“Đúng là đồ vô tích sự!”

Những lời nói thô bạo như vậy mà các bậc phụ huynh mang ra nói với con rất có thể sẽ hình thành nơi các cháu tính thiếu tự tin và không thể làm nổi trò trống gì trong cuộc sống sau này.

Từ nhà ra ngõ

 

Chị Thúy, nhân viên kinh doanh một công ty liên doanh tại TP.HCM, kể rằng chồng chị thường xuyên dùng những lời hết sức thô bạo với con. Có lần giảng bài, con không hiểu, ông ấy liền sỉ vả: "Đầu mày là đầu đất hay sao đấy! Có thế mà cũng không hiểu!" làm thằng bé sợ rúm cả người lại chẳng còn đầu óc đâu mà tiếp thu bài.

 

Chị Uyên, kế toán một công ty xây dựng bức xúc: "Tôi không hiểu sao mỗi lần nói con không được là ông ấy dùng cụm từ: "Tao đập chết tươi bây giờ!", nghe rất sợ hãi!. Không chỉ trong gia đình, những lời lẽ thô bạo còn được "phát ra" ngay cả ở những nơi công cộng.

 

Người viết bài đã từng chứng kiến một ông bố quát con tại hàng xôi ngay trước cổng trường tiểu học do sốt ruột, sợ con vào lớp muộn: "Mày có ăn nhanh lên không, tao xọc cả cái thìa vào họng bây giờ!". Cô bé có khuôn mặt xinh xắn, sợ sệt, nước mắt vòng quanh trông đến tội nghiệp. Bị bố mắng, cô bé chẳng những không ăn nhanh hơn mà còn mất thêm thời gian khi chốc chốc lại ngừng nhai để... đưa tay quệt nước mắt.

 

Cũng tại cổng trường này, một bà mẹ mắng đứa con trai khi cháu chọc ống hút vào hộp sữa làm sữa bắn tung tóe vào áo: "Mày ngu thế! Ai bảo mày bóp sữa như thế! Phải cắm nhẹ vào miệng thôi chứ!".

 

Lại có trường hợp, người mẹ, sau khi thấy con gái bị điểm kém, đã bắt cô bé ngồi ngay ngắn trên ghế và học thuộc lời này: "Đầu con là đầu đất, chỉ để mọc tóc và đội mũ thôi. Sau này con sẽ không làm nên tích sự gì cả, bố mẹ phải nuôi con suốt đời". Cô bé vừa khóc vừa tức tưởi.

 

Phản ứng của trẻ

 

Khi phải tiếp nhận những lời lẽ thô bạo kiểu như trên, những đứa trẻ sẽ nghĩ gì? phản ứng ra sao? Chị Mai Bưởi, một nhân viên tư vấn của công ty Linh Tâm cho biết: Rất nhiều trẻ em tiểu học hoặc lớn hơn đã gọi điện đến công ty mỗi khi bị bố mẹ hoặc thầy cô mắng bằng những lời nặng nề. Có em bị cô giáo mắng oan thì bức xúc bảo: "Em rất ghét cô giáo", có em bị bố mẹ mắng quá thì tỏ ra uất ức và trở nên lầm lì, không muốn nói chuyện với bố mẹ, chị Mai Bưởi kể.

 

Cũng theo chị Mai Bưởi, cách phản ứng tùy thuộc vào tính cách của từng đứa trẻ. Những trẻ hiền lành thì có xu hướng thu mình lại, trở nên lầm lì, không bộc lộ bản thân hoặc tự ti. Những trẻ hiếu động thì có thể trút giận lên những đồ vật hoặc mọi người xung quanh như đá vào thùng rác, vào bàn ghế hoặc đánh em, đánh bạn, chưa kể còn có em thậm chí còn bỏ nhà đi bụi.

 

Hậu quả

 

Theo tiến sĩ Steve Biddulph, một chuyên gia tâm lý người Úc, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Bí quyết để con bạn hạnh phúc", thì những lời lẽ thô bạo có ảnh hưởng rất xấu tới trẻ. Nó không những làm tổn thương tới trẻ, gây cho trẻ một tâm lý sợ sệt, một cảm giác thiếu an toàn dẫn đến tự ti trong giao tiếp mà đôi khi còn ngấm sâu vào vô thức và ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ lúc trưởng thành.

 

Những đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời nói thô bạo phát ra từ người lớn thì sau này cũng rất dễ có những lời nói thô bạo với những người xung quanh. Ngoài ra, theo Steve Biddulph, những lời nói thô bạo có tính quy chụp như: "Đúng là đồ vô tích sự!", "Mày ngu như bò ấy"... đôi khi có sức thôi miên ghê gớm. Nó ám ảnh đầu óc trẻ, khiến trẻ lớn lên trong hoang mang, nghi ngờ chính mình: "Liệu có đúng là như thế?", và dần dần đứa trẻ trở nên tin rằng mình đúng là người như vậy.

 

Ông cho biết rằng, trong quá trình làm việc với trẻ, khi yêu cầu chúng mô tả về bản thân, ông thường nhận được từ chúng những câu như thế này: "Cháu là một đứa bé hư", "cháu là một đứa chẳng ra gì, bố cháu vẫn bảo cháu ngu như lợn"...

 

Lời khuyên

 

Không có gì là xấu trong chuyện bạn nổi giận hay rầy la trẻ. Trái lại, trẻ con cần nhận biết một sự thật là con người ta ai cũng có những lúc giận dữ, và cần được xả căng thẳng, nhưng trong vòng an toàn.

 

Tuy nhiên, thay vì nói những lời thô bạo, hãy truyền đạt với trẻ đúng những điều mà bạn muốn. Ví dụ như thay vì "mày có im mau", bạn có thể nói: "Lúc này, mẹ (bố) muốn con giữ trật tự... hoặc thay cho câu: "Mày đừng làm cho tao điên tiết", bạn có thể nói: "Mẹ (bố) không hài lòng về những hành động của con" - Steve Biddulph.

 

Theo BS Đào Xuân Dũng

Thời trang trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm