Điêu đứng vì phải sống chung với em chồng
Lâu nay người ta cứ nói về mối quan hệ đầy căng thẳng giữa mẹ chồng - nàng dâu mà quên đi một mối quan hệ khác, "nhức nhối" không kém, ấy là mối quan hệ "chị dâu - em chồng".
Trong đời sống làm dâu của các chị em phụ nữ, ngoài nhân vật "mẹ chồng" khiến chị em phải đau đầu mệt óc thì nhân vật " em chồng " cũng không phải dạng vừa. Nếu không may gặp phải một vị em chồng khắc khẩu, chuyên rình tật xấu hoặc nhỡ nhàng của chị dâu để bêu riếu như cô em chồng chê chị dâu không biết gọt mướp dạo nọ, hoặc lười biếng và thích "củ hành" chị dâu thì thật thương cho cô chị dâu đó.
Như trường hợp của chị Ngân (Bố Trạch, Quảng Bình) dưới đây có ông em chồng cực kì biếng nhác. Mặc dù hai vợ chồng đã ở riêng trên thành phố, chị thì đang mang bầu nhưng hè về, em chồng được nghỉ học bèn lên ở cùng anh chị. Mà khổ nỗi, người em chồng này lại lười chảy thây, cả ngày chỉ ăn và nằm, để mọi công việc nhà cho chị dâu bầu bì của mình phải gánh hết. Chị lên mạng tâm sự:
"Có mẹ nào đang quen 2 vợ chồng ở riêng mà em chồng lên chơi không?
Nhà mình em trai chồng học cấp 3 được nghỉ hè tưởng lên Hà Nội chỉ ở nhà anh chị 1 tuần thôi, ai dè sắp tròn 2 tuần rồi mà chưa hẹn ngày về. Cả ngày chỉ nằm không xem phim với lướt web. Chồng bắt nó rửa bát thì mặt nặng mày nhẹ mãi mới rửa. Cuối tuần rồi mình về quê 2 ngày mà lên nhà như cái chuồng, bừa bộn, sàn bẩn mà 2 anh em cũng kệ.
Mấy hôm trời nóng 40 độ, mình bầu tập đầu gần 7 tháng vẫn phải đi chợ nấu nướng, mua đồ ăn sáng cho cả nhà, mà em chồng lên chả lẽ không nấu ngon. Trưa với tối em chồng vào chung phòng anh chị bật điều hoà ngủ cùng. 2 chị em vẫn chưa hoà hợp nên cả ngày chẳng nói chẳng rằng câu gì, chỉ thấy không được thoải mái như lúc ở chỉ có 2 vợ chồng. Thêm nữa mình nghỉ việc rồi nên thời gian tiếp xúc với nó là 24/7."
Không giống với chị Ngân, chị Hà (Trường Chinh, Hà Nội) lại gặp phải một cô em chồng xấu tính.
Hà và chồng yêu nhau từ hồi cấp 3. Hai anh chị vốn cùng quê, nhà cả 2 đều làm nông nghiệp. Hai anh chị học rồi ở lại thành phố làm việc và quyết định lấy nhau.
Hai vợ chồng Hà thuê một căn nhà trọ rộng 20m2, nhưng có gác xép để khi bố mẹ lên chơi còn có chỗ ngủ.
Chuyện là khi Hà sinh con đầu lòng được 4 tháng, cô em chồng cũng thi đậu đại học. Nhà có gác xép nên hai vợ chồng Hà bảo em lên ở cùng để đỡ tiền thuê nhà. Rồi mẹ chồng cũng lên trông cháu để Hà đi làm.
Công việc chủ yếu của bà hàng ngày là ở nhà trông cháu. Còn Hà ngày nào cũng dậy sớm đi chợ mua thức ăn, nấu nướng cho cả nhà. Đi làm về, cho con bú xong là Hà lại tất bật cơm nước, giặt giũ.
Em chồng Hà thì lấy lý do bận học, đi học thêm nhiều, nên cứ đi tới bữa mới về. Ăn xong thì lại đi chơi hoặc học bài, chả mấy khi đỡ đần Hà việc nhà hay trông cháu giúp.
Đã thế em chồng làm cái gì thì cứ bỏ bừa bỏ bãi, làm xong chỉ tổ thêm việc cho người khác phải đi dọn. Có lần Hà phàn nàn với mẹ chồng rằng cô ấy luộm thuộm, không biết giúp đỡ chị. Mẹ chồng Hà tỏ ý không hài lòng, bà bảo: "Em còn bận học. Chị đừng có mà so đo với nó". Thế là, chẳng những không thay đổi được gì, Hà còn bị mang tiếng khó tính, hay để ý để tứ.
Từ hôm đó, Hà thấy mẹ chồng và em chồng có thái độ khang khác với mình. Họ hay thì thầm, to nhỏ với nhau. Cô em chồng hay nói bóng, nói gió, chê bai Hà. Thậm chí, cô ấy còn nói xấu Hà trước mặt chồng và mẹ chồng. Mẹ chồng Hà thì luôn bênh cô ấy.
Thấy thái độ của em chồng càng ngày càng quá đáng, Hà bàn với chồng cho cô ấy ở riêng. Cứ nghĩ chồng sẽ hiểu và thông cảm cho, không ngờ anh bảo: "Em đừng hẹp hòi thế. Mình là anh là chị thì đừng tính toán, chấp nhặt với em."
Hà bức xúc nói: "Em không thể chịu được tính cô ấy. Nếu không cho cô ấy ra ở riêng, em sợ sẽ xảy ra xích mích". Chồng Hà thấy vợ gay gắt vậy liền bảo từ từ để anh tính. Nhưng Hà biết chồng cô sẽ không muốn để em ấy ra ở ngoài đâu.
Mối quan hệ giữa chị dâu - em chồng và em dâu - chị chồng là mối quan hệ khá nhạy cảm. Ảnh minh họa
Cùng cảnh ngộ có cô em chồng "không phải dạng vừa đâu", chị Thúy Thanh (Vĩnh Phúc) còn gặp phải "ca khó" hơn khi bị chính em chồng mình nói xấu lên cơ quan.
"Tôi có rất nhiều mâu thuẫn với em chồng trong quá trình chung sống. Cô ta là một người không ai ưa nổi. Cô ấy còn dám nói xấu tôi với đồng nghiệp trong công ty. Tôi là tổ trưởng, quản lý gần 20 nhân viên cấp dưới. Em chồng làm khác tổ, nhưng cứ tìm cách đến tổ tôi chơi. Rồi cô ấy bắt đầu làm quen thân với vài người và kể xấu về tôi. Tôi chẳng biết gì, cho đến khi một chị đồng nghiệp lên tiếng, bảo tôi cẩn thận với em chồng.
Hóa ra, em chồng thấy tôi được cấp trên ưu ái nên ganh ghét. Em ấy nói tôi xấu tính, lươn lẹo, mồm miệng lanh lẹn nhưng xảo trá… Em nói tôi sống ở nhà chồng chẳng ai ưa vì kiêu căng, lúc nào cũng cho mình đúng. Em dựng chuyện nói tôi hay bị chồng đánh vì dám lên mặt dạy đời chồng, ăn ở dơ bẩn, thiếu trách nhiệm với con cái…
Nói chung, cô ấy biến tôi thành người vô cùng xấu xa, xấu đến mức không còn gì để nói tới nữa trong mắt mọi người. Cũng may nhưng chị em trong tổ đã quá hiểu tôi nên chẳng ai tin những lời em chồng tôi nói. Nhưng những người ở tổ khác thì bắt đầu tin. Họ khen em chồng tôi ngây thơ, dễ thương. Còn nói tôi chảnh chọe, ỷ có sếp quan tâm nên khinh thường người khác… Mấy lời đó đến tai sếp, anh ấy gọi tôi lên làm việc khiến tôi càng thêm bực bội cô em chồng mình" – chị Thanh bức xúc.
Mối quan hệ giữa chị dâu - em chồng và em dâu - chị chồng là mối quan hệ khá nhạy cảm. Theo các chuyên gia, để có được một mối quan hệ tốt đẹp ngay từ đầu thì với vai trò là người mới nhập gia, các nàng dâu nên là người chủ động trong việc xây dựng mối quan hệ bằng tình cảm chân thật của chính mình.
Thực chất việc này không quá khó, chỉ cần sự quan tâm chân thành, một vài ấn tượng tốt đẹp trong những buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau thì các nàng dâu tương lai đã có thể chiếm được thiện cảm của các quý cô bên chồng.
Khi đã trở thành người một nhà, thì việc có thể duy trì được “mối quan hệ hồng” này thì lại là cả một nghệ thuật sống, giai đoạn này cần lắm sự chín chắn, chan hòa trong cách sống các “nàng dâu”.
Theo Lily
Gia đình và Xã hội