Dịch vụ “bà mụ”
Lúc nào phòng mạch của bác sĩ T. cũng đông nghẹt khách. Thỉnh thoảng vài người phụ nữ được người thân chở tới, trên tay ủ 1 hũ nhựa và ngay lập tức, họ được đưa lên lầu 1 để bơm tinh trùng nhân tạo.
Được lời giới thiệu của một bác sĩ thân thiết, tôi dắt cô bạn tới phòng mạch này để bơm tinh trùng nhân tạo. Việc bơm tinh trùng hay thụ tinh trong ống nghiệm đâu có gì đáng nói nếu được thực hiện ở bệnh viện. Nhưng tại bệnh viện thì cần mọi giấy tờ để chứng minh người phụ nữ đến bơm tinh trùng thực sự đã kết hôn. Vậy là những người phụ nữ lỡ thì giờ cần 1 đứa con để vui tuổi già, những cô gái hiện đại chỉ muốn làm single mom, những cặp yêu đương sống chung nhưng không muốn ràng buộc bằng tờ giấy “án chung thân” bị hiếm muộn… đành phải tìm các cơ sở y tế nhỏ lẻ khác để hoàn thành khát vọng có con.
Minh họa: Thuần Phong - PNVN.
Đó chính là phòng mạch tư của các bác sĩ sản phụ khoa. Không một ai có quyền và tọc mạch về chuyện đời tư của bạn. Không phải trình ra bất cứ tờ giấy mang tính hành chính nào. Tất cả những điều kiện thuận lợi ấy, đã đưa chân chúng tôi có mặt tại phòng khám của bác sĩ T.
Phòng mạch cũng chính là nhà riêng của bác sĩ, nằm trong 1 con hẻm cụt trên đường NĐC, Q.3, TPHCM. Ngày nào cũng vậy, chiều chiều, trời nắng nóng như đổ lửa nhưng rất nhiều bệnh nhân từ 17h đã ngồi chật kín khắp tầng trệt. Người đi soi trứng để canh “quan hệ” đúng ngày, người đi khám thai, người đi bơm tinh trùng. Mỗi người mỗi cảnh, kẻ vui người buồn tụ họp lại đây.
Cô bạn tôi sống chung với bạn trai đã gần 2 năm. Cả 2 đều đã dang dở 1 lần đò nên “rổ rá cạp lại”, không muốn đám cưới đình đám, cũng chẳng đăng ký kết hôn nữa. Ban đầu, họ chưa muốn có con ngay, nên mỗi khi cảm thấy không an toàn, bèn “kế hoạch” bằng thuốc tránh thai khẩn cấp. Thời gian sau, khi nhà cửa đã xây cất xong xuôi, quyết định sinh con thì chờ hoài không thấy đậu thai. Đi khám, bác sĩ nói cô bị niêm mạc tử cung mỏng quá, phôi không đậu nổi nên khó mang bầu. Cách tốt nhất là canh trứng, rồi bơm tinh trùng nhân tạo.
Đầu tiên, bạn được đưa vào phòng để siêu âm. Kết quả cho thấy niêm mạc tử cung mỏng nên cần uống thuốc kích trứng để đến giữa chu kỳ sẽ bơm tinh trùng. Ra khỏi phòng siêu âm, bạn mở sổ, đánh dấu ngày, nhấc điện thoại gọi bạn trai. “Thôi chết, anh ấy nói sẽ đi công tác nước ngoài vài tháng mới về”, giọng bạn hoảng hốt, lạc cả đi. Gần 2 năm nay, từ ngày canh có con tới giờ, cứ tới ngày đến tháng mà lại thấy đau bụng kinh bình thường, là khuôn mặt của bạn tôi bơ phờ như vừa bị cướp tới nhà. Tôi gợi ý quen 1 nơi có thể trữ lạnh được tinh trùng. Ngay tối đó, bạn ra tiệm thuốc tây mua 1 hũ chuyên dụng cho việc đựng tinh trùng và sau khi lấy mẫu xong rồi thì lập tức ủ ấm hũ, mang tới nơi mà tôi đã nhờ sẵn. 10 hôm nữa đến ngày trứng rụng, thì mang hũ tinh trùng đó tới phòng mạch của bác sĩ T. để được rã đông và bơm vào âm đạo.
Theo đúng kế hoạch, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Ngày cô bạn được hẹn tới để siêu âm xem niêm mạc đã đủ dày chưa, tôi có nhiệm vụ chạy đi lấy hũ tinh trùng dùm bạn. Khi tôi quay trở lại phòng mạch thì bạn đã siêu âm xong, chỉ việc chờ để bơm tinh trùng nhân tạo. Bạn kể, được đưa lên trên lầu, sau khi bơm xong với cảm giác rất khó chịu và đau tức, phải nằm trên giường bất động cả nửa giờ. Về tới nhà còn phải nhét 1 viên thuốc để dưỡng và khiến niêm mạc dày hơn, phôi dễ đậu hơn.Tiếc rằng, tháng đó, bạn tôi không đậu thai. Lúc tôi chở bạn ra về, có 2 chị cũng mang hũ tinh trùng tới để bơm. Nhưng hũ của họ còn ấm, nghĩa là sau khi lấy được mẫu tinh trùng từ chồng thì mang ngay tới để bơm vào đúng ngày trứng rụng, chứ không để trữ lạnh như trường hợp bạn tôi. Có lẽ vậy, xác suất mang thai sẽ cao hơn.
Không thắc mắc “nguồn gốc”
Tôi có quen 1 phụ nữ đơn thân đã qua tuổi 39. Chị rất cần có đứa con khi đã ở lứa tuổi báo động cho việc sinh sản. Đi mua tinh trùng, biết mua ở đâu bây giờ, mà cứ vào bệnh viện thì không thể lọt qua được cửa ải giấy tờ. Ngân hàng tinh trùng còn không có đủ để cung cấp cho các phụ nữ “chính danh ngôn thuận” khi chồng hoàn toàn không có tinh trùng, thì lấy đâu ra cho các trường hợp đặc biệt không chồng mà muốn có con này? Cuối cùng, tôi đã xin được số điện thoại của người bác sĩ có thể đáp ứng được điều khó khăn ấy. Có được đầy đủ thông tin: muốn tinh trùng của đối tượng nào: cao hay thấp, trắng hay đen, sinh viên y khoa hay ngành nghề khác, tôi trao lại hết cho chị.
Một bữa, tôi thấy chị nhảy vô chat, thông báo đã mang bầu và chuẩn bị sinh con. Chị khoe: “Chị đã tới chỗ anh bác sĩ mà em giới thiệu đó! Giờ chị sắp sanh con trai em ạ”. Hỏi chị về điều kiện cha của bé, chị đáp: “Như lời bác sĩ đã dặn ngay từ đầu, không cần thắc mắc về nguồn gốc sản xuất”.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Khoa Hậu phẫu, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, cho biết, trong bệnh viện, nếu bơm tinh trùng nhân tạo thì tinh trùng của người chồng được lọc rửa lại cẩn thận, khử trùng, sau đó các tinh trùng khỏe mạnh sẽ được bơm vào tử cung của người vợ đúng thời gian rụng trứng. Còn ở các phòng mạch tư, chỉ là bơm tinh trùng lẫn tinh dịch vô âm đạo của người phụ nữ, nếu bơm trực tiếp vào tử cung thì gây nhiễm trùng, chắc chắn không có bác sĩ nào thực hiện. Còn nếu các phòng mạch tư bơm trực tiếp vào tử cung, chắc chắn họ cũng phải có máy lọc rửa tinh trùng theo quy trình giống như bệnh viện. Thủ tục nộp giấy kết hôn là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện các phương pháp chữa trị hiếm muộn tại bệnh viện, không thể khác được. Còn ở các cơ sở y tế tư nhân, người phụ nữ có các hoàn cảnh riêng tư đặc biệt sẽ được đáp ứng nhu cầu làm mẹ của mình không điều kiện. Tuy nhiên, nếu như việc bơm tinh trùng nhân tạo không được kiểm soát, chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy mang lại, không chỉ cho chính các bà mẹ, mà cho cả những đứa con sau này. |
Theo Đinh Thu Hiền
PNVN