Học cách giữ (nói) bí mật
(Dân trí) - Marilyn Barnicke Belleghem, chuyên gia Hôn nhân và Gia đình, truyền đạt tới bạn kinh nghiệm xử lý các bí mật, chia sẻ bí quyết khi nào nên giữ, khi nào nên nói ra, và nói cách nào tốt nhất.
Có những điều nên được giữ kín, nhưng đôi khi tốt hơn cả là phải nói ra…
1. Giữ im lặng
Nguyên tắc số 1 của bí mật là: Không nói. Khi một người bạn tin tưởng bày tỏ với bạn rằng cô ấy đang mang thai, mất việc hay gặp rắc rối tài chính, hãy im lặng. Dù thế nào cũng đừng phá vỡ cam kết giữ bí mật của mình. Lộ ra dù chỉ một lời cũng có thể phá hỏng sự đáng tin của bạn và làm tổn hại tình thân giữa hai người.
2. Nên để họ tự nói
Có những khi bạn không thể giữ mãi bí mật, và có những khi không nên giữ bí mật. Đó là trường hợp bí mật có liên quan đến sức khỏe hoặc sự sống còn của ai đó (như người tiết lộ bí mật cho bạn đang có ý định tự sát chẳng hạn). Hãy bảo người ấy bạn không thể giữ lời hứa, bạn buộc phải nói ra và cho họ lý do tại sao.
Nhưng trước khi tiết lộ bí mật này, hãy cho người bạn kia một cơ hội tự nói vấn đề của họ. Khuyên và giải thích vì sao họ nên nói ra, cho cô ấy một khoảng thời gian nhất định để tự thực hiện điều đó. Cách này, bạn không tước đi quyền cá nhân cao nhất của cô ấy.
3. Nếu buộc phải nói, hãy hỏi trước tiên
Bạn biết một bí mật và nghĩ rằng ai đó nên biết, ví dụ bắt gặp chồng của bạn mình ngoại tình, đừng chạy đi “xả” ngay lập tức. Đôi khi con người không muốn biết chuyện sẽ gây tổn thương đến họ.
Cách hành động tốt nhất là hỏi người bạn của mình xem cô ấy có muốn biết vài điều liên quan đến mối ngờ của bạn về chồng cô ấy không. Nếu cô ấy nói có, hãy nói ra điều bạn biết, bạn nghi, nhưng không thêm thắt, thêu dệt.
4. Nên hiểu: “Riêng tư” khác “bí mật”
Chuyện riêng tư của người khác không phải vấn đề bạn nên mang ra bàn. Nhưng nói lên quan điểm của bạn về một vấn đề bạn nhìn thấy, cảm thấy, thậm chí có hành động phản kháng thì lại là việc bạn có thể làm.
Bạn sốc khi thấy một người bạn của mình chơi ma túy, thì việc tiết lộ những gì bạn nhìn thấy được xem là kể chuyện chính bạn vừa trải qua, chứ không phải đang chọc ngoáy bí mật của người khác. Ví dụ: “Tôi đã rất kinh ngạc khi thấy cậu ấy dùng ma túy. Chúng tôi nói chuyện khá gay gắt về điều đó, tôi thực sự rất buồn”.
5. Cân nhắc những ảnh hưởng
Nếu việc giữ bí mật có thể khiến ai đó đưa ra quyết định sai lầm, tốt nhất bạn nên nói ra. Ví dụ, bạn biết chồng của một người bạn mình đang gặp khó khăn về tài chính. Cô ấy lại không biết điều đó và đang có kế hoạch đặt một chuyến đi nghỉ dài ngày tốn kém. Bạn nói bí mật ra sẽ giúp cô ấy kịp thời hủy chuyến đi không cần thiết này.
6. Coi như điếc
Đôi khi, đơn giản là tránh nghe bí mật của ai đó lại dễ dàng hơn cho bạn rất nhiều. Nếu có người bảo muốn nói cho bạn biết một điều họ vừa làm, hoặc có bí mật muốn chia sẻ với bạn, hãy gợi ý cách “tất cả cùng nghe”. Nói với người đó rằng bạn không muốn nghe bởi không thể hứa rằng mình sẽ giữ được bí mật cho họ.
Huyền Anh
Theo SL