Khám phá quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ

(Dân trí) - Trẻ nhỏ thường có 4 giai đoạn phát triển trí tuệ cơ bản mà các bậc phụ huynh nên biết và tìm hiểu để có thể giúp trẻ phát triển tối ưu.

Khám phá quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ - 1
Hành trình phát triển tư duy của trẻ nhỏ cũng hết sức đặc biệt

Giai đoạn vận động cảm giác

Từ lúc mới sinh đến khi 2 tuổi, trẻ sẽ tìm hiểu thế giới thông qua các chuyển động và cảm giác với những hành động cơ bản như bú, nắm, nhìn và nghe.

Dần dần, trẻ có thể lặp đi lặp lại một chuỗi các hành động để tạo nên vòng lặp phản ứng. Tại thời điểm trẻ một tuổi, cha mẹ có thể thấy các cử chỉ của trẻ đã dần trở nên phức tạp hơn và trẻ cũng sẽ khám phá ra những cách thức mới để thể hiện một vấn đề.

Giai đoạn tiền thao tác

Từ 2 đến 7 tuổi, trẻ sẽ trải qua những bước phát triển chính như sau:

- Từ 2-4 tuổi: Kỹ năng ngôn ngữ của trẻ có sự phát triển. Trẻ có thể nói, tuy chưa thực sự logic. Trẻ cũng có thể hồi tưởng và trò chuyện về những chủ đề không thường trực ngay trước mắt.

- Từ 4-7 tuổi: Trẻ nói chuyện có ngữ nghĩa và bắt đầu nhận thức cũng như sử dụng được tư duy logic.

Giai đoạn thao tác cụ thể

Đây là giai đoạn phát triển tư duy khi trẻ từ 7 đến 12 tuổi. Lúc này, trẻ có thể hiểu được cách tư duy logic và sử dụng logic để suy nghĩ. Đặc biệt, trẻ hiểu được ý nghĩa, mục đích của một vấn đề và cũng có thể giải quyết vấn đề theo cách hợp lý và chính xác.

Giai đoạn thao tác chính thức

Khi từ đủ 12 tuổi trở lên, trẻ bước vào giai đoạn cuối cùng trong việc phát triển trí tuệ. Các khái niệm trừu tượng lúc này cũng đã được trẻ tiếp nhận, suy nghĩ và thấu hiểu. Nhờ đó, trẻ có thể lý giải các vấn đề phức tạp, khó hiểu và vận dụng tốt tư duy trong việc giải quyết vấn đề.

Trên đây là 4 giai đoạn phát triển trí tuệ cơ bản. Tuy nhiên, mỗi trẻ nhỏ lại có những đặc điểm khác nhau và nếu con bạn có bất kì biểu hiện khác biệt nào so với số đông trẻ nhỏ thì bạn cũng đừng nên quá lo lắng mà hãy từ từ quan sát cũng như cổ vũ con trên hành trình phát triển, khôn lớn.

Trà Xanh

Theo MC

Phản ứng tức cười của bé với đồ ăn