Hạnh phúc bình dị
(Dân trí) - “... Thoan về làm dâu nhà người. Đêm đầu tiên cô vừa lo vừa sợ. Thế mà, chẳng thấy anh chồng đâu. Cô co ro nằm đợi trong nỗi hoang mang, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết...”
Thoan cao chưa đầy mét rưỡi, năm nay 28 tuổi, không nhan sắc, chỉ có bằng bổ túc văn hóa. Bố mẹ làm nông. Sống ở quê, con gái mười tám đôi mươi nếu không đi học, cũng là đến tuổi cập kê. Khi Thoan hai mươi, bạn bè cô trong làng đều tíu tít yêu đương hò hẹn. Những đứa có nhan sắc thì tối nào nhà cũng phải mất mấy ấm chè để tiếp trai làng trên xóm dưới. Còn Thoan, cũng thầm thương trộm nhớ người này người kia, nhưng chẳng chủ động cùng ai hò hẹn, lại càng không phải đối tượng để đám trai làng tranh nhau cưa cẩm.
Thế rồi một ngày, ai đó dẫn mối, mẹ bảo có gia đình đưa con trai tới hỏi cô làm vợ. Thoan bất ngờ, xen lẫn hoang mang. Con gái ở quê, tính nết nhu mì khép kín, lại không nhan sắc, không trình độ như cô, thường chẳng có mấy chính kiến. Bố mẹ Thoan biết con gái mình kém sắc, lại không nghề, hơn nữa nhà đông con, họ liền phấn khởi đồng ý gả con gái mình cho gia đình bên ấy.
Thoan về làm dâu nhà người. Đêm đầu tiên cô vừa lo vừa sợ. Thế mà, chẳng thấy anh chồng đâu. Cô co ro nằm đợi trong nỗi hoang mang, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sớm hôm sau tỉnh dậy, chiếc giường vẫn chỉ mình cô. Mở cửa buồng bước sang gian nhà bên cạnh, cô thấy anh chồng đang ngủ ngon lành cùng mẹ. Thoan sững sờ, nhưng không hỏi han gì, cũng chẳng tỏ thái độ. Hôm sau, hôm sau nữa cũng thế… Và rồi mãi cũng biết, hóa ra, anh chồng có vấn đề về tâm thần.
Cô chết lặng khăn gói về nhà bố mẹ đẻ. Hai ông bà chỉ biết khóc than thương con gái, chẳng biết phải làm sao, vì dù gì cũng tại mình vội vàng đồng ý mà không tìm hiểu kỹ. Từ đó Thoan mang tiếng là gái đã qua một lần đò, không còn ai dẫn mối tới hỏi cô làm vợ.
Có thế nào thì vẫn phải sống, Thoan xin bố mẹ đi học may, ra thành phố làm công nhân may kiếm thêm thu nhập, đỡ đần bố mẹ. Thấm thoát cũng được dăm năm.
Rồi mẹ cô ốm, các em bận việc học hành, cô bỏ thành phố về nhà đỡ đần cha và chăm sóc mẹ. Vừa lo việc nhà, cô vừa mở một tiệm may nhỏ, phục vụ nhu cầu của xóm làng lân cận.
Thời gian cứ thế trôi như mũi kim máy may dậm đều xuống vải. Có đôi lúc, may một bộ quần áo, cô lại tưởng tượng mình được may trang phục cho chồng cho con.
Một ngày trời cuối xuân, bố mẹ cô lại bảo có người tới xem mặt. Ông bà không còn hân hoan như lần đầu tiên con gái có người tới hỏi nữa, nhưng vẫn chẳng thể nào giấu được vẻ vui mừng.
Lần này, bà mối nói rõ về đối tượng, khôi ngô khỏe mạnh, làm nghề mộc. Chỉ tiếc là, anh bị câm điếc từ nhỏ. Có chút hẫng hụt nhưng ông bà vẫn coi đó là cơ hội cho cô con gái bất hạnh đã lỡ dở một lần.
Hai bên gia đình gặp mặt. Thoan bất ngờ vì vẻ tuấn tú mà hiền lành của chàng trai. Nghe đâu anh kém cô hai tuổi, gia đình cũng làm nông, hai anh chị đầu đều tốt nghiệp đại học, chỉ riêng có anh là thiệt thòi, câm điếc bẩm sinh. Anh đã theo bố và họ hàng đi làm cả trên thủ đô lẫn vào miền Nam, và bây giờ cùng bố mở xưởng mộc ở nhà. 5 năm tự lập ở thành phố cùng 2 năm về tự mở cửa hàng ở quê đã cho Thoan được trưởng thành, có chính kiến riêng. Cô đồng ý làm vợ người con trai câm điếc có ánh mắt rất trong và sáng.
Đêm tân hôn, anh như cô gái lần đầu tiên về nhà chồng, cười hạnh phúc mà lại thẹn thùng. Sáng hôm sau, cô tỉnh dậy đã thấy anh đang cho gà ăn thóc. Cô ra giếng rửa mặt, anh vội vàng xua tay chỉ ra phía bể nước, ý bảo cô rửa mặt ở đó.
Sau dần Thoan cũng quen, học được cách diễn đạt ngôn ngữ bằng tay của chồng, quen cả tiếng ú ớ kèm theo gương mặt nhăn lại mỗi lần anh không hài lòng hay khó chịu chuyện gì đó.
Ở bên anh, càng lúc cô càng bất ngờ. Anh đá bóng cùng thanh niên làng, anh chơi bài cùng lũ trẻ con, anh xây nhà phụ người hàng xóm, anh cạo gió cho cô lúc nhức đầu. Đặc biệt, ở xưởng mộc gia đình, tay nghề của anh đã cao hơn của bố.
Có lần anh cầm viên gạch, chậm rãi viết xuống sân chữ “Trường”, nét mặt hân hoan nhìn cô như đứa trẻ, ý bảo cô, anh cũng viết được tên của mình. Thoan lại chạnh lòng thương anh vô kể.
Mới vừa tuần trước thôi, hai vợ chồng cô đã đón một bé trai kháu khỉnh và khỏe mạnh. Hai bên gia đình nội ngoại đặt cho bé cái tên “Phạm Trường An”.
Đỗ Minh Thoa