Em đã già chưa?

(Dân trí) - Bạn chép miệng nói lưng chừng, các cụ có câu “Trai ba mươi tuổi còn xuân, gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Thế nên, bỗng nhiên em sợ tuổi già sẽ vẫy chào ở đằng kia trong khi mình vẫn vô tư cười đùa, nhởn nhơ trong những ngày đang trẻ.


Em đã già chưa?



Đôi lúc tự hỏi, em đã già chưa, khi xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách chẳng còn hào hứng tò mò về một cái kết có hậu, thay vào đó chậm rãi đọc và nghe từng chút một rồi dừng lại ở đoạn nào na ná như mình. Em kịp nhận ra bản thân có vô số tính xấu, vô số lời hứa với chính mình đã bị lãng quên. Nên nghĩ về ngày xưa chỉ thấy ngốc nghếch, khờ dại, làm gì cũng thấy bốc đồng và hạn hẹp đến thế. Mọi hành động đều theo cảm xúc mà chẳng cần để ý lý trí nhắc nhở bên tai.

Em đã già chưa mà bắt đầu nghi ngại về cuộc sống. Mỗi lúc ra đường cứ thắc thỏm nhìn trước nhìn sau, biết bảo vệ mình hơn, biết lo cho sự an toàn của mình chứ chẳng phó mặc theo kiểu “sống chết có số” như ngày xưa nữa. Hình như, em khắt khe với chính mình và người xung quanh nhiều hơn, nhìn đâu cũng e dè, thắc thỏm. Cố gắng lắm cũng chẳng tìm thấy những giấc mơ hồng tươi trong tình yêu nữa, thay vào đó là thực tế đến phũ phàng. Em sẽ nghĩ nhiều đến bữa cơm hơn là những điều lãng mạn, nghĩ về chuyện bếp núc hơn sắm áo quần, nghĩ về gia đình hơn bè bạn.

Lắm lúc, làm gì cũng thấy khập khễnh, sợ thất bại, sợ mất công. Dù biết rằng mình có quyền thất bại song không được phép từ bỏ, nhưng niềm hăng hái và sự liều lĩnh đã rơi rớt đi từng chút, từng chút một. Em dần dà đang trở nên đắn đo cẩn thận hơn trong mọi quyết định của mình.

Bước qua nơi chốn cũ mà lòng chẳng còn chộn rộn bồi hồi vì những kỷ niệm. Tất cả đã mờ phai và nguội lạnh, chúng nằm yên bám bụi trong miền ký ức cũ mà lâu nay em chẳng phải bận tâm che giấu. Lạ thay, em không còn thao thức mất ngủ bởi một vài câu nói, vài hành động tán tỉnh lãng mạn. Chỉ chăm chăm dò xét xem người ấy có phải là người đàn ông chu đáo không chứ chẳng còn xét nét xem người ta đẹp xấu, cao thấp thế nào.

Em đã già chưa khi nhìn lên nhìn xuống thấy mình cô quạnh, những tủn mủn vụn vặt đôi khi khiến mình yếu lòng, nhưng lại cố giấu giếm và tỏ ra mạnh mẽ. Sợ nhất đánh rơi mình vì một vài trách nhiệm, vì vài câu nói tổn thương. Em thích giây phút yên tĩnh một mình nhưng lại lo lúc lòng trống trải, chẳng thể bày tỏ tơ vương cùng ai. Có phải bởi đã già nên em chẳng còn muốn bay nhảy, muốn nghe người ta khen mình đằm thắm hơn là nhí nhảnh, thích người ta bảo mình sâu sắc hơn là vô tư.

Em nhớ câu chuyện bạn kể, một bà lão tám mươi ngồi đọc báo, thấy bài viết kể về người già khó tính. Bà chép miệng, không biết tới lúc mình già, mình có như vậy không ta! Câu chuyện cười thôi mà làm em suy nghĩ, có lẽ, khi người ta cứ nghĩ mình còn trẻ thì sẽ trẻ mãi. Người ta bảo bạn đẹp, bạn cũng thầm thì và tin rằng cái đứa trong gương thật là đẹp. Thiên hạ chẳng là gì nhưng lại là đám đông gây ảnh hưởng suy nghĩ mình nhiều nhất. Thế nên, đôi khi mừng vui vì thấy tâm hồn mình còn trẻ. Em yêu trẻ con, thích ngồi ê a múa hát với chúng, thi thoảng vẫn ngấu nghiến những cuốn truyện tranh rồi khúc khích cười.

Dù sao cũng chẳng thể níu năm tháng và tuổi trẻ ở lại bên mình, đâu thể lùi thời gian để xóa vết châm chim trên mắt mẹ và nhuộm lại mái tóc đang bạc dần trên đầu của ba. Bất giác, bỗng tiếc nhiều thời gian trôi qua nhất là những khoảng thời gian vô nghĩa.

Hình như đã bắt đầu già nên em chăm chỉ đong đếm, trầm tư cho những được mất đã qua, nhìn lại những điều cầm nắm trên tay thấy mong manh quá đỗi, nên thôi dùng dằng chi nữa những cảm xúc hẫng hụt lúc này. Mỗi ngày qua, lại thấy mình tròng trành khi kém mộng mơ và giàu hoang mang hơn trước. Thế nên hớt hải cũng chẳng làm được gì, bao tàn phai đó vẫn đi qua từng ngày đó thôi.

Thời gian ấy, chẳng chờ đợi ai, không một ai đâu.

Diệu Ái