Góc tâm hồn

Giếng làng

(Dân trí) - Từ khi những người Việt đầu tiên vào khai khẩn miền Thuận Hóa, giữa một vùng lau sậy mọc um tùm không bóng người đã xuất hiện những dòng nước mát lạnh, trong veo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những vùng giếng cổ này chính là công trình dẫn thủy nhập điền của người Chăm, vì mạch nước sâu nên trong vắt và mát. Vốn là vùng đất đỏ ba zan, bán sơn địa với tầng tầng lớp lớp đá ong trong lòng đất nên suốt cả mấy trăm năm qua, biết bao thế hệ đã sống trọn đời trên mảnh đất này nhưng số lượng giếng khơi chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chỉ những bậc cự phú mới dám bỏ ra cả đống bạc trắng Đông Dương thuê nhân công đào giếng…

Những năm chiến tranh, làng mạc tiêu điều, cư dân phiêu tán, giếng làng là nguồn sống cho bộ đội và du kích bám trụ, những dòng nước mát lạnh lại mơn man vỗ về cho những linh hồn liệt sĩ trước khi về đất mẹ.

Mấy cô du kích kể lại đã có những cuộc đọ súng đẫm máu giữa ta và địch để bảo vệ nguồn nước… Ngày hòa bình, giếng làng um tùm cỏ dại, hố bom chi chít chỉ có dòng nước vẫn mát lành như dòng sữa mẹ đợi chờ đàn con xa xứ, tưới tắm cho những cánh đồng đã hàng chục năm khô hạn…

Có lẽ vì thế mà giếng làng vừa thiêng liêng vừa gần gũi, vừa tinh tế vừa trần tục: Bất kể sang hèn, dù người ở xa thậm chí đi Tây về cứ độ chiều tà lại xuống giếng, cởi trần trùng trục xối nước ào ào với đủ chuyện trên trời dưới biển… Đêm xuống, dòng nước lăn tăn gợn sóng, dát ánh trăng bàng bạc như nhân chứng cho mối tình của những đôi lứa yêu nhau. Chẳng thế mà bao nhiêu người nên vợ nên chồng, có người đi làm ăn xa mỗi lần về quê lại dắt díu nhau thăm giếng làng, ôn lại những kỷ niệm xưa, những đêm trăng thề hẹn.

Hồi còn bé, mỗi lần chiều tà chị lại dắt lũ em chúng tôi líu ríu xuống tắm, phải tranh thủ đi sớm không lát nữa đông người giếng đục. Chị cẩn thận, tỉ mẩn tắm cho từng đứa, giặt xong một chậu áo quần mới quẩy gánh nước về. Nhìn chúng tôi ì oạp trong làn nước mát lành đôi mắt chị long lanh khó tả, hình như ẩn chứa một chút một chút thôi, giá như có thể trở về tuổi thơ, vô tư, tinh nghịch thì hay biết mấy. Chị sắp đi lấy chồng, chẳng lẽ lại tênh hênh cặp đùi trắng nõn cho cánh đàn ông bạo mồm bình phẩm? Chị là thế, lành như đất, nghe ai nói gì cũng đỏ mặt, ai bảo chị xinh, làn da trắng mịn không cần phấn son khiến bao anh trai làng “say nắng”. Những đêm hè tiếng con Mực sủa inh ỏi, nhức hết cả đầu, mỗi ngày chỉ phải quẩy hai gánh nước, một gánh để nấu ăn gánh còn lại mẹ và chị tắm, quẩy được gánh nước lên nhà đã nóng hầm hập… Nghĩ lại mà thương, ngày nay những phòng tắm có bình nóng lạnh, lát gạch men bóng loáng xịt nước hoa thơm phức.

Hai mươi tuổi, chị đi lấy chồng, chặng đường mười hai bến nước mà người con gái nào cũng phải đi qua để phó mặc số phận cho bến đục bến trong, cánh trai làng tiu nghỉu lấy rượu giải sầu. Trước hôm cưới mẹ dẫn chị xuống giếng tắm, ở quê đã thành lệ, khi người con gái đi lấy chồng phải xuống giếng tắm, không hiểu lệ từ đâu mà có, phải chăng tinh hoa đất trời, mạch nguồn giếng cổ đã nhào nặn lên hình hài người con gái, giờ đây sắp đi lấy chồng làn nước mát lành như bàn tay mẹ vỗ về yêu thương? Có lẽ lần đầu cũng là lần cuối chị tắm giếng làng. Cưới nhau xong anh chị dắt nhau vào Tây Nguyên và ở hẳn trong đó, họa hoằn dịp Tết hay việc họ hàng mới dẫn nhau về, vội vội vàng vàng như ma đuổi.

Gần hai mươi năm mới có dịp trở về, làng quê giờ đã đổi thay nhiều lắm, con đường đá sỏi ngày xưa xuống giếng giờ đã đổ bê tông phẳng lì, nhà nào giờ cũng đã có nước sạch sử dụng nếu không đã có giếng khơi, bơm bằng mô tơ ào ào chứ không còn cảnh gánh nước như xưa. Giếng làng đã thành phế tích mặc cho cỏ dại, cây bụi um tùm che lấp hết. Những phiến đá vuông vức kè giếng giờ nằm lăn lóc rêu phong phủ đầy. Xét về niên đại nó chưa đủ tuổi giếng cổ cần bảo vệ, không ai sử dụng lâu ngày thành ra hoang phế, chỉ có dòng nước vẫn trong veo mát lành như ánh mắt ai thầm trách tạo hóa khéo vô tình, chiều quê sao trong lòng trào dâng một nỗi buồn man mác.

Đình Dũng