Em chồng "lắm chiêu"

Tuy đã đi làm dâu nhưng ngày nào cô em chồng cũng đảo qua nhà, can thiệp vào đủ chuyện và mấy lần đòi đuổi oshin của Thoa chỉ vì: "Bảo nó giặt mấy bộ quần áo của nhà em mà nó khó chịu", hay "thấy em nó lại lảng đi".

Đi làm về, vừa bước vào nhà, Thoa đã thấy cô em chồng ngồi ngay bàn nước, chỉ tay: "Chị cho con bé osin nghỉ đi. Vừa lười vừa láo không chịu được".

 

Không còn bất ngờ với những câu "mệnh lệnh" như thế từ em chồng nữa, Thoa đáp tỉnh bơ: "Có gì cô cứ bảo, để chị dạy nó, chứ giờ tìm oshin khó lắm. Cu Minh còn bé, chỉ vất vả cho bà nội thôi". Cô em hậm hực đi về.

 

Tuy là chị dâu nhưng Thoa kém em chồng 3 tuổi, và có lẽ vì thế cộng với tính hay nhường nhịn, ít tiếng từ khi mới về nhà chồng nên cô bị lấn lướt. Không chỉ can thiệp vào mọi chuyện trong nhà, em chồng còn thường xuyên "chỉnh" chị dâu về cách nấu nướng, chăm sóc ông anh, dù ở bên nhà chồng, cô chẳng đụng tay vào việc gì.

 

Bố mẹ chồng Thoa chiều con gái, chồng cô thấy em bắt nạt chị dâu cũng khó chịu nhưng không dám nói gì vì sợ mang tiếng bênh vợ. Vì thế nhiều lúc Thoa thấy mình lạc lõng trong nhà và có cảm giác không được làm chủ cuộc sống của mình.

 

Cũng chịu chung cảnh với Thoa nhưng chị Phương ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội còn mệt hơn vì phải ở chung nhà với cô em chồng không biết điều.

 

Công việc làm nhân viên kiểm toán cũng khá bận rộn nhưng Phương hầu như phải làm mọi việc trong nhà. Cô em út của chồng ngoài việc đi học, về nhà không mó tay vào việc gì. Tất cả các khoản tiền từ học phí đến mua sắm đồ, đi chơi... của cô em đều là từ tiền tích cóp của cả hai vợ chồng nhưng nàng tiêu không tiếc tay, và lúc nào cũng ra vẻ: "Của anh cho em gái là điều tất nhiên, chị quyền hành gì", nên chẳng bao giờ thèm hỏi chị dâu một tiếng.

 

Đang mang bầu, đi làm về mệt lại lăn ra lo việc nhà, trong khi em chồng nhởn nhơ hết ngồi chơi game lại lượn đi chơi trong thời gian đợi việc, chị Phương chỉ muốn "xạc" một trận cho hả tức, nhưng lại nín nhịn. "Mình chỉ mong sớm xin được việc cho nó, dù mất nhiều tiền, rồi cho ra ngoài ở chứ cứ thế này ức chế lắm, con mình sinh ra lại suốt ngày nhăn nhó thì chán", chị ngao ngán.

 

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Quách Thị Quế thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, ngày nay giới trẻ sống độc lập và nghĩ thoáng hơn, chị dâu em chồng ít ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau nên mâu thuẫn này cũng giảm đi. Nếu có, chủ yếu do sự không hiểu nhau hay cách ứng xử chưa khéo léo, tế nhị của hai người.

 

Bà Quế cho rằng, các nàng dâu cứ cư xử đúng mực, tốt với bố mẹ chồng, quan tâm tới chồng thì cô em chẳng có lý do gì để xét nét. Các bạn cũng cứ sống đúng với bản thân mình, đừng quá nín nhịn hay phải thay đổi cho vừa lòng tất cả mọi người. Sự chân thành, đúng mực sẽ khiến mọi người hiểu và tôn trọng bạn.

 

Các cô em kiểu "lắm chiêu", thích thể hiện mình và can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của gia đình anh chị thời nay không quá phổ biến. Nhưng nếu gặp trường hợp này, các nàng dâu thường rất ức chế.

 

Một số chị em ở webtretho truyền nhau kinh nghiệm: Hôm nào mát mẻ rủ em chồng ngồi tâm sự, kiểu vừa đấm vừa xoa như: "Chị thấy em nhiệt tình với gia đình mình, nhưng em cũng nên để chị sắp xếp mọi việc cho quen, chứ sau chị lại không tự tin lúc chẳng có ai phụ giúp, chỉ bảo".

 

Ngoài ra, lâu lâu "nịnh" em chồng như mua tặng cái kẹp tóc, cái áo hay đôi giày... làm cho hai chị em gần gũi, cô em ít có cớ gây sự, làm phiền.

 

Theo một bà mẹ khác, thì tốt nhất là không nên sống chung. Còn nếu đã ở riêng mà cô em vẫn nhất định "quan tâm thái quá" thì cứ chơi bài "lảng", càng ít tiếp xúc, dây dưa càng tốt.

 

Theo Minh Thùy

VNExpress