Hạnh phúc mỉm cười với cảnh "cọc đi tìm trâu" tật nguyền

Gần như mỗi lúc rỗi rãi, chị Đặng Anh Thư lại lần giở chiếc hòm cũ kỹ, bên trong cất những bức thư được đánh số thứ tự, lên tới con số hàng trăm. Đây là những lá thư vun đắp tình yêu của hai người...

Những lá thư làm xao động trái tim

 

Vốn bị tật nguyền từ nhỏ nên anh Chu Phạm Minh Tuấn (SN 1962, ở xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) chẳng bao giờ có cơ hội bước ra bên ngoài. Thế giới của anh là bầu trời xanh nhìn qua những ô cửa sổ bé nhỏ. Thương con, gia đình gom góp mua cho anh một chiếc đài để anh nghe cho đỡ buồn. Và anh trở thành thính giả trung thành của chương trình “thời sự và âm nhạc” bắt đầu từ năm 1996.

 

Cũng chính từ chương trình đặc biệt ấy, anh được nghe một số bài thơ của chị Đặng Anh Thư (SN 1975, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) và thấy rất đồng cảm với những tứ thơ đó. Thế là anh lần tìm địa chỉ và viết thư gửi về Nam Định để làm quen với chị.

 

Mở đầu bức thư là những vần thơ đầy tâm trạng: “Tâm hồn ta chiều nay thanh thản/ Nét bút gầy rung động con tim/ Ghi gì đây hỡi bạn chưa quen/ Xin gửi tặng vần thơ kết bạn”… Đến lá thư thứ hai, anh quyết định nói hết tất cả về cuộc sống, về số phận mình cũng như khát khao được đi ra ngoài, bởi từ năm 14 tuổi đến nay, cuộc sống của anh chỉ là những ô cửa sổ với bầu trời xanh. Hạnh phúc của anh chỉ đơn giản là có chiếc radio nhỏ xíu được mẹ mua đặt ở cạnh giường và khám phá cuộc sống qua những tờ báo cũ mà các anh, chị lượm lặt đâu đó mang về…

 

Khi viết những dòng ấy vào thư, lòng anh nặng trĩu bởi anh luôn nghĩ: “Đọc xong lá thư này, cô ấy chắc sẽ không hồi âm và sẽ không thiết tha làm quen với một người bạn như mình”. Nghĩ vậy nên khi gửi thư đi, anh cứ chần chừ mãi, cuối cùng vẫn quyết định nhờ người mang ra bưu điện.

 
Gia đình hạnh phúc của anh Tuấn - chị Thư.
Gia đình hạnh phúc của anh Tuấn - chị Thư.
 

Trái với suy nghĩ của anh Tuấn, khi nhận lá thư thứ hai của anh, Thư ngồi đọc và bật khóc vì thương cảm. Chị nhớ đến cuộc sống hàng ngày của các em nhỏ mồ côi và những người tàn tật ở Nhà thờ Bùi Chu mà chị vẫn tranh thủ dành thời gian giúp các sơ chăm sóc. Rồi chị lại nghĩ đến anh, chàng trai tật nguyền giàu nghị lực và chị tự hứa với lòng mình “sẽ là một người bạn tâm giao để chia sẻ với anh mọi buồn vui trong cuộc sống”.

 

Với suy nghĩ ấy, chị thấy rất thoải mái dùng những buổi tối rảnh rỗi để viết thư cho anh. Lá thư nào cũng dài bất tận, có lá dài đến 30 trang giấy.

 

6 năm liền, chị Thư và anh Tuấn đã trao đổi với nhau hơn 300 lá thư. Bắt đầu là những vần thơ, sau đến cảm nhận cuộc sống và dần dần, tình cảm cứ âm thầm gặm nhấm hai trái tim. Những ân tình gửi qua thư lớn dần theo ngày tháng và họ cũng ngầm cảm nhận tình yêu giấu kín sau mỗi con chữ.

 

Hiểu rõ tình cảm đối phương dành cho mình cũng như những thổn thức từ con tim nên nhiều lần Thư mong muốn được lên Hòa Bình thăm Tuấn nhưng anh đều từ chối. Hơn ai hết, anh hiểu với hoàn cảnh của bản thân thì khát vọng về hạnh phúc lứa đôi chẳng có cơ hội để đơm hoa kết trái.

 

Nhưng rồi, nỗi nhớ giày vò anh hàng ngày, anh quyết định để chị lên nhà mình chơi. Tháng 2/2001, chị bắt xe khách vượt hơn 200km từ Nam Định lên Hòa Bình thăm anh. Chị kể: “Thấy tôi đi, bạn bè trêu chọc “cọc đi tìm trâu” nhưng tôi chẳng nghĩ được nhiều thế”. Điều mong muốn duy nhất của chị là được gặp anh Tuấn.

 

Trong lúc ấy, ở Kỳ Sơn, anh Tuấn không khỏi hồi hộp, lúng túng. “Khi thấy Thư bằng xương bằng thịt đứng trước mặt mình, mọi mặc cảm tật nguyền đã nhường chỗ cho tình yêu mãnh liệt và khát khao hạnh phúc”, anh Tuấn vẫn vẹn nguyên cảm xúc nhớ lại giây phút đầu tiên trong đời được gặp chị sau hơn 5 năm “hẹn hò” qua thư.

 
Chị Thư làm thêm nghề may để phụ giúp gia đình.
Chị Thư làm thêm nghề may để phụ giúp gia đình.
 

Hạnh phúc tỏa nắng…

 

Sau cuộc gặp đầu tiên ấy, chị cảm nhận được sự đồng cảm trong hai tâm hồn cũng như tình yêu chị dành cho anh quá lớn. Nó không đơn thuần là những rung động mơ mộng của tuổi đôi mươi mà là tình yêu, một tình yêu thực sự. Chị trở lại quê nhà, thuyết phục gia đình để hai người đến với nhau.

 

Khi nghe cô con gái xin phép cưới chàng trai tật nguyền ở tận huyện miền núi Kỳ Sơn, bố chị giãy nảy. Nhiều người thân khuyên, chị có công ăn việc làm ổn định, cũng không phải quá lứa lỡ thì đến mức không ai hỏi đâu mà đâm đầu vào đó.

 

Chị cương quyết: “Vợ chồng là duyên số, anh ấy tật nguyền về thân thể nhưng trái tim thì vẹn nguyên. Mình sẵn sàng từ bỏ công việc ở đây để đi theo tiếng gọi của hạnh phúc”. Mẹ chị nhẹ nhàng hơn: “Tuấn nó không đi lại được, con lấy nó thì sẽ khổ cả đời”. Chị bày tỏ quyết tâm: “Chỉ cần con yêu anh ấy, chắc chắn con sẽ hạnh phúc. Nếu không cho lấy anh ấy, con sẽ ở giá suốt đời”.

 

Có một điều chị Thư không ngờ rằng thuyết phục bố mẹ chị đã khó, thuyết phục bố mẹ anh Tuấn còn khó hơn. Ông bà kiên định: “Cháu biết Tuấn bị liệt toàn thân, ngoài đầu óc tỉnh táo và một tâm hồn bay bổng thì Tuấn không có gì cả. Bây giờ còn trẻ chưa suy nghĩ gì nhưng vài năm nữa, khi đã chín chắn, cháu sẽ ân hận”.

 

Trước lời khuyên bảo chân thành của bố mẹ Tuấn, Thư vẫn kiên định: “Cháu không sợ khó, không sợ khổ. Cháu yêu anh Tuấn và nguyện sẽ sống với anh ấy cả đời. Cháu sẽ là đôi chân để cùng anh đứng lên”.

 

Khuyên chị không được, mẹ anh quay sang gàn con trai: “Cả đời mẹ chăm con không sao, nhiều người vào nhà nhìn con đã sợ, mong gì người ta sẽ chung thủy với con cả đời”. Nghe mẹ khuyên, anh cũng phân vân rồi bảo chị: “Hay em lên nhà anh ở chơi mấy hôm cho biết cuộc sống của anh rồi hãy quyết định cũng chưa muộn”.

 

Chị lên nhà anh ở một tuần, vừa chăm sóc anh, vừa cố gắng thuyết phục bố mẹ và các anh chị của anh, rồi về lại Nam Định. Nhiều người hàng xóm nhà anh Tuấn vẫn còn “cười khẩy”, tin rằng “làm gì có đứa con gái nào dám lấy Tuấn”. Nhưng mặc kệ những lời dèm pha của thiên hạ, chị cứ chạy qua chạy lại giữa hai nhà để thuyết phục mọi người.

 

Cũng phải mất nửa năm, hai gia đình mới đồng ý để anh chị cưới nhau.

 

Sau hơn 8 năm sống với nhau, họ đã chứng minh được tình yêu, hạnh phúc của mình khi cô con gái xinh đẹp chào đời. Anh Tuấn bảo: “Đó là món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa dành cho anh”.

 

Chia sẻ về hạnh phúc của mình, chị Thư cười cho biết: “Hồi mới cưới, người ta cứ xì xào, cũng có nhiều lời cay độc khiến anh Tuấn rất tự ti nhưng mình bảo với anh để ý đến thiên hạ làm gì. Thời gian sẽ là bằng chứng xác thực nhất cho tình yêu của em dành cho anh”.

 

Và chẳng ai ngờ những lá thư ấy lại là cầu nối, là nguyên liệu để vẽ nên một bức tranh tình yêu tuyệt đẹp của hai người.

 

Nhìn cách chị chăm anh từng tí một, cách anh quan tâm đến vợ, chúng tôi biết rằng tình yêu mà hai người dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

 

Tôi hỏi chị, hơn 10 năm qua anh nằm một chỗ, chị vừa lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc anh, có bao giờ chị thấy mệt mỏi không? Chị cười hồn hậu: “Mình cảm nhận được hạnh phúc của mình, cảm nhận được rằng, chăm sóc anh hàng ngày chính là niềm vui…”.

 

Theo Nhật Thu

Pháp luật Việt Nam