Dọn nhà đón Tết

Huyền Anh

(Dân trí) - Nhiều người nói sợ Tết, sợ những tất bật hối hả ngày cuối năm, sợ lương thưởng không đủ chi tiêu, sợ đủ khoản sắm sanh, quà cáp... Riêng tôi cứ đến Tết là thấy lòng hân hoan, từ 29, 30 đã rộn ràng.

Giống như một thói quen thành nếp, bao nhiêu năm góp mặt trong cuộc đời, từ khi có nhận thức là tôi đã quen với việc cứ đến 30 Tết là cả gia đình sẽ xúm nhau vào để dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng lại mọi thứ, gột rửa, lau dọn ngôi nhà khiến mọi góc nhà tới cuối ngày đều trở nên sáng choang.

Từ sáng sớm, mẹ nấu một nồi nước lá mùi già, cái mùi xộc vào mũi nồng nàn mà lại dễ chịu khoan khoái thế! Nó sẽ đánh thức mọi giác quan, khiến tôi đang mơ màng trên giường cũng choàng tỉnh giấc. Tôi gọi đó là "mùi Tết". Bố thấy tôi mở mắt thì ghé mặt vào phòng cười toe toét: "Dậy dọn nhà đón năm mới đi con, Tết sắp về rồi".

Bố lấy chổi quét mạng nhện trong nhà, trên trần nhà, khắp mọi ngóc ngách. Rồi bố dòng dây đưa nước ra cổng xối rửa cái cổng sắt. Cánh cổng sau một năm bám bụi đã két vào được bố kì cọ tẩy rửa rồi phun một đợt nước lập tức trở nên trắng sáng y như vừa được thay áo mới.

Đôi chỗ rỉ sét gây tiếng kêu ken két mỗi lần bị kéo, bố nhỏ vào đó một thứ dầu mỡ, kéo đi kéo lại vài lần bỗng chuyển động êm ru.

Mẹ đưa cho hai chị em tôi, đứa chổi đứa xẻng, giao cho việc quét tất cả các phòng trong nhà. Hai chị em đứa quét đứa hót mà vẫn chí chóe với nhau, đứa nào cũng muốn tỏ ra rằng mình là người có công nhiều nhất.

Mẹ với đôi bàn tay đang thoắt thoắt cầm chiếc khăn ẩm lau tủ, lau bàn, đôi lúc nhìn hai chị em tôi mỉm cười, có lúc lại phải đằng hắng giọng, nghiêm nét mặt: "Nào nào, thôi ngay, cái gì thế hai đứa!". Hai chị em trứng gà trứng vịt cách nhau chẳng được đến 2 tuổi, nên chúng tôi hay chành chọe, nhưng thật ra là đều rất yêu thương nhau.

Từ sáng đến trưa là cả ngôi nhà sẽ được dọn dẹp xong, sạch sẽ và thơm tho, mọi góc nhà đều toát lên một sự quang quẻ, nhẹ nhõm, cảm giác như vừa tẩy sạch bụi trần, dọn lòng thanh tịnh và hân hoan nghênh đón năm mới sang.

Dọn nhà đón Tết - 1

Dọn nhà đón Tết, lòng thanh tịnh đón năm mới sắp sang (Ảnh: Huyền Anh).

Nhà tôi có truyền thống, cứ vào dịp năm mới, mỗi người sẽ viết vài tấm bưu thiếp đỏ, bên ngoài có hoa văn hoa mai, hoa đào, gửi đến những thành viên trong gia đình lời nhắn nhủ yêu thương rồi gấp lại, cho vào phong bao, treo lên cây đào quất cùng những đồ trang trí khác. Để đến đêm giao thừa, khi cả nhà quây quần, chúng tôi sẽ cùng đọc những lời nhắn nhủ yêu thương đó, cùng cười vui đón nhận những tình cảm của nhau. Đấy cũng là lúc bố mẹ "mở hàng lì xì" cho hai chị em tôi, chúc hai đứa học hành giỏi giang, đón một năm sắp tới với thật nhiều may mắn và hạnh phúc.

Cảm giác gia đình đoàn viên đó, đối với tôi luôn luôn quý giá, không thể đánh đổi để lấy bất cứ thứ gì. Cảm giác đó, chỉ có được khi Tết về.

Cuối ngày, khi việc dọn nhà đã hoàn tất, căn nhà trở nên rất khác. Lúc này chúng tôi sẽ lần lượt đi tắm. Hòa nồi nước lá mùi của mẹ vào nước, vừa tắm vừa hít hà cho "mùi Tết" đi ngấm vào da thịt, căng tràn hai lá phổi, với tôi đấy là cảm giác tuyệt vời.

Buổi tối mẹ gọi hai đứa ra, đưa cho chúng tôi mỗi đứa một bộ đồ mới mà sáng mai, mùng Một, sẽ diện để sang thăm ông bà, chúc Tết họ hàng. Mùi quần áo mới thật có sức mê hoặc lòng người. Tâm hồn tôi cứ rung rinh, lâng lâng sung sướng và háo hức nghĩ tới sáng mai được mặc vào bộ đồ ấy, tết tóc thật xinh, rồi mẹ đánh cho chút son bóng, chấm cái "nốt ruồi Ấn Độ" lên trán bằng cây bút kẻ mắt của mẹ. Tôi cảm thấy đấy là lúc mình xinh đẹp nhất trong năm, xinh đến nỗi không đứa trẻ nhà nào có thể sánh bằng.

Giờ tôi đã ngoài 30 tuổi, đã có gia đình riêng nên không còn ở cùng bố mẹ, nhưng dọn nhà đón Tết vẫn là truyền thống được duy trì trong nhà tôi. Bởi một lẽ đơn giản, tôi muốn truyền cho các con cảm giác đón Tết tuyệt vời từ ấu thơ của tôi, để dù có khó khăn vất vả đến đâu, tình cảm gia đình đoàn viên vẫn là nguồn sức mạnh khiến chúng sau này không bao giờ "sợ Tết".