Góc tâm hồn
Khói chiều cay mắt
(Dân trí) - Trong những giấc mơ chập chờn tôi thường thấy mình trở về bên dòng sông xanh mát, nằm ngửa trên triền đê hướng mắt nhìn bầu trời xanh kỳ diệu. Cả tuổi thơ hiện về êm đềm, dịu ngọt và cả kinh hoàng…
Mẹ thường gánh khoai qua chợ Chùa bán đổi gạo, thường thì mẹ cho tôi ngồi đầu nhẹ của thúng khoai. Trên con đê gió xiêu xiêu dáng mẹ, mồ hôi nhỏ xuống giữa cái nắng buổi sớm, mẹ đưa tôi qua cánh đồng có nhiều đàn cò trắng, qua một đoạn đường nhiều hàng cây phi lao là đến chợ Chùa. Hôm nào may mắn thì bán hết, mẹ mua nhiều thứ để gánh về, trong những món hàng mẹ mua chắc chắn có con tò he làm bằng bột lộc nhuộm màu xanh đỏ cho tôi; nếu không bán hết mẹ phải gánh về, đường về như dài hơn, thấy mồ hôi mẹ đổ xuống nhiều nên tôi chỉ đi bộ lon ton theo mẹ.
Những ngày nghỉ học tôi cùng thằng Tèo lội xuống đầm Duy Phiên nằm trên cù lao Bắc Phước để bắt còng và mò cua. Đầm vào mùa cạn nước lấp xấp ngang mắt cá chân. Đôi chân thọc sâu xuống bùn bước chậm rãi đi bắt từng con còng bỏ vào cái oi, mặt mày dính đầy bùn thế mà đứa nào cũng thích và mải rong chơi quên cả giờ cơm.
Nhưng trong kỷ niệm của tôi thơ, một vết thương còn đọng lại trong tâm hồn khi một tiếng nổ vang trời vút lên sau luỹ tre của nhà thằng Tèo, nó mất vì vướng phải bom bi còn trong lòng đất khi cuốc khoai cùng mẹ nó ở trong vườn. Nhiều năm sau tiếng nổ đó vẫn con đau đáu trong tâm hồn tôi với hình ảnh người bạn tuổi thơ nằm bất động giữa một hố đất sâu…
Tuổi thơ đi qua, mùi khoai lang nướng không còn. Thi thoảng trở lại quê nhà đi trên cánh đồng sau mùa gặt, từng đám khói bóc lên bởi những người dân đốt đồng. Không biết lũ trẻ bây giờ có thích nướng khoai bằng lửa rơm hay phân bò. Khi nhớ tới hương thơm của khoai chín, sóng mũi cay xè. Không phải do khói lam chiều làm cay mắt mà có lẽ mình đã sống lại với tuổi thơ.
Yên Mã Sơn