Không có tiền, chồng tôi vẫn hão huyền đòi "về quê trồng rau, nuôi cá"

PV

(Dân trí) - Cưới nhau được 4 năm, mới có một con gái nhưng tôi đang cảm thấy hai vợ chồng bất đồng khá nhiều về mục tiêu tương lai.

Vợ chồng tôi đều là dân văn phòng với đồng lương đủ sống tại Hà Nội chứ không dư dả. Chúng tôi vẫn đang ở nhà thuê.

Chúng tôi có một cô công chúa nhỏ, năm nay vừa tròn 3 tuổi. Con thường xuyên đau ốm nên gần như 3 năm đầu đời của con, chúng tôi dồn hết kinh tế lo cho con, chưa tích cóp được nhiều.

Quê chúng tôi đều là miền Trung nắng gió, đất rộng người thưa nhưng công việc khó khăn. Có đất làm nông, vụ mùa đủ ăn đã là may mắn rồi, đừng nói đến buôn bán nông sản. Bởi thiên tai lũ lụt, hạn hán chồng chất khiến sản lượng nông sản rất kém.

Ông bà hai bên đều gốc nông nghiệp, không dư dả để phụ thêm con cháu. Chỉ mong ông bà khỏe mạnh đã là phước phần của chúng tôi.

Còn nhớ, ngày quen nhau, vợ chồng tôi vẫn thường tâm sự những dự định riêng trong tương lai. Ngày ấy, anh đã có ý định về quê lập nghiệp.

Anh là người suy nghĩ đơn giản, không thích bon chen, muốn vui thú ruộng vườn, làm thêm ao cá, thả thêm đàn gà. Như thế là đủ với anh.

Không có tiền, chồng tôi vẫn hão huyền đòi về quê trồng rau, nuôi cá - 1

Hai vợ chồng tôi đang có khá nhiều bất đồng về mục tiêu tương lai chung (Ảnh: iStock).

Tôi lại khác. Bố mẹ vất vả kiếm từng con cá, mớ rau lo cho chị em tôi ăn học, muốn con cái thoát khỏi vùng quê nghèo, hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Chí ít tôi cần đỡ lam lũ đồng ruộng, không "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như các cụ.

Đó cũng là mục tiêu của tôi, muốn cuộc sống tốt lên. Dù có ở thành phố bon chen vất vả, đầy áp lực, tôi vẫn chưa bao giờ có ý định vứt bỏ hết những áp lực ấy để về quê.

Tương lai, tôi cố gắng để cuộc sống gia đình nhỏ của mình đủ đầy hơn, có cơ hội đón bố mẹ lên thành phố vui cùng con cháu.

Thời gian gần đây, không hiểu sao chồng tôi thường nhắc đến việc chuyển về quê sinh sống. Ban đầu chỉ bóng gió, sau là tâm sự với tôi quyết tâm về quê sau 5 năm nữa.

Anh vạch ra từng đường đi nước bước. Nào là về quê, ông bà nội sẽ cắt cho một mảnh vườn, dựng một căn nhà nhỏ, làm ao cá, nhận thêm vài mẫu ruộng.

Anh cho rằng, bây giờ nông nghiệp đã dần công nghiệp hóa, làm gì cũng có máy móc hỗ trợ, mình không phải động tay động chân.

Bên cạnh đó, có thể tạo thêm mảnh vườn để gia đình có thêm nguồn rau sạch. Anh vẽ cho tôi hình ảnh về mảnh vườn thơ mộng cùng vài khóm hoa hồng. Với anh, như vậy là đủ đầy.

Tôi ban đầu ậm ừ, xem như là câu chuyện phiếm sau mỗi bữa ăn. Lâu dần tôi thấy mục tiêu của anh ngày càng rõ ràng hơn. Tôi nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề.

Tôi kiên nhẫn phân tích với anh những bất lợi và cả sự vô lý trong kế hoạch cho gia đình nhỏ của mình. 5 năm tới, nếu vẫn duy trì công việc hiện tại, chúng tôi không thể tích cóp đủ kinh tế để xây dựng một căn nhà, dù là ở quê.

Việc trồng rau, nuôi cá nghe có vẻ an nhàn, vui thú. Thế nhưng, chỉ với mô hình nhỏ như anh vẽ ra, khó để vực dậy kinh tế của gia đình.

Đấy là chưa kể với tôi, ở thành phố lớn như Hà Nội, điều kiện học tập, trải nghiệm cuộc sống phong phú hơn rất nhiều khi về quê. Tôi muốn dành những gì tốt nhất nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho con.

Tất nhiên, trong kế hoạch 3 năm tới, chúng tôi muốn sinh thêm em bé nữa. Vậy với tình hình kinh tế hiện tại, việc duy trì cuộc sống ổn định cũng là may mắn, đừng nói cố gắng tích cóp về quê lập nghiệp.

Việc về quê đơn thuần làm nông với tôi là con đường lặp lại cuộc sống lam lũ mà bố mẹ tôi từng trải qua.

Tôi có đang cứng nhắc với chấp niệm "Nhất định phải bám trụ thành phố" mà bố mẹ tôi vẫn luôn nhắc nhở?

Tôi có quá cực đoan khi nghĩ rằng, ở quê nhà không có điều kiện cho con phát triển tốt như ở thủ đô?

Tôi phải làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của chồng, tìm được tiếng nói chung trong mục tiêu tương lai của gia đình tôi?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Ngọc Bích