“Hoạn thư @”
Qua rồi cái thời những bà vợ rình mò chồng để tìm bằng chứng về sự thiếu chung thủy. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã trở thành công cụ đắc lực cho các Hoạn Thư thời hiện đại.
Anh bảo, cửa hàng CCTV camera mới mở được gần 2 năm trở lại đây nhưng lượng khách đều lắm, trung bình 1 tuần là có vài ba hợp đồng cho các đơn vị xây dựng tòa nhà công sở. Nhưng đáng nói nhất là trong số khách hàng doanh nghiệp còn có cả những cá nhân là những bà vợ mua về giám sát... chồng.
Có chị làm giám đốc nhân sự một tập đoàn lớn, đã ngoài 40 nhưng ngoại hình còn mặn mà, ấy vậy mà từ 1 năm trở lại đây chồng chị rất thờ ơ “chuyện ấy”. Vì điều kiện công việc phải đi công tác nên chị bí mật “thuê” cậu con trai đang học năm cuối cấp 2 làm “thám tử” theo dõi bố. Tuy nhiên kết quả thu về từ “gián điệp nhí” đều rất tốt, kể cả khi chị vắng nhà tới cả tuần. Linh tính của đàn bà mách bảo khiến chị quyết tâm đến cửa hàng IP camera để mua nguyên một bộ thiết bị tốt nhất về lắp hết các phòng, kết nối và gửi dữ liệu lên máy chủ, chi phí hết gần 5000 USD.
Với thiết bị này, mọi động tĩnh từ cửa ra vào cho tới phòng ngủ, thậm chí là bàn làm việc cùng màn hình máy tính đều hiển thị chi tiết, dù ở bất kỳ đâu. Hệ thống camera cũng được bố trí kín đáo với bộ tích điện riêng, kết nối mạng không dây thông qua đường cáp quang để có tốc độ truyền dữ liệu tốt nhất, đảm bảo “không gì qua khỏi mắt bà”.
Trong một tình huống khác, chị Lan, phó phòng một công ty truyền thông cũng có đôi chút am hiểu về công nghệ thì lại cao tay hơn. Bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp trên di động, một ngày đẹp trời chị giả vờ hết pin cần máy gấp để mượn máy chồng rồi cài đặt phần mềm vào không cho chồng biết. Chương trình hoạt động bí mật và lưu lại mọi thông tin về tin nhắn, nhật kí cuộc gọi, email và thậm chí là cả định vị vị trí của người sử dụng chiếc máy thông qua GPS.
Không sẵn tài chính và rành công nghệ như hai “Hoạn Thư @” vừa nêu, Hương, vừa cưới chồng được vài tháng cũng đã táy máy cài phần mềm theo dõi bàn phím (keylogger) vào tất cả máy tính của chồng để theo dõi nhất cử nhất động của chàng vì chị nghe phong thanh rằng vẫn có nhiều cô theo đuổi bất kể anh có vợ.
... và những màn bi hài ký!
Bà giám đốc vừa kể trên, sau hơn 2 tháng theo dõi bằng hệ thống “mắt thần” ưu việt, cuối cùng đã phải tìm tới bác sỹ tâm lý vì rơi vào trầm cảm quá nặng. Chị kể, sau khi lắp, chị nói là có việc đi công tác nước ngoài để đào tạo nghiệp vụ quản lý, phó thác nhà cửa cho chồng con. Ngồi tại một địa điểm xa nhà, chị bật hết tất cả các camera để theo dõi hệt như một phòng an ninh.
Điều bất ngờ đầu tiên chính là cậu quý tử nhà chị ngay khi chị vừa khuất cổng đã dẫn bạn gái mới quen về “đóng phim” người lớn ngay trong phòng bố mẹ. Chưa hết, trong 3 ngày đầu tiên chị đi thì 3 ngày cậu nhóc dẫn về 3 bạn gái khác nhau. Cố gắng nhịn để chờ nốt tới “vai diễn” của ông chồng không thì bại lộ, cuối cùng cảm xúc của chị cũng rơi xuống đáy tuyệt vọng khi sát ngày chị về, chồng chị dẫn một cô gái trẻ về nhà và “thân mật”. Điều làm chị muốn xỉu chính là việc cô gái đó cũng là 1 trong 3 cô mà “quý tử” của chị từng đưa về. Vậy là ngoài việc đóng vai gián điệp hai mang, thằng nhóc mới lớn còn “ma cô” đẩy “mối” cho bố và hẳn là ông bố tha hóa đã chi kha khá tiền để “ông con” hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Còn chị Lan, không tới mức đột quỵ nhưng gia đình chị cũng một phen bay đĩa bay chén khi anh chồng phát hiện ra chị theo dõi qua di động. Phần mềm hoạt động tương đối hiệu quả và thông báo khá chính xác trong thời gian đầu nhưng với việc lưu lại nhật kí liên tục cũng như gửi lên máy chủ để chị Lan truy cập từ xa, nó đã bị phát giác.
Thấy máy nhanh hết pin, tiền cước dữ liệu mobile internet phát sinh vượt trội, chồng chị đã sinh nghi và ngấm ngầm điều tra ngược. Ngày anh phát hiện ra vợ theo dõi cũng là ngày tất cả điện thoại trong nhà “thử độ cứng” cùng tường gạch. Sau đó anh nhất quyết dùng điện thoại giá rẻ, không thể cài cắm phần mềm cũng như cấm chị sờ vào điện thoại của mình.
Về phía chị Hương, không rơi vào tình cảnh bi đát nhưng hai trường hợp trên nhưng cũng một phen bẽ bàng và xấu hổ với chồng. Vốn cũng xuất thân dân công nghệ, máy tính của anh đã sớm cài đặt các phần mềm bảo mật để lọc hết những dữ liệu mà phần mềm chị Hương tự động gửi từ máy tính đi.
Khi biết được sự việc, anh tạo một kịch bản với những câu chuyện giả qua chat với bạn bè (kỳ thực là nick giả) về việc mình cảm giác bị ai đó theo dõi cũng như rất buồn nếu như đó là vợ mình. Lúc đầu Hương còn thỏa mãn với những dữ liệu thu được, nhưng càng về sau, các đoạn chat càng ám chỉ mình nhiều hơn thì chị bắt đầu hoảng và phải khai thật với chồng. Sau cuộc họp gia đình, mọi phần mềm trong máy chồng phải gỡ hết cũng như chị có thêm bài học về niềm tin vào bạn đời.
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ cũng như kỷ nguyên di động mang lại tiện ích cho con người. Tuy nhiên, cuộc sống là phải có niềm tin và lý trí, lạm dụng công nghệ để theo dõi về mặt nào đó còn dẫn tới việc vi phạm luật pháp cũng như đôi khi biết nhiều quá chưa hẳn đã là tốt.
Theo Vietnamnet