Góc tâm hồn

Đợi con về...

(Dân trí) - Mấy ngày nay, cũng như mọi năm, báo đài rộn ràng những chương trình kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Có lẽ lúc này cha đang giở lại những kỷ vật cũ, lặng lẽ ngắm nhìn những tấm huân chương.

Cha nghĩ gì chẳng bao giờ cha nói. Nhưng mỗi lần nhìn khóe mắt cha rưng rưng, bàn tay run run lần sờ từng khuôn mặt đồng đội trong tấm ảnh đã ố vàng, con biết lòng cha đau lắm.

Đợi con về...


Hồi con học tiểu học, mỗi chiều tan trường cha đón con ở cổng. Lũ bạn thường ghé tai nhau thì thào “cha cái Huế bị què đấy”. Con vùng vằng đi trước, ba tập tễnh chiếc nạng gỗ đi sau. Con bảo cha không phải đón con. Nhưng cha không yên tâm khi con đi bộ dọc đường người xe qua lại, nên vẫn nhẫn nại đưa đón con cả ngày mưa ngày nắng.

Con đã từng sợ hãi biết bao mỗi khi trời trở gió. Cha kêu la, quát mẹ, quát con. Cha hất đổ cả bát canh còn nóng hổi. Rồi cha lại khóc. Những lúc ấy, mẹ vừa ôm chặt lấy cha, vừa bảo chúng con đừng sợ. Để rồi mỗi lần qua cơn đau, cha lại gọi chúng con đến gần, vuốt vuốt mái tóc khẽ hỏi: Con có sợ cha không, có buồn cha không? Con khẽ gật đầu, nhưng mắt vẫn len lén sợ hãi.

Trở về từ chiến tranh, với đôi chân không lành vẹn, cha chỉ có thể quẩn quanh ở nhà, đan lát, trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Cha bảo, mọi gánh nặng gia đình cha đã dồn cả lên vai mẹ, cha chỉ có thể giúp mẹ những việc nhỏ thế thôi. 

Những đêm sáng trăng, ngồi bên hiên nhà, cha kể cho chúng con nghe về những trận đánh, những nơi ba đã đi qua, những cái tên đồng đội đã cận kề bên cha trong những ngày lửa khói. Giọng cha khi hào sảng, khi run run, khi ồn ào, khi thỏ thẻ. Chúng con nghe, vừa nghe vừa ngủ gật trong câu chuyện tự hào lẫn đau đớn của cha.

Lớn lên, con thấu hiểu nhiều hơn. Con không còn chạy trốn mỗi khi cha la hét. Con biết ôm cha để lau đi những giọt mồ hôi. Con biết lắng nghe những chuyện đời cha kể. 

Chúng con lớn lên rồi tung cánh bay xa, chỉ còn mẹ cha thui thủi bóng chiều trong căn nhà vắng. Mỗi lần gọi điện, mẹ hay bảo con, cha dạo này yếu lắm. Vậy mà gặp cha, cha cứ bảo rằng cha khỏe lắm, kết thúc cuộc gọi khi nào cũng hỏi “khi nào thì tụi mi về?”. 

Chúng con ít về thăm nhà. Nhưng bây giờ,  con chỉ muốn được về nhà ngay. Về để ngồi bên cha. Để xoa lên vết thương đã liền da cụt đến gần đầu gối vẫn thường làm cha đau đớn. Để nói với cha rằng Út không còn sợ cha đâu. Nếu cha đau, hãy cứ ôm Út vào lòng mà khóc. 

Còn con, con sẽ không bao giờ khóc khi nghĩ về cha nữa, bởi được có cha bên đời, là may mắn của chúng con. Đợi con cha nhé, chắc chắn con về.

MiMi