tiên, cô ấy đạp cái xe vẫn từ thời đi học, giờ cô ấy dùng để đi làm, còn tôi đi con xe Tàu bố tôi thải ra, lọc xọc đi mãi cũng đến nơi cần đến.

Hai đứa cùng nghèo, gặp nhau ở thư viện thành phố, hai con mọt sách được dịp tranh luận với nhau đủ thứ, cảm thấy rất hợp gu. Vậy là chúng tôi bắt đầu hò hẹn, nói những chuyện trên trời dưới biển. Được một thời gian, hai đứa cần nói chuyện nghiêm túc, khi muốn tiến xa hơn, tôi nói: “Anh là nhân viên quèn, chỉ có hai bàn tay trắng”, người ấy mỉm cười: “Em cũng đâu hơn gì anh”.

Chúng tôi bắt đầu từ con số không như vậy, lấy nhau xong xuôi mới “lộ” ra khoản tiền riêng, khi cả hai hé ý định muốn mua một mảnh đất con con. Thế là thấy càng ngày càng thấm, càng quý và trân trọng nhau thêm. Bởi hai đứa đến với nhau bằng sự tin yêu, mến ở chính bản thân người kia chứ chẳng phải vì gì khác.

Trở lại chuyện của em, rồi em cũng “câu” được một anh chàng, nhìn phong trần đàn ông lắm, em khoe là em phải giăng mãi mới được. Song, vì ngại cảnh nhà nghèo khó, nên em không đưa người ta về, thế nên nào dám giục anh ta đưa về ra mắt.

Nay, bụng em đã lùm lùm, ai cũng chờ đám cưới, nhưng cứ chờ tháng này, rồi tháng sau... Mãi đến khi em chửa tám tháng, sắp đẻ mới thấy em đưa thiệp mời. Em tổ chức ở nhà hàng gần công ty cho đồng nghiệp đỡ phải về tận quê, xa xôi vất vả, một phần vì em không muốn họ biết gia cảnh.

Mãi tôi mới hay, ra là tay kia chẳng công ăn việc làm, được mỗi cái mẽ, cùng cái mồm giảo hoạt, lại còn đã có vợ con, đương nhiên gã chẳng có ý định bỏ. Cái xe của em cũng bị tay chơi ấy cắm mất. Khoản tiền tổ chức lễ cưới em phải nói khó, trình bày hoàn cảnh chán, để xin ứng lương công ty, về lạy lục bố mẹ bán lứa lợn, con bò đi, và mua giúp em cái xe đểu, cũ cũng được, để em lấy cái đi lại.

Đám cưới em thật buồn, quê xa nên chẳng mấy người đến dự. Phía nhà trai chỉ có ông chú đến, còn tuyệt nhiên không có ai, vì bố mẹ gã không đồng ý. Nhà em đông đủ đứng nhìn lệch cả một bên, em nhủ: “Thôi cho con một cái tên bố đầy đủ trong giấy khai sinh là được rồi”. Tiêu chuẩn của em đã tự hạ xuống từ bao giờ…

K.M