“Khủng hoảng” thừa
Bạn bè lâu ngày gặp thường chào tôi bằng một câu rất ấn tượng: “Chừng nào sinh?”. Đơn giản vì họ thấy cái bụng của tôi còn bự hơn mấy bà bầu gần đẻ.
Vậy mà chỉ có 10 năm sau ngày cưới tôi đã tăng lên 92kg. Càng mập, càng lười vận động. Càng ít vận động, lại càng mập hơn nữa. Một cái vòng luẩn quẩn chỉ từ quan điểm: “Con đường ngắn nhất đến với trái tim là qua bao tử” của vợ tôi.
Cô ấy thuộc mẫu phụ nữ truyền thống, tôn trọng bữa cơm gia đình, cố gắng chiều chồng bằng những món ăn ngon lành bổ dưỡng. Tôi thích ăn đồ chiên giòn, cô ấy không ngừng “bồi bổ” tôi bằng ba rọi, gà nướng, vịt chiên, heo quay... Bữa cơm nào cũng có hành phi, tóp mỡ cho ngon miệng. Những món lẩu, món canh luôn có mỡ màng cho thêm độ béo. Tôi lười ăn rau, cô ấy “cắt” luôn khẩu phần rau và tăng cường thêm da heo như giò móng, bì... Bữa cơm nào tôi cũng dùng rất ngon miệng, tôi được ép ăn nhiều hơn.
Khi mập lên chút đỉnh, tôi bớt “sung sức” hơn nên cô ấy lại tập trung bồi bổ bằng phủ tạng động vật như tim, cật, gan heo, bò... Quả là ngon miệng, mỗi ngày một món ăn hoài không chán. Tôi bớt ra đường, không bạn bè hàng quán. Đi đâu cũng nhớ về ăn cơm với vợ. Sức khỏe có tốt hơn vì không mắc những bệnh lặt vặt do ăn uống thiếu vệ sinh ngoài đường. Mục tiêu cột chân chồng bằng bữa cơm ngon của cô ấy coi như đã thành công.
Bữa cơm nhà tôi luôn nồng ấm và đầy ắp tiếng cười. Tưởng như thế đã là thiên đường của hạnh phúc gia đình, nhưng kỳ thực là chưa đủ. Một gia đình lành mạnh phải bao gồm những con người mạnh khỏe, năng động. Với những cái “bụng bầu” ọc ạch mỡ của mấy cha con tôi thì chẳng thể nào cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc gia đình. Đó là chưa nói những căn bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, cholesterol cao... đang đe dọa cả mấy thành viên trong nhà.
Chắc là chưa quá muộn khi vợ tôi hiểu ra vấn đề. Chắc là chúng tôi phải phấn đấu nhiều lắm để sửa chữa sai lầm của mình trong 10 năm qua.
Theo Trần Thiện Ngân
Phụ Nữ