Đừng bao giờ hỏi con: “Xin lỗi chưa?”

Huyền Anh

(Dân trí) - Gần đây tôi tham dự một bữa tiệc sinh nhật của bé 4 tuổi, đông lít nhít trẻ con tới nỗi có thể khiến ngay cả những bậc cha mẹ giàu kinh nghiệm nhất cũng phải hoảng sợ.

Bọn trẻ chạy xung quanh và la hét, bối cảnh đúng như trong mấy phim về đại dịch hay thiên tai. Trong số bọn trẻ, có đứa hơi lấn lướt những đứa khác, liên tục lao vào những đứa khác, lấy đồ chơi, chen cắt hàng…

Mẹ của đứa trẻ đó liên tục dẫn con đến chỗ các “nạn nhân” khác nhau của con để bắt nói lời xin lỗi. 

Vài lần như thế, nhưng rõ ràng là chẳng giải quyết được gì và hơi đau lòng khi phải chứng kiến. Tôi hiểu cho người mẹ này vì tôi cũng ở vị trí của cô ấy, có 3 đứa con và cũng có lúc bắt các con phải xin lỗi bạn bè vì những lần chúng bắt nạt bạn, dù linh cảm của tôi thấy rằng đây có thể không phải là cách hiệu quả nhất. 

Tôi thường làm điều đó như một hình thức để cho người mẹ của những đứa trẻ kia biết rằng tôi biết con tôi đã làm sai điều gì và chúng tôi sẽ chuộc lỗi.

Nhưng giờ tôi không làm thế nữa vì hoá ra: “Xin lỗi có thể là một cách tuyệt vời để làm cho mọi thứ tốt hơn giữa những đứa trẻ, nhưng buộc chúng làm điều đó lại là dạy cho chúng một bài học sai”, theo nhà tâm lý học trẻ em Laura Markham, tác giả cuốn “Peaceful Parent, Happy Siblings: How Stop the Fighting and Raise Friends for Life” (Tạm dịch là: “Cha mẹ ôn hòa, Các con vui vẻ: Làm sao để con không cãi nhau và làm bạn với nhau trọn đời”). 

Đừng bao giờ hỏi con: “Xin lỗi chưa?” - 1
Ảnh minh họa: Shutter Stock

Dưới đây là lý do tại sao những lời xin lỗi gượng ép không phải là một ý kiến hay. Và thay vào đó, cha mẹ nên làm gì.

Lý do bạn không nên bắt con mình xin lỗi:

Trước tiên là bắt con xin lỗi chẳng có tác dụng gì cả.

Markham nói: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu về các mối quan hệ lãng mạn cho thấy rằng, khi một người trong cặp vợ chồng cảm thấy buộc phải xin lỗi trước khi họ sẵn sàng, điều đó không giúp cho mối quan hệ vợ chồng được cải thiện. Chúng tôi tin rằng trẻ em cũng vậy trong quan hệ với bạn bè và các anh chị em của nó. Bắt con xin lỗi thực sự khiến đứa trẻ xấu hổ, và khi đứa trẻ bị xấu hổ, nó cảm thấy tồi tệ hơn, có nghĩa là không thể làm điều tốt hơn". Điều đó đặc biệt đúng trong trường hợp đứa trẻ liên tiếp tái phạm rồi lại phải đi xin lỗi tại bữa tiệc sinh nhật. 

Người mẹ có lẽ bắt con đi xin lỗi để bản thân bớt xấu hổ hơn một chút. Nhưng nếu bạn hỏi trẻ nghĩ gì về cách làm này, chúng sẽ nói với bạn: “Khi con tức giận, con ghét phải xin lỗi. Xin lỗi chỉ khiến con tức điên hơn” hoặc: "Con không thích khi anh trai xin lỗi con vì bố mẹ bắt anh ấy phải làm thế, bởi anh ấy sẽ xin lỗi theo kiểu không hề có ý muốn xin lỗi và càng làm con tức giận”, hoặc: “Nói xin lỗi khi không hề có thành ý là nói dối".

Thay vào đó, bạn nên để trẻ làm gì:

Tập trung vào việc giúp trẻ giao tiếp hơn là xin lỗi theo thói quen.

Markham nói: “Nếu tôi là cha mẹ của một đứa trẻ phạm lỗi, tôi sẽ nói với con mình: Ôi không, em Bi khóc rồi, hãy xem chúng ta có thể giúp em ấy bằng cách nào”.

Markham nói thêm rằng đứa trẻ phạm lỗi có thể trả lại đồ chơi, hoặc hỏi bạn của nó có ổn không. “Bạn sẽ muốn tiếp sức cho con thấy nó là một người hào phóng, có thể cải thiện mọi thứ tốt hơn khi nó gây ra điều gì đó tổn thương”.

Sau đó, ngay khi em Bi hết khóc, hãy kiến tạo cho con một phản ứng thích hợp:

“Tôi sẽ choàng tay qua người con trai và nói: “Tụi cô rất tiếc vì anh Tom (ví dụ tên con trai bạn) đã làm tổn thương con; anh quên mất phải nói gì rồi. Nhưng anh Tom và cô rất vui vì em Bi đã cảm thấy tốt hơn”.

Điều này đảm bảo đứa trẻ bị tổn thương nhận được lời xin lỗi và cho người mẹ khác thấy rằng bạn đang làm gì đó để sửa đổi. Sau đó, hướng con bạn ra khỏi tình huống này một chút để con có thể điều tiết lại cảm xúc: “Anh Tom có thể cần chút thời gian yên tĩnh để nghĩ xem tại sao hồi nãy anh ấy lại đánh con”. 

Với những đứa trẻ lớn hơn, điều quan trọng là để chúng tìm ra cách sửa chữa mối quan hệ. Khi bạn dạy con xin lỗi, đừng gán cho con một “hậu quả” nó phải trả giá. Hãy cho con vài ý tưởng, nhưng cuối cùng để con chọn những gì con có thể làm để tình hình tốt hơn".

 Làm gương cho con:

Trẻ em học được từ chúng ta cách hàn gắn các mối quan hệ. Hãy chắc chắn rằng khi bạn và con có mối quan hệ rạn nứt, bạn phải xin lỗi và tìm cách nối lại.

Nói “xin lỗi” là một công cụ quan trọng trong tất cả các mối quan hệ. Nhưng nếu chúng ta dạy trẻ nói ra điều đó một cách vô tâm bất cứ khi nào chúng làm sai, sẽ mất đi ý nghĩa và sức mạnh của lời xin lỗi, và con cái chúng ta thì bỏ lỡ cơ hội thực sự học hỏi từ những sai lầm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm