Đừng dạy con trẻ làm điều ác

(Dân trí) - Có lẽ nhiều người không khỏi băn khoăn khi vụ bạo hành bé Hảo ở Bình Phước có sự tham gia của các anh chị bé. “Ở tuổi đó các em chưa nhận thức đầy đủ, nhưng là mối họa lớn sau này một khi thành thói quen”, một chuyên gia tâm lý khẳng định.

Trẻ hư, “thủ phạm” từ người lớn

Theo chuyên gia tâm lý Thu Nguyệt ở Ngôi nhà Tuổi trẻ, độ tuổi từ 5 - 10 rất quan trọng trong quá trình nhận thức của trẻ. Ở độ tuổi này trẻ rất hay bắt chước làm theo. Nếu người lớn không hướng cho các em biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thì sau này các em sẽ ảnh hưởng rất lớn từ những hành vi đã ăn sâu thành thói quen từ nhỏ.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện. Nhưng cái thiện đó sẽ không còn nếu như hằng ngày trẻ bị tiêm nhiễm, đầu độc bằng những thói xấu của người lớn. Thật ngạc nhiên là nhiều hành vi xấu của trẻ lại được người lớn cổ vũ, khích lệ”, chị Thu Nguyệt chia sẻ.

Chị Nguyễn Tú Mai, giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng có quan điểm: “Nhân cách của trẻ hình thành từ rất sớm, vì vậy rất cần được uốn nắn, chỉ dẫn. Đáng lưu ý là nhiều phụ huynh lại phó thác việc giáo dục này cho nhà trường, tiêu cực hơn họ thấy con mình làm sai nhưng không nhắc nhở, răn đe lại còn bênh con chằm chặp”.

Theo lời chị Mai kể, nhiều trường hợp con trẻ gây gổ, đánh nhau ở trường, không cần biết con mình đúng hay sai, phụ huynh đến trường làm ầm ĩ, gây náo loạn cả trường. Thậm chí, phụ huynh của trẻ “cầm đầu” trong việc đánh nhau còn đến giúp con “trừng trị” bạn học cùng lớp, khiến con trẻ càng cảm thấy được khích lệ, cổ vũ và lấn sâu vào những hành vi sai trái.

Anh Đức Hoàng một cán bộ ở Hà Nội cho hay, nhiều người lớn có cách hành xử rất kỳ quặc, thậm chí xem đó như là trò vui của con trẻ. Có lần, ở chung cư anh, một thằng bé bị bắt quả tang ăn trộm con thú nhồi bông nhà hàng xóm vì nó quá thích. Thế là chủ nhà xử tội bằng cách kêu nhiều đứa trẻ khác lại, mỗi đứa một tát dành cho “kẻ trộm”. “Trong cách hành xử này, những đứa trẻ vô tình được giáo dục một thứ văn hóa “nắm đấm”, nên hễ gặp những chuyện gì cần giải quyết chúng lại xử lý như những gì đã được giáo dục”, anh Hoàng nói.

“Cái tát không giúp được đứa trẻ nhận thức hành vi ăn trộm thú nhồi bông của mình là xấu, còn những đứa trẻ được tát lại xem đó như là thú vui. Và nếu lặp lại nhiều lần, trẻ còn xem như đó là chuyện bình thường để “hành xử” khi gặp những chuyện tương tự”, anh Hoàng nói thêm như để giải thích hành vi của những đứa trẻ trong chuyện bạo hành bé Hảo 3 tuổi ở Bình Phước mà anh xem trên báo những ngày gần đây.

Đừng dạy con trẻ làm điều ác - 1

Các phụ huynh cần hướng con trẻ vào những hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích

Đừng dạy con bằng cách… bênh con

Bàn về cách dạy con, chị Ý Nhi, giáo viên môn Văn ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 4, ở lớp nó to cao hơn bạn bè cùng trang lứa nên thi thoảng cũng bắt nạt bạn bè. Tôi cho nó xem những phim hoạt hình cũng có những cảnh kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu như Tom và Jerry, Hãy đợi đấy… để nó biết những hành vi như thế là không tốt. Tự nhiên nó biết điều chỉnh hành vi ngay, cô giáo không còn phải than phiền như trước nữa”.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường mẫu giáo Chim non, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng nhìn nhận, trẻ rất dễ bắt chước những hành vi của người lớn. “Tính khí của những đứa trẻ có ảnh hưởng lớn từ môi trường sống xung quanh. Ở nhà nếu các em được nuông chiều, khi làm sai không được giáo dục kịp thời thì càng hung hăng, khó bảo”.

Cô Hằng kể, ở trường cô nhiều em ăn cơm rơi vãi, cô bắt các em tự nhặt lên và cho vào thùng rác. Cô muốn tập cho các em có ý thức tự lập từ nhỏ, vậy mà nhiều phụ huynh không hiểu lại đến mắng cô giáo là “hành hạ” con của họ.
 
Theo cô giáo Hằng, nhiều phụ huynh bênh con trẻ đã đành, đằng này lại còn khuyến khích con có những hành vi sai trái. Như chuyện các anh lớn của bé Hảo hành hạ em, có nguyên nhân là được bố mẹ khuyến khích, hoặc chí ít là không ngăn cản khi các em này có hành vi đánh đập em của mình. Sự đồng lõa của người lớn khiến cho các em lệch lạc trong hành vi và nhận thức ngay từ bé, lại càng nguy hiểm hơn khi nó thành thói quen ăn sâu để rồi lúc trưởng thành trở thành tính cách, tính khí của con người.

“Những trò chơi bạo lực của games online, những đồ chơi dao, kiếm mà trẻ sớm tiếp xúc ngay từ nhỏ cũng là mối họa lớn về sau. Vì vậy các phụ huynh nên giúp trẻ tránh xa, thay vào đó hướng cho các em những hoạt động lành mạnh, bổ ích, đồng thời thường xuyên quan tâm đến tâm lý của trẻ ở độ tuổi này”, chuyên gia tâm lý Thu Nguyệt đưa ra lời khuyên.

Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm