Chuyện của tôi
Đi để trả ơn đời
(Dân trí) - Sinh ra với hình hài gầy gò, ốm yếu, xanh xao đã là một dấu hiệu bất lành cho sự sống. Có phải tạo hóa ưu ái khi để tôi rời bụng mẹ sớm hơn gần hai tháng so với một đứa trẻ thông thường? Hay chính ông trời muốn tôi nhanh chóng đối mặt với cuộc đời đầy sóng gió?
Năm tôi lên bốn tuổi, cha đi bước nữa rồi có thêm đứa con trai khác. Tôi ngày càng thừa thãi hơn trong cái gia đình nhỏ bé, chật hẹp của cha. Nhưng mọi thứ vẫn chưa nghiêm trọng bởi ngay từ bé tôi vốn dĩ đã có một khoảng cách rất lớn với cha mà tôi cũng chưa từng để ý. Bi kịch đến với tôi khi tôi bước dần sang tuổi tám. Các cô đều lần lượt theo chồng, chỗ dựa tinh thần duy nhất của tôi chỉ còn lại ông nội. Đó cũng chính là lúc tôi nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, một con người thừa thãi trong cái gọi là gia đình - tổ ấm. Tôi khóc một mình khá nhiều.
Không hiểu sao tôi có quyết tâm học tập ngay từ rất bé. Bỏ quên mọi thứ, trên lớp tôi vẫn học tập một cách bình thường, hiệu quả như biết bao đứa trẻ khác. Có lẽ vì những cô giáo đầu tiên của tôi quá tuyệt vời.
Lâu dần tôi học được cách nép mình trong sự im lặng, trong bóng tối của chính cuộc đời mình. Tôi chỉ thật sự thoải mái khi sống với ruộng đồng sông nước, với trường làng, lớp học, thầy cô, bạn bè. Có lẽ thấu hiểu vết thương lòng của tôi mà ông nội đã xây cho tôi một căn chòi nhỏ sau vườn như một không gian riêng tư, một bóng tối thật sự khi tôi mới mười ba tuổi. Nhưng căn chòi ấy còn chưa chống chọi được với mưa nguồn suối lũ của tự nhiên thì làm sao đủ sức che chở cho tôi khỏi phong ba bão táp của cuộc đời. Ít lâu sau nó đã bị chôn vùi trong mưa nắng và tôi cũng bị giông tố cuộc đời thổi bạt đến những miền đất xa lạ. Tôi thuê một căn phòng nhỏ ở chợ xã và bắt đầu cuộc mưu sinh, tiếp tục con đường học vấn. Tôi thử sức với nhiều nghề từ phụ quán cà phê, quán cơm, quán cháo, rửa bát đến phụ việc trong lò bánh mì. Tôi tiếp xúc với công việc dạy kèm từ năm lớp 8 và chẳng bao lâu thì nó trở thành thu nhập chính của tôi. Tôi nghĩ rằng đây mới chính là công việc phù hợp nhất dành cho mình. Vậy là tạm nhẹ gánh về kinh tế nhưng tôi lại nhọc nhằn với nơi ở. Nhà trọ không phải là nơi dừng chân lâu dài. Tôi may mắn được người cô thứ ba cho ở nhờ một thời gian để yên tâm đèn sách. Vài tháng sau, khi để lại mọi thứ cho gia đình cha tôi, nội đã mang tôi về sống cùng nội. Hai ông cháu nương nhờ trong một căn chòi nhỏ lúp xúp cạnh mé sông. Cuộc sống ổn định hơn nhiều.
Tưởng chừng mọi giông tố đã qua đi nhưng căn bệnh tim mạch, cao huyết áp của nội lại trở nặng, sức khỏe tôi cũng không mấy đảm bảo. Thế là những năm tháng sắp tới lại ngập tràn bóng tối. Dù bệnh tình có trở nặng, hàng tuần nội vẫn đèo chiếc ghe cũ kĩ già nua như cuộc đời của nội đến tận chợ nổi Cái Răng để buôn bán kiếm tiền. Tôi cũng chạy đôn chạy đáo dạy thêm. Chác hẳn tạo hóa đã thương tình cho tôi vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học khá an toàn mặc dù tôi không có thời gian đụng đến một con chữ thậm chí tôi còn có ý định bỏ thi đại học, năm sau sẽ thi lại.
Chọn nghề báo tôi phải lên Sài Gòn bắt đầu cuộc sống mới. Điều tôi lo ngại nhất là nội đơn chiếc chốn thôn quê. Những khi trái gió trở trời, nội có trở bệnh hay không? Nơi góc bếp chái hè mỗi chiều lấy ai dọn dẹp? Liệu căn nhà lá liêu xiêu kia còn chống đỡ được qua mấy mùa mưa nắng? Bao nhiêu gánh nặng cứ chất chồng. Đó là chưa kể khi bắt đầu với hoàn cảnh mới, tôi phải rũ bỏ tất cả và làm lại từ đầu. Tôi lại là một kẻ vô công rỗi nghề chạy xuôi chạy ngược với cuộc mưu sinh. Tôi không biết đã đi qua bao nhiêu trung tâm gia sư, bao nhiêu hàng quán, nhà hàng tiệc cưới nhưng đáng thương cho một đứa sinh viên nhà quê, chẳng ai thật sự đồng cảm để cho nó một công việc đường hoàng. Tôi chợt nhớ ra rằng mình đang đứng trên đất Sài Gòn chứ không phải miền quê quen thuộc. Cuối cùng tôi cũng tìm được công việc phát tờ rơi xem như món thu nhập tạm thời, thấy mình thật bé nhỏ và yếu đuối.
Trước mắt tôi vẫn còn đó bốn năm trời đằng đẵng, còn bao nhiêu sóng gió đang sẵn sàng vùi dập cuộc đời tôi, đôi chân tôi còn đứng vững được bao lâu? Điều khiến tôi dằn vặt nhất, ân hận nhất chính là tôi quá yếu đuối, quá dại khờ, đã đánh mất nụ cười trong sáng. Song tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình, vẫn trải dài bước chân trên những đoạn đường đời rộng hẹp. Dù đôi chân có trầy sướt, dù con người có xanh xao gầy guộc, có tiều tụy, tàn phai thì tôi vẫn cứ đi nhưng không tự huyễn hoặc mình rằng cứ đi ắt sẽ đến. Tôi đi để trả nghĩa cho những tấm lòng, để trả ơn đời và trả luôn những món nợ của cuộc đời.
Hà Hải Thiên