Gửi em, người phụ nữ lăm le cướp chồng chị!

Bản hướng dẫn này gửi người đàn bà đến sau, với lưu ý: “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”!

 
Gửi em, người phụ nữ lăm le cướp chồng chị! - 1


Thông điệp đỏ

 

Kẻ đến trước, người đến sau nhưng cũng chung một phận đàn bà, mình coi như thông điệp này nhằm cảnh báo những rủi ro, để người đàn bà sau mình có thể bớt phần va vấp. Thông điệp đỏ cũng cảnh báo về những điều không được làm, để tránh bớt những giành giật chỉ tổ mệt cho cả hai chúng ta. Cho phép mình gọi người đến sau là “em”, cho tiện.

 

Mình đã chia sẻ cuộc sống với chồng mình đủ lâu để hiểu đâu là cái quý giá, đâu là cái bình thường, thậm chí rẻ mạt trong con người ấy. Mình có thể khẳng định: cái gì tốt, cái gì đáng giá, mình đã thanh toán hết rồi. Thực lòng, mình vắt kiệt ông ấy cũng như ông ấy đã vắt kiệt mình thôi. Bao nhiêu năm tháng thanh xuân, em biết đấy, tinh hoa quý giá thanh tân, sức sống, tình yêu… tất cả mình đã dùng hết. Đến giờ chắc còn một ít, nhưng mình cũng no đủ rồi, thậm chí hơi ngấy. Ai kia ham hố cứ việc rước về.

 

Cô gái trẻ thân mến, đừng bao giờ ôm ấp những ý nghĩ hão huyền kiểu như “anh ấy là một người giỏi giang, lịch lãm, tuyệt vời, nhưng vợ anh ấy không hề hay biết điều đó”, “anh ấy là một người bất hạnh vì vợ anh ấy không hiểu gì về anh ấy cả”, “mình là người đến sau nhưng mình hiểu rõ anh ấy hơn ai hết”… Thôi em ạ! Đấy chẳng qua chỉ là những trò lừa đảo.

 

Mà cũng tội, các ông ấy đôi khi lại nghĩ như thế thật, là tự lừa mình rồi lừa đến em đấy thôi. Làm sao mà không hiểu một con người đã mấy chục năm từng ngày từng giờ ở bên cạnh mình, ho một cái mình cũng biết ngay là bị hóc xương hay bị cảm! Người ta khó giấu mình lắm. Có ai nắm tay từ đêm đến sáng được đâu. Mà các lão ấy thì giấu làm gì! Ông chồng nào chả muốn vợ hiểu mình, hiểu để chiều ý các ông ấy, để chăm lo cửa nhà sự nghiệp cho các ông ấy mà.

 

Vậy nên, hãy hiểu là trong những tháng ngày này, gần chặng cuối của đường đời, khi sức đã cùng, lực đã tận, chút ảo tưởng cuối cùng lóe lên khi người ta nghĩ biết đâu có một kho báu trong mình mà mấy chục năm nay mình chưa xài tới, người ta mơ tưởng quá đến nỗi ngỡ là thật. Và em cũng tưởng kho báu ấy lấp lánh lắm, mênh mông lắm nên em mới mê đắm nhào vô giành giật bằng được. Không có đâu em.

 

Không có kho báu đã đành, mà những gì còn lại trong ấy cũng chẳng đáng gì đâu. Bà bạn vàng của chị, hôm kia, khi cả hội đi tập thể dục buổi sáng, đã cười phá lên mà tuyên bố thế này, chị thấy bà ấy “bạo liệt” thật, nhưng mà bà ấy đúng ra phết: “Ví dụ trong đời một người đàn ông có 5.000 lần xuất tinh, thì tớ đã xài đến 7.000 lần rồi còn đâu! Còn lại tí cặn trong ly ấy mà, ai muốn vét thì kính mời nhé”!

 

Bà ấy thô thiển thật, có thể rất sốc đối với một người đang yêu như em, nhưng cuộc sống mà em, bản chất nó tàn nhẫn một cách thoải mái vậy đó.

 

Thế đấy, người đàn ông đang già đi của mình như thể một ngôi nhà đã được đăng bộ, sổ hồng đã ghi tên một người sở hữu. Nhà chưa sang tên, em có thể đến chơi, xem, sờ mó, thậm chí thử đập đẽo chỗ này chỗ kia một chút cũng được, nhưng mang đi hẳn thì không được.

 

“Chồng” bây giờ không phải là một thứ có thể gói lại mang đi, mà là một thứ gắn liền với những thứ khác trong hệ thống của mình rồi. Mình sẽ giữ chắc hậu phương, đố mà sơ sểnh ra ngoài được tí gì. Trông vẻ ngoài mạnh khỏe, trông quần trông áo bảnh bao phồn vinh giả tạo thế thôi, chứ bên trong lục phủ ngũ tạng ra sao mình biết hết rồi. Mình chăm cho thế thì được thế, trước khi tin vào cái vỏ ấy, em hãy nghĩ xem cái vỏ ấy do tay ai trau chuốt mà thành?

 

Thông điệp xanh

 

Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Có những điều nếu mình biết mà không nói lại bảo mình chơi không đẹp, thiếu đàng hoàng, nhưng nói ra lại mang tiếng nói xấu người khác, là khủng bố tinh thần, là ghen ăn tức ở.

 

Phụ nữ bao giờ cũng cả tin, cả tin đến khờ khạo, ngay cả những cô tinh tướng nhất cũng có khi bị lừa, hay nhắm mắt để cho đàn ông nó lừa. Là những phụ nữ hiện đại, chúng ta thử công bằng với nhau và hiểu biết hơn một chút, có thể cuộc sống sẽ vì thế mà đỡ bớt những lầm lỡ hơn.

 

Sự thật là nếu có một người đàn bà đến sau chen vào mối quan hệ của vợ chồng mình, mình là người thất bại. Trong những cuộc chiến cổ xưa, kẻ bại trận làm nô lệ cho người thắng trận. Trong những cuộc kiện cáo hiện đại, kẻ thua kiện trả án phí và bồi thường cho bên thắng kiện. Thông điệp này coi như là phần án phí, là công sức mình bỏ ra để cho em thỏa niềm vui thắng trận của mình đấy.

 

Đây là những gì mình gửi lại như kinh nghiệm để em tránh thất bại với người tiếp theo. Em đến sau, mình gửi lại cho em một người đàn ông không nguyên vẹn. Em sẽ nấu cho anh ta nhiều bữa ăn ngon, món nào ngon giống mình nấu, anh ta sẽ nhớ đến mình; món nào không ngon được như mình nấu, anh ta cũng sẽ nhớ đến mình. Thói quen so sánh của đàn ông, hẳn em  cũng biết. Anh ta sẽ so sánh từ bàn ăn đến giường ngủ, từ địa điểm cả hai cùng đi du lịch cho đến bạn bè bà con nội ngoại. Không thể xóa đi được những ấn tượng ngày xưa, vì đơn giản là nó đã xảy ra rồi. Em sẽ phải luôn luôn cố gắng để tốt hơn mình, đẹp hơn mình, thông minh hơn mình “ngày xưa”. Việc này không khó, nhưng vì nó kéo dài rất lâu nên sẽ vô cùng mệt mỏi.

 

Em đến sau, mình gửi lại cho em một trong những đứa con yêu quý của mình. Em sẽ là mẹ kế của nó. Cháu bản tính nhạy cảm, thích bố là của riêng mình. Sẽ có những cuộc trò chuyện riêng giữa hai cha con mà em không xen vào được. Cháu sắp sửa thi đại học và bố cháu yêu con, nên ngoài việc đưa đón cháu đi học ở trường, em cần phải đưa đón cháu đi học thêm ba môn luyện thi, cần nộp học phí cho cháu đầy đủ, cần gặp gỡ giáo viên thường xuyên để trao đổi về việc học của cháu.

 

Ngoài ra, em nên cố gắng chở cháu đi bơi, đi nhà sách, đi xem phim cho cháu thư giãn tinh thần. Bạn bè của cháu cũng nhiều, em nên quản lý giờ giấc, nếu để cháu thức khuya lên mạng nói chuyện với bạn, sức học của cháu có thể bị giảm sút. Nếu cháu thi trượt tú tài hay trượt đại học, em sẽ mang tiếng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người ta, làm ảnh hưởng đến tương lai con cái người ta và phải tiếp tục tạo điều kiện thêm vài năm cho cháu tiếp tục luyện thi đại học, hoặc cháu sẽ hư và em cũng mệt lắm đấy.

 

Em đến sau, mình gửi lại cho em mẹ của người đàn ông mà em yêu. Bà đã già và yêu thương đứa con trai duy nhất của mình nhiều hơn tình yêu của bất kỳ người đàn bà nào khác dành cho nó. Dù bị tai biến nằm một chỗ nhưng bà vẫn muốn được nhìn thấy con trai hằng ngày, nên giường của bà sẽ kê ngay phòng khách, sát bên phòng ngủ của em và anh ta, để con trai về đến nhà là gặp gỡ trò chuyện với mẹ trước đã. Nếu đêm bà không ngủ được, bà sẽ gọi em hoặc anh ta. Thường thì anh ta dậy xem bà thế nào, rồi bảo rằng anh mệt quá, em ra ngồi với bà một lúc và em sẽ thức cùng bà cụ. Hằng ngày, bà cụ nằm, nhưng muốn em nghe lời trong mọi chuyện. Nếu em ngúng nguẩy, bà cụ sẽ khóc với con trai, rằng em hắt hủi cụ. Nếu em nghe lời cụ, em sẽ hầu như tiêu cạn kiệt thời gian dành cho bản thân. Ghi chú: không ai trong nhà muốn thuê người giúp việc.

 

Em đến sau, có thể phải tập quen dần với việc người đàn ông của em về nhà rất trễ, như một búi giẻ lau nồng mùi rượu và mùi nôn ói. Thế cũng còn tốt hơn nhiều nếu thoảng mùi nước hoa son phấn, em ạ. Em có thể phải tập quen với nhiều việc nữa. Không sao đâu. Triết học dạy cái mới phủ định cái cũ mà. Dù thế gian vẫn nói non sông dễ đổi bản tính khó dời, nhưng biết đâu em sẽ “dời” được bản tính ấy! Mình chỉ nói một vài việc cơ bản, cuộc sống nếu có thể biên chép lại trong một thông điệp, chắc người ta cũng phải mất hết cả cuộc đời để đọc hết thông điệp ấy chứ không phải chỉ ngắn ngủi thế này đâu.

 

Mong em suy nghĩ kỹ, trước khi dùng sự mất mát của gia đình mình làm nền tảng cơ bản cho hạnh phúc của em…

 

Theo Hồ Thị Minh

PNO