Đoạn kết đẹp của chuyện tình 6 thập kỷ chia lìa bởi chiến tranh

(Dân trí) - Chiến tranh nổ ra, cô bé Margo Juvet rời bỏ quê hương Hungary chạy đến Anh tị nạn, tưởng như đã mãi mãi chia xa mối tình đầu.

Đó là một đêm đông năm 1956, trên sân ga lộng gió, người cha dắt đứa con gái đang nước mắt đầm đìa chạy trên con đường dày tuyết để kịp chuyến tàu đến miền đất tự do.

Lúc đó người Margo Juvet đau âm ỉ một vết thương do đạn lạc trong cơn bạo động giữa các phần tử nổi dậy và lực lượng của chính phủ vài tuần trước đó. Nhưng nước mắt cô bé rơi bởi một vết thương sâu thẳm hơn. Người bạn thanh mai trúc mã đáng ra sẽ cùng chạy trốn khỏi cuộc chiến nhưng cậu bé đã không kịp đến điểm hẹn.

Tàu chuyển bánh, cô gái nhỏ chỉ biết ôm khư khư vật kỷ niệm duy nhất về người bạn trai Feri Schaffer - một tấm ảnh đen trắng chụp hai đứa đang ngồi ôm nhau trên ghế đá công viên. 6 thập kỷ sau đó, chưa một lần Margo Juvet quên mang theo tấm ảnh bên mình.

Vết thương do đạn lạc thì nhanh chóng lành miệng, cả vết sẹo cũng dần nhạt phai nhưng vết thương vì tan vỡ mối tình đầu tuổi 13 mãi không thể nguôi ngoai dù Margo đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và những lần làm mẹ.

Năm 1956, Margo 13 tuổi và Feri 14 tuổi hạnh phúc ngồi bên nhau

Năm 1956, Margo 13 tuổi và Feri 14 tuổi hạnh phúc ngồi bên nhau

Nhưng rồi định mệnh lại mang họ trở về bên nhau sau 58 năm biền biệt khi cả hai đã tóc bạc, da mồi. Cụ bà mãn nguyện nói rằng: “Nếu bạn chưa từng tin vào tình yêu đích thực, bạn rồi sẽ đổi ý nếu chứng kiến những gì đã xảy đến với chúng tôi. Chưa một ngày nào tôi thôi nghĩ về Feri thân yêu. Cảm xúc bền bỉ đó là gì nếu không phải là tình yêu?”.

Sau khi xa lìa nhau, ở bên kia bức màn sắt chia cắt hai nửa châu Âu, Feri cũng cưới vợ, sinh con. Nhưng ông luôn giữ một bức ảnh đen trắng y hệt và không bao giờ từ bỏ niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có ngày tái ngộ cô thiếu nữ ông đã gặp trong một liên hoan văn nghệ năm 1955.

Bà Margo hồi tưởng buổi đầu biết yêu: “Lúc đó tôi là một vũ công còn ông ấy là người cầm cờ. Khi buổi lễ kết thúc chúng tôi tình cờ đứng cạnh nhau. Feri đã xin phép bố mẹ đưa tôi về nhà và rồi thật trùng hợp chúng tôi phát hiện ra nhà cả hai chỉ cách nhau một con phố. Những ngày tháng hoa mộng bắt đầu từ đó, chúng tôi cùng nhau đi bơi, đi xem chợ phiên. Chúng tôi trò chuyện hàng giờ liền về tương lai, về đám cưới và những đứa trẻ...”.

Nhưng hạnh phúc không kéo dài lâu, một năm sau lần đầu đôi uyên ương gặp nhau, cách mạng nổ ra ở Hungary, kéo theo hàng loạt cuộc bạo động. Bố Margo từng bị đày sang Siberia vì không tham gia Đảng cộng sản. Trong một đám cháy lớn ở thủ đô Budapest, Margo từng bị trúng đạn, may mắn viên đạn không đụng đến động mạch.

Bà Margo chưa quên những tàn tích chiến tranh: “Tôi nhớ như in cảnh mình bị đưa vào bệnh viện, có gia đình và Feri ở bên động viên. Ông ấy mang đến cho tôi một lọ thủy tinh đầy những quả đào tôi thích ăn và bảo rằng tôi thật dũng cảm”.

Vài tuần sau đó, bố Margo chớp được cơ hội đi ra nước ngoài mang theo cả con gái và chàng rể tương lai. Nghĩa là gia đình phải tan đàn xẻ nghé, mẹ và em trai Margo phải ở lại vì cậu em quá bé. Nhưng may mắn còn một chỗ cho Feri.

Cụ bà 71 tuổi hồi tưởng: “Tôi không thể nào quên cái đêm ấy ở sân ga, đợi chờ mòn mỏi Feri rồi phải rời đi mà không có ông ấy, tôi không biết vì sao nhưng chắc chắn có một lí do nào đó khiến Feri không thể đến”.

Hai cha con sau đó được thả xuống ở biên giới nước Áo và được chuyển đến Anh bằng xe tải. Margo đi học một trường nữ sinh dành cho dân tị nạn.

“Ba năm sau, tôi vẫn không được một tin tức gì từ ông ấy, tôi lo lắng liệu ông ấy có còn sống sót qua bom rơi đạn lạc, tôi biết rằng mình rồi phải kết hôn. Bố tôi bảo nếu không cưới ai đó, tối sẽ bị chuyển đến một trường nội trú khác ở Đức. Tôi không chịu đựng nổi việc phải chuyển nhà thêm một lần nào nữa”.

Đám cưới đầu tiên, Margo Juvet 16 tuổi, kết hôn với Anthony chỉ sau một tháng quen nhau.
Đám cưới đầu tiên, Margo Juvet 16 tuổi, kết hôn với Anthony chỉ sau một tháng quen nhau.

Cuộc hôn nhân đầu kéo dài 4 năm, sau đó Margo đi bước nữa với một người bạn đời khác, người cùng bà sinh 2 cậu con trai và một cô con gái.

Lúc này với bà, tuổi thơ tươi đẹp ở Budapest trở nên quá xa vời, điều duy nhất còn ở lại bên bà là tấm ảnh đã cũ màu. Con cái vẫn hay hỏi bà về người lạ mặt trong ảnh, Margo nói rằng đó là người bạn thân nhất mình từng có. Họ khuyên bà thử tìm ông nhưng ở Hungary có hằng trăm hàng vạn người tên Feri, bà biết lần tung tích của ông ở đâu.

Đám cưới thứ hai lúc Margo 26 tuổi
Đám cưới thứ hai lúc Margo 26 tuổi

Về phần Feri ở lại Hungary cũng có một cô con gái với người vợ cũ trước khi chia tay.

Ông luôn nỗ lực tìm lại mối tình đầu và rồi nhờ Facebook ông tìm ra em trai bà Margo khi tìm kiếm những người có họ Juvet.

“Một ngày nọ tôi nhận được cuộc gọi từ em trai báo rằng ông ấy cố liên lạc với tôi. Trái tim tôi ngừng đập. Feri đã gửi cho tôi 1 lá thư 11 trang kể về những thăng trầm cuộc sống, về nỗi nhớ tôi dai dẳng và lí do ngày ấy không thể đến sân ga là bởi cha ông ngã bệnh, ông không thể rời bỏ quê hương”.

Tháng 8 vừa rồi, tại sân bay Luton, London, cô gái của nhiều năm về trước từng lên chuyến tàu định mệnh rời xa quê nhà và mối tình đầu đã được tái ngộ người xưa. “Lần cuối cùng gặp nhau, tôi chỉ mới 13 tuổi, chúng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ nhưng tình yêu vẫn còn đó, mãnh liệt như thuở đầu”.

Kết thúc có hậu

Kết thúc có hậu

Hè tới, cụ bà Margo sẽ chuyển về sống ở thành phố tuổi thơ Budapest để tận hưởng niềm hạnh phúc muộn màng với Feri.

May
Lược dịch từ Mirror