Giải mã sự khó tính của các "bà cô" muộn chồng

Chị em “cứng tuổi” mà chưa chồng thường khó tính, khắt khe, hay mặc cảm hoặc cố gồng mình lên chống đỡ nỗi cô đơn, hay tỏ vẻ bất cần, thiếu nhân hậu và vị tha. Cái sự “chưa chồng” làm họ trở nên khó tính hay chính vì khó tính đã khiến họ muộn chồng?

 
Bài viết này không nói đến những phụ nữ giỏi giang, tự lập, muốn sống độc thân... cho khoẻ, hay chưa tìm được ai “xứng tầm” để chọn lựa - những người tuy chưa có chồng chính thức nhưng chẳng chịu sống đơn thân.
 
Giải mã sự khó tính của các "bà cô" muộn chồng  - 1

Bài viết chỉ nói đến những chị em khát khao cuộc sống gia đình nhưng vì nhiều lý do mà chưa gặp được một nửa của mình. Bên cạnh nỗi buồn đơn chiếc, cuộc sống của họ có khá nhiều sức ép, kể cả từ cách nhìn nhận của người đời. Có không ít bất công khi đánh giá họ, song cũng không ít sự thật...

Khó tính và hay "xù lông nhím"

Các nhà nghiên cứu tâm lý đã liệt kê một số đặc điểm điển hình về tâm lý phụ nữ chưa chồng, trong đó đặc điểm quan trọng đầu tiên cần kể đến là sự mặc cảm.

Họ thầm trách số phận, nghĩ mình kém may mắn hay có nhiều khiếm khuyết. Họ ngại đi gặp bạn bè, nhất là những người đã chồng con ríu rít.

Ngày lễ, ngày Tết, họ không muốn đến nhà ai vì sợ nhìn thấy cảnh đầm ấm của người khác mà chạnh lòng. Họ rất ghét những ai quan tâm hỏi han chuyện chồng con, những người gặp đâu cũng nhắc chuyện ăn kẹo, ăn cỗ. Họ cũng không muốn ai thương cảm hoàn cảnh của họ nên không muốn bạn bè, người thân tích cực trong việc giới thiệu bạn trai. Họ tỏ ra bất cần, nhất là khi có người đàn ông nào tiến đến, trong đầu họ nảy sinh câu hỏi: “Có phải lão ta đang thương hại mình?”.

Đặc điểm dễ nhận thấy thứ hai là sự khắt khe không chỉ với người xung quanh (nhất là những người trẻ hơn, lại sớm may mắn trong tình cảm riêng tư) mà còn cả với chính mình. Không phải không có lúc họ nhân hậu, dễ tính và vui vẻ. Nếu họ đã quý ai thì quý mến đến mức thái quá, nhưng ai trót làm phật ý thì họ cũng không tha thứ cho một cách dễ dàng.

Đặc điểm thứ ba có thể gọi nôm na là hội chứng “xù lông nhím”. Đây là một phản ứng tâm lý tự vệ, luôn luôn giữ bộ mặt lạnh lùng, đoan trang để tránh mọi người hiểu lầm mình muốn lấy chồng.

Họ cũng luôn “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, kể ra những thói xấu của đàn ông, lấy ví dụ về những phụ nữ có chồng mà bất hạnh, kể ra những thứ hay ho của cuộc sống đơn thân... Tất cả đều nhằm che đậy một tâm lý khát khao nhưng chưa có được.

Những câu nói kiểu: “Loại đàn ông như thế, có cho chị cũng chẳng thèm”, “Có cho ra có, còn không thì ở một mình cho sướng”, “Cứ như chị mà sướng, muốn ăn gì, làm gì, đi đâu không bị theo dõi, tra hỏi”... là những câu nói thường gặp của chị em muộn chồng. Thật ra, họ không hẳn nghĩ như thế. Đây còn gọi là tâm lý “nho hãy còn xanh” hay “con cáo và chùm nho”.

Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa của những chị em cứng tuổi chưa chồng là tính khí thất thường, thoắt vui, thoắt nghiêm.

Những điều nói trên có cơ sở khoa học hay chỉ là những lời đơm đặt của người ngoài? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trong suốt hơn 13 năm. Họ chia những người phụ nữ tham gia thành hai nhóm, một nhóm có gia đình và một nhóm độc thân, goá bụa hoặc ly hôn, đang sống một mình.

Kết quả cho thấy, những phụ nữ có gia đình ít gặp rối loạn tâm lý, ít khi là nạn nhân của chứng trầm uất hoặc lo âu. Hôn nhân có tác dụng làm dịu tinh thần, khiến họ ít nhạy cảm với sự giận dữ hay stress.

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần TPHCM cho biết, phụ nữ độc thân, nhất là trên 40 tuổi, có nhiều nguy cơ mắc bệnh tâm thần, chủ yếu là thể hoang tưởng, trầm cảm, mất ngủ. Họ dễ cáu gắt, nóng giận với những người xung quanh, sống khép kín, khó hoà đồng và thường nghĩ mình giỏi hơn người khác.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Thục Minh, Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần TPHCM, cũng nhận xét rằng, phụ nữ độc thân thời kỳ đầu dồn hết sức lực cho công việc, nhưng càng về sau càng có những biểu hiện tâm lý tiêu cực, mệt mỏi, cảm thấy mình thừa thãi, cuộc sống vô nghĩa.

Có một điều tưởng lạ mà không lạ, đó là phụ nữ đơn thân lại chấm dứt tuổi xuân nhanh hơn, bước vào thời kỳ tiền mãn kinh mau hơn. Chính sự thay đổi nội tiết tố nữ vào thời kỳ tiền mãn kinh là một trong những nguyên nhân làm thay đổi tính khí, khiến chị em khó tính hơn.

Văn hoá và y học phương Đông đề cao sự hài hoà âm dương. Mọi sự không cân bằng đều dẫn tới những rối loạn cả về thể chất lẫn tâm lý, tình cảm. Vậy là cả Đông và Tây đều gặp nhau ở điểm này.

Như vậy, tình trạng chưa chồng khiến chị em có một số biểu hiện tâm lý đặc trưng như đã nói trên. Và cũng chính vì có những đặc điểm tâm lý ấy mà họ càng khó mở lòng để đón nhận cuộc sống lứa đôi.

Bài viết này không nhằm mục đích “bêu xấu” chị em phụ nữ muộn màng trong tình duyên, mà chỉ để khẳng định một điều rằng hôn nhân và gia đình có lợi cho cả phụ nữ và đàn ông. Vì thế, những ai đang có gia đình nên biết nâng niu, trân trọng, còn những ai có ý định sống độc thân cho khoẻ, hãy nghĩ lại.

Theo Gia Đình & Xã Hội