Khủng hoảng gia đình vì… tin nhắn

(Dân trí) - “Chiều nay anh có rảnh không? Em mời anh đi ăn tối nhé” hoặc “Em cảm ơn anh vì anh đã giúp em. Rất mong sớm được gặp lại anh”, thêm nữa “Tối hôm qua anh đã có cách ứng xử rất tuyệt, em thầm cảm ơn anh và hy vọng...”.

Đó là vài trong rất nhiều những mẩu nhắn tin xuất hiện trên máy điện thoại di động. Người nhắn và người nhận đều hiểu ngay ra nội dung của tin nhắn, nhưng những người khác khi đọc đến thì ngay lập tức có cảm giác gai gợn: “Ái chà! Nghe có vẻ lâm li đây”, và với người vợ (hoặc người chồng) khi đọc những dòng nhắn tin này rất có thể sẽ nổi cơn tam bành và lôi nhau ra hành xác.

 

Những tin nhắn “giết” người

 

Anh Nguyễn Ngọc Châu, một nhà báo khá lão luyện trong nghề, hôm trước thất thểu tâm sự: “Nguy quá ông ạ, tôi đang bị bà vợ riềng cho đến toi vì cái nhắn tin rất “củ chuối”. Đại loại có một cô sinh viên báo chí vì muốn được nhà báo này hướng dẫn tốt nghiệp nên tìm được số điện thoại và nhắn tin: “Em rất thích các bài viết của anh. Em rất mong anh giúp em. Tối mai nếu anh rảnh mình gặp nhau ở cà phê hôm trước. Em sẽ trao đổi hết với anh”.

 

Đáng lẽ nhà báo này khi đọc xong tin nhắn rồi xoá đi ngay thì không có chuyện gì, nhưng chỉ một phút sơ sểnh mà quan hệ với vợ những ngày qua cứ như bị cho vào chảo rang.

 

Cách đây ít hôm, chị Hương, nhân viên của Công ty Phát triển thương hiệu CISSCO cũng trao đổi với tôi một câu chuyện rất thật mà chị đang bị rơi vào. Chị có cộng tác công việc với một anh chàng nọ. Anh chàng cũng giúp chị được một số việc, và phép lịch sự tối thiểu là phải cảm ơn nhau. Chị nhắn tin cảm ơn đại loại: “Em rất cảm ơn anh T. vì đã giúp em, ít bữa nữa rảnh rỗi anh em mình gặp nhau nhé”. Chỉ có vậy thôi mà chị bị vợ của anh chàng kia bắn tin: “Đừng có quyến rũ anh chàng, nếu không sẽ gặp chuyện không hay ho đâu”. Và chị ta sẽ làm cho ra chuyện mới thôi. 

 

Chị Hương than thở: Đúng là mình dại dột đi nhắn tin cho đàn ông. Mình không bao giờ có bất cứ ý định gì với anh chàng kia cả, nhưng cũng chẳng biết nên thanh minh thế nào.

 

Còn anh Quang Minh ở Chùa Bộc, Hà Nội thì cũng rơi vào một tình huống sống dở, chết dở. Một bạn nữ cùng phòng làm việc với anh có một lần nhắn tin để đùa: “Ngồi họp trông anh rất đáng yêu, em yêu anh nhất đấy”.

 

Thực ra anh Minh đã ngoài 40 tuổi, nom khắc khổ, già nua, cô bạn nữ ít hơn anh nhiều tuổi, ngồi họp cùng vì thấy cuộc họp chán ngắt nên nhắn cho anh để trêu. Anh đọc xong, cười buồn. Đúng lúc đó thì anh bị mời lên phát biểu. Thế là quên đi mẩu nhắn tin.

 

Mấy ngày sau, buổi tối, cô vợ giặt quần áo vô tình cầm cái máy di động của anh và xem được dòng nhắn tin. Thế là một cuộc ẩu chiến mồm nổ ra. Anh càng ra sức thanh minh thì vợ anh càng quy kết anh có tội. Cuối cùng anh phải nhờ đến cô bạn cùng phòng dẫn người yêu đến nhà anh để thanh minh giúp anh mới thoát tội.

 

Tình trạng sử dụng nhắn tin với những lời nhắn tương đối mù mờ đang trở nên hết sức phổ biến và là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình bị rơi vào sự nghi kỵ và khủng hoảng.

 

Hãy cẩn thận trước khi nhắn tin!

 

Có khá nhiều người coi nhắn tin như một trò chơi và một trong những đối tượng chơi là nhắn cho người khác giới để trêu chọc. Còn đa số đều dùng nhắn tin làm một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền tải thông tin như nhắn gặp nhau, nhắc nhau việc gì đó, hẹn gặp hoặc đơn giản là trò chuyện cho đỡ chán. Tuy nhiên, có một điều hết sức đáng lưu ý là đôi khi những trò đùa tưởng như vô hại đó lại hết sức tai hại, nhất là với những người đang yêu hoặc đã có gia đình.

 

Thường người nhắn tin bao giờ cũng cố rút ngắn nội dung tin nhắn lại nhất nên cũng thường dễ gây hiểu lầm. Ví dụ: “Hẹn anh ở cà phê hôm trước”. Thực chất nếu nói đầy đủ, cô gái này chỉ nên nhắn: “Anh cho em một cuộc gặp để em xin anh các tài liệu”, có lẽ mọi việc sẽ ổn hơn. Hoặc trong lời cảm ơn cũng đừng nên dãi bày quá như “Anh đã giúp em rất nhiều, nếu không thì không biết em xoay sở ra sao”. Chỉ cần nhắn: “Cảm ơn anh Cường rất nhiều vì công việc hôm trước anh đã giúp”.

 

Mỗi người khi đã có gia đình đều không nên  để xuất hiện những gai gợn nghi ngờ không đáng có. Những dòng nhắn tin tưởng như vô tình kia lại là nguồn cơn của những khủng hoảng. Vậy dù nhắn tin là một công việc rất đơn giản, nhẹ nhàng thì bạn cũng đừng để việc ấy trở thành việc lớn.

 

Đức Trung