Đồ vô dụng

Hàng xóm mới về nghe đâu là một gia đình cán bộ trên huyện, chị vợ là người khá kỹ tính.

 
Đồ vô dụng


Là mình đoán vậy, vì một tuần trước khi chính thức dọn đồ đạc về, thấy mỗi ngày cứ đến giờ nghỉ trưa và giờ tan sở là chị đến quét dọn, lau chùi từ chậu cây cảnh đến cái cửa sổ trên lầu.
 

Mà lạ, nhìn tới nhìn lui cũng chỉ có mình chị, không thấy ai khác. Mình tò mò hỏi thăm khi chị khóa cổng chuẩn bị về, chị nói chồng đi làm hôm nào cũng tới khuya; con có hai đứa, đứa đi làm xa, mỗi tuần về nhà một lần, đứa học lớp cuối cấp, ngoài giờ ở trường còn học thêm túi bụi, thôi thì tranh thủ được chút nào hay chút đó.

 

Chị nói, đầu cúi xuống, nghiêng nghiêng, nhìn nét lắm, ngày còn con gái chắc cũng làm điêu đứng nhiều chàng. Chị cười buồn thiu khi nghe nhận xét của mình. Ờ, hồng nhan bạc phận, em ơi. Mình kêu trời, bạc phận cỡ chị, nhiều người thèm muốn chết đó nghen. Chị lại cười, cũng buồn thiu.

 

Ngày chị dọn nhà, có đến ba chiếc xe tải đậu chình ình ngoài cổng. Số lượng xe khiến nhiều người trong xóm chú ý, tưởng nhà chị giàu có lắm, sau thấy toàn đồ cũ xì, họ bàn ra tán vô đủ chuyện, rồi đặt luôn cho nhà chị cái tên ba xe tải. Mình thì không quan tâm đến đồ đạc. Vài lần ghé mắt qua hàng rào dòm lén, thấy chị tất bật, vừa khiêng xách vừa hướng dẫn người ta đặt tủ bàn đúng chỗ…, tự nhiên lòng thấy thương thương, muốn qua phụ chị một tay, nhưng ngại mới quen biết, sợ người ta nghĩ mình này nọ.

 

Một buổi trưa, vừa ăn cơm xong thì nghe tiếng gọi cửa. Mình chạy ra. Chị hỏi mượn cái búa đóng đinh, phân bua, nhà cũng sắm đầy đủ, nhưng hôm dọn nhà để đâu, giờ kiếm không ra. Mình lấy búa và lon đinh, lần này nhứt quyết sang phụ chị. Từ chối không được, chị đành mời mình vào nhà. Nhà chị tối om om vì nhiều tủ kệ quá, lại toàn màu sậm và cũ. Ra sau bếp, mọi thứ vẫn còn lung tung. Chưa kịp nhìn trước ngó sau, mình vấp phải cái xe dành cho trẻ tập đi, suýt nữa thì té. Chị xuýt xoa xin lỗi, tính mang vô kho mà quên. Mình nhìn lại cái xe, thấy đã cũ dữ, hỏi sao chị không bán ve chai cho rồi, chứa làm chi ba thứ này chật nhà. Chị ngập ngừng, cũng tính bán mấy lần, nhưng tiếc, nghĩ, lỡ có khi cần thì sao, bán chẳng mấy đồng, bao nhiêu năm giữ được, nay mắc gì đem bán. Mình nín thinh, ngẫm nghĩ cái lý của chị, thấy cũng đúng. Nhưng, đứa con gái của chị thì không chịu vậy. Lúc mình chuẩn bị đi làm buổi chiều, nghe giọng con bé vọng từ trong nhà ra tới ngoài đường: “Má, con nói bao nhiêu lần rồi, thứ gì không xài nữa thì quăng hết đi, cất giữ làm chi cho mệt, rồi than. Con không phụ má nữa đâu, con mắc học, má làm gì thì làm, con không biết”. Nói xong, con nhỏ đùng đùng dắt xe ra cổng, nổ máy, chạy cái ào. Chị cũng đi làm, trời nắng chang chang, cây cỏ muốn chết khô, mình nhìn chị thấy héo quắt. Hai chị em chào nhau, đi hai ngã.

 

Tối hôm ấy, khuya thì đúng hơn, trời nóng quá không ngủ được, mình lọ mọ lên sân thượng tính tưới cây, ngó xuống đường, thấy chồng chị vừa về tới. Ông ta ngồi trên xe, bấm kèn inh ỏi. Đèn trong nhà bật sáng, cửa mở, chị chậm chạp đi ra với xâu chìa khóa. Chồng chị, giọng xẵng lè, mới giờ này mà ngủ là sao, có mở cửa thôi mà cũng chậm, thứ đàn bà… hết xài. Chị không trả lời một tiếng, trong khi mình bên này tức anh ách. Đàn bà hết xài là sao? Chồng mình mà nói câu đó, mình ly hôn liền, không thương tiếc. Mình định bụng, khi đã thân hơn một chút, sẽ xúi chị xử đẹp ông chồng.

 

Nghĩ vậy thôi, rồi mình cũng quên mất tiêu. Mãi cho đến hôm đứa bạn đến chơi, nhìn sang nhà bên kia phát hiện ra chị, nó kéo tay mình, thầm thì: - Bà chị họ của chồng tao, nghe chuyển nhà hổm rày, nay mới biết bà chị ở đây. Theo lời bạn mình, chị và chồng sống không hạnh phúc từ lâu, gần như ly thân, ông xây tổ ấm bên ngoài, bà thì quyết không tha thứ. Mình hỏi sao chị không chủ động chia tay, sống chi cho khổ vậy. Bạn lắc đầu, ai cũng thấy vậy nhưng người trong cuộc thì không. Ông không dám đơn phương xin ly hôn vì sợ bà quậy, ông đương chức đương quyền, lơ mơ là mất hết. Còn bà thì miệng nói cố níu kéo cho con có cha, nhưng thiệt sự trong bụng là thề không cho “thứ đồ chết bầm” đó được danh chính ngôn thuận sống với nhau. Chứng kiến cảnh cha mẹ hận thù, đứa con trai lớn chán nản ra ngoài ở trọ từ mấy năm nay.

 

Nghe chuyện của chị, mình buồn cả ngày hôm đó. Định bụng bữa nào sẽ khuyên chị, vợ chồng ở với nhau không được thì thôi đi cho rảnh rang tâm trí mà vui sống. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình đâm ớn nét lạnh lùng của chị, rủi chị trả lời, kệ, bao nhiêu năm nay chịu đựng được, giờ mắc gì thôi. Thôi, thôi là sao...

 

Theo Bạch Hạc

PNO