Đôi khi, nên bớt “quan tâm” nhau đi
(Dân trí) - Bạn tôi từng nói một câu mà tôi nhớ mãi:“Có những chuyện tớ không nói cho bạn biết. Bởi có nói ra cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ khiến bạn bận lòng thêm thôi. Vậy nên nếu thấy tớ buồn mà không chia sẻ, thì đừng hỏi tớ tại sao mà buồn”.
Thưở nhỏ, tôi có một cô bạn gái rất thân, hai đứa đi đâu cũng có nhau, cả khi đi học, khi đi chơi hay chăn trâu ngoài đồng ruộng. Bạn tôi có một gia cảnh không mấy ấm êm. Nhà bạn có ba chị em gái. Mẹ bạn làm nông, còn bố bạn là chân chạy vật tư của hợp tác xã. So với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì bố bạn cũng kiếm được chút tiền, vì thế đôi khi tỏ ra khinh vợ. Một hôm tôi sang rủ bạn đi học, thấy bạn mắt đỏ hoe. Bố và mẹ bạn, cả hai đang ngồi đối diện nhau, không khí có vẻ căng thẳng. Nhìn qua, biết nhà đang có chiến sự, tôi không dám chào, kéo tay bạn đi. Trên đường đi học, bạn vừa khóc vừa nói: Bố bạn hôm nay chủ động thừa nhận bố có một đứa con trai riêng ở ngoài, và yêu cầu mẹ bạn khi biết chuyện không làm rùm beng lên, nếu muốn yên ổn mà sống như trước tới giờ. Mẹ bạn nghe xong chỉ còn biết khóc.
Chuyện đúng là không có gì vui, và cũng chẳng có gì hay mà kể lể khoe khoang. Thế nhưng chỉ vài hôm sau cả làng đều biết chuyện. Ai đã từng ở quê đều biết, nhà ai có chuyện vui hay buồn, mọi thông tin lan nhanh không kém mạng xã hội.
Tôi nhớ rõ, hôm ấy tôi và bạn thả trâu ở bờ sông rồi ngồi tập hí hoáy đan khăn len. Bỗng có một bác trong làng đến gần rồi ngồi xuống hỏi: “Này H, bố mày có bồ hả?” Bạn tôi nghe xong, im lặng cúi gằm mặt. Bác ta lại hỏi: “Nghe nói còn có cả con trai rồi hả. Khổ thân mẹ mày. Thế mẹ mày có định đi cho con mụ kia một trận không?”. Bạn tôi, mặt bắt đầu đỏ bừng, như vừa tủi thân vừa tức giận. Tôi biết, trong lòng bạn chắc đang cuộc lên cả một trời giông bão. Bỗng bạn hét to: “Cháu không biết, bác đi mà hỏi bố mẹ cháu ý”, rồi bỏ chạy. Còn bác ấy điềm nhiên: Ơ hay! con bé này, tao quan tâm tao hỏi thăm thôi mà, cả làng này ai mà chẳng biết.
Sau hôm ấy, bạn tôi không chịu đi học tới một tuần liền, chỉ vì đến đâu người ta cũng hỏi bạn: “Này H, bố mày có bồ hả?” Hồi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng, miệng lưỡi người đời quả là độc ác. Bởi vì nó, đã làm một trái tim trẻ thơ vốn bị tổn thương bởi sự mất mát trong gia đình càng trở nên rỉ máu vì những sự “quan tâm” vô tình và thiếu thiện ý.
Sau này lớn lên, đi ra ngoài nhiều, tôi nhận thấy hình như mọi người đều rất thích “quan tâm” tới nỗi đau của người khác theo kiểu như thế, mà không cần hay không biết rằng nó vô tình đã chọc ngoáy vào nỗi đau mà đôi khi người bị hỏi thăm không muốn nhắc lại hoặc đang cố quên đi.
Tôi có một cô bạn thân, lấy chồng đã ba năm mà chưa có con. Hai vợ chồng cũng bỏ công bỏ của vào Nam ra Bắc mấy lần, thế nhưng ước mong có một mụn con để ẵm bồng chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.
Mỗi lần gặp nhau, nhìn con tôi chạy nhảy nô đùa, cô ấy đều khóc. Cô ấy bảo, đi đâu người ta cũng xúm vào hỏi: Vì sao mà chưa có con? Thế rốt cục là do chồng hay vợ? Bác sĩ bảo bị bệnh gì? Nếu không đẻ được có định xin con nuôi không?... Nhiều khi đi cưới đi hỏi, đi liên hoan hay gặp gỡ, muốn vui một tý nhưng mọi người cứ hỏi, thành ra muốn không nghĩ không được, muốn không nhớ không xong. Biết là đôi khi vì quan tâm người ta mới hỏi, nhưng nghe vẫn cứ xót xa.
Hôm rồi, nhận được điện thoại của cô bạn thân hồi cấp ba. Nói chuyện một lúc nghe nó thở dài: “Chắc tao phải kiếm một ông nào góa vợ lấy đại đi thôi mày ơi. Hơn ba mươi tuổi rồi, về nhà thì bố mẹ giục giã. Ra đường, làng xóm hỏi bao giờ cho họ ăn cỗ. Gặp gỡ bạn bè thì chúng nó kêu “già kén kẹn hom”, không lo lấy sớm đi, định sau này già rồi đeo kính mà rửa đít cho con à? Chán lắm, mệt mỏi lắm.” Mà tôi biết nó là đứa hiền lành và dễ chịu, ngoại hình cũng ưa nhìn, học hành đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định. Vậy nhưng không hiểu sao đường tình duyên lận đận, những cuộc tình cứ đến rồi đi, đơm hoa mà không kết trái. Chứ có phải nó khó tính quá mà thành ra thế đâu.
Cuộc sống, không phải lúc nào cũng công bằng, và không phải cái gì cũng diễn ra đúng quy trình hay theo lẽ tự nhiên của nó. Có thể bằng tuổi bạn, cô ấy chưa lấy chồng, nhưng bạn đã tay bồng tay bế. Có thể có cậu học trò thi một lúc đỗ ba trường Đại học, nhưng bạn cậu phải thi tới ba năm mới đỗ. Có thể bạn đang hạnh phúc với tổ ấm cua mình, nhưng bạn của bạn đang nộp đơn ra tòa li hôn. Có thể bố mẹ bạn chung sống đến đầu bạc răng long nhưng cô bé nhà bên đã phải chịu cảnh mồ côi từ khi còn rất nhỏ. Mỗi người chúng ta đến với cuộc đời nay bằng cách giống nhau, nhưng khác nhau hoàn toàn về cuộc đời và số phận.
Con người luôn luôn có nhu cầu chia sẻ. Nhưng nếu họ không có ý định trải lòng về những khúc mắc khó khăn họ đang gặp phải thì có lẽ cũng không nên chọc ngoáy vào nó để làm gì. Ai cũng có một khoảng trời riêng cần được tôn trọng. Thế nên nếu có thể, đừng hỏi cô bé đang vừa trượt Đại học có buồn không? Đừng hỏi một cô gái lỡ thì định bao giờ thì kết hôn? Đừng hỏi những cặp vợ chồng hiếm muộn sao mãi vẫn chưa có con? Bởi có những thứ người ta có thể không muốn thật tâm chia sẻ cùng bạn.
Thực ra là đôi khi chúng ta vô tình thôi, nhưng sự quan tâm của ta lại chạm đúng vào nỗi buồn của người khác. Quan tâm hỏi han nhau một chút, cũng tốt thôi. Nhưng trước những nỗi buồn đau, nếu không thể nói những lời tốt đẹp, chúng ta im lặng có lẽ tốt hơn chăng?
Lê Giang