Để lại tài sản cho riêng con mình: Sai lầm khi con gái, con rể cũng là con?

PV

(Dân trí) - Người mẹ lập di chúc để lại tài sản là căn nhà cho riêng con gái. Con rể tỏ vẻ khó chịu và cho rằng, bà phân biệt đối xử, chỉ vì mảnh đất mà làm gia đình thiếu hòa thuận.

Câu chuyện "Để lại tài sản cho con gái, tôi buồn tủi khi bị con rể ghét bỏ" đang thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả.

Đây là tâm sự của người phụ nữ có chồng mất sớm, ở vậy nuôi con. Con gái đã đi lấy chồng, nhưng hai vợ chồng con vẫn ở cùng bà.

Theo quan sát của người mẹ, con rể không phải người hiền lành, hay bắt nạt vợ. Người con gái lại rất nghe lời chồng nên bà sợ có ngày con rể không yêu thương con gái nữa thì thiệt thòi cho con. Do vậy, bà bàn riêng với con, tài sản thừa kế là căn nhà sẽ sang tên cho một mình con gái.

Bà đã chọn phương án lập di chúc để lại tài sản cho con gái. Sau này bà qua đời, con mới được làm thủ tục nhận tài sản. Sau khi nói với các con ý định của mình, cả con rể và con gái đều tỏ ra không vui vẻ.

Từ hôm đó trở đi, con rể tỏ thái độ ra mặt, không chỉ tránh giáp mặt với bà, còn cố tình đi làm về muộn, hạn chế nói chuyện với mọi người trong nhà.

Con gái sợ chồng giận, rối rít chiều chuộng chồng, còn trách người mẹ cư xử thiếu tinh tế, làm ảnh hưởng đến không khí gia đình. Vợ chồng con gái thậm chí muốn dọn ra ở riêng vì con rể ấm ức cho rằng, mẹ vợ không thích con rể nên phân biệt đối xử, chỉ vì mảnh đất mà làm gia đình thiếu hòa thuận.

Để lại tài sản cho riêng con mình: Sai lầm khi con gái, con rể cũng là con? - 1

Mẹ bị hai vợ chồng con trách móc khi quyết định chỉ để lại tài sản cho riêng con gái (Ảnh minh họa: ShutterStock).

"Con rể đủ tốt thì vẫn ở đó, còn không thì cứ ra đi"

Tình huống trên sau khi đăng tải nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều độc giả đồng tình với quyết định của người mẹ, cho rằng bà không cần cảm thấy áy náy với con rể.

"Bà làm vậy thì càng thấy lộ rõ chân tướng của chàng rể. Bà cứ làm theo nguyện vọng của mình, là sang tên riêng cho con gái. Nếu con rể muốn dọn ra ngoài thì cứ để anh ấy đi và không giữ làm gì, vì anh ấy muốn như thế.

Bà không cần suy nghĩ nhiều, cứ sang tên tài sản cho con gái. Người con rể đủ tốt thì vẫn ở đó, còn không thì cứ ra đi", độc giả Vũ Nguyễn bình luận.

"Người mẹ quyết định đúng quá rồi. Đàn ông tài giỏi, có lòng tự trọng sẽ khác. Họ sẽ vui vẻ và tự lo cuộc đời của mình chứ không phải trông chờ vào tiền của nhà vợ", tài khoản Thủy Nguyễn Vitus nêu quan điểm.

"Theo luật, con rể không phải là người thừa kế và hoàn toàn không có quyền đòi hỏi gì. Đáng ra khi bà lập di chúc như vậy, anh ta phải rất biết ơn mới phải. Vì tài sản của vợ nhưng thực tế, anh ta cũng được hưởng cơ mà.

Đối với một người tham lam như vậy, chẳng biết thế nào cho vừa đâu. Người mẹ cũng nên phân tích cho con gái nhìn rõ bộ mặt thật của con rể để cô ấy mạnh mẽ và có cách ứng phó với chồng", Bình Hoàng cho hay.

Để lại tài sản cho riêng con mình: Sai lầm khi con gái, con rể cũng là con? - 2

Câu chuyện thừa kế tài sản luôn gây ra nhiều tranh cãi trong gia đình (Ảnh minh họa: Adobe Stock).

"Con gái hay con rể thì cũng là con"

Trong khi đó, một số độc giả cho rằng, người mẹ đang thiên vị con gái. Vì khi người con rể chấp nhận ở rể, anh đã dành nhiều thời gian, tình cảm cho gia đình vợ. Do đó, anh cũng xứng đáng có tên trong danh sách thừa kế.

"Có một vài vấn đề mà chúng ta nên cân nhắc. Thứ nhất, bố mẹ vẫn nói là con nào cũng là con, con dâu, con rể đều là con của mình. Nhưng khi trao quyền thừa kế thì lại chỉ cho con mình? Có cái gì đó sai sai.

Thứ hai, con rể sống chung sẽ phải chia sẻ công việc và chăm lo cho gia đình vợ hơn nhà mình. Không ai muốn chăm sóc, vun vén một thứ mà sau này không thuộc về mình. Di chúc chỉ nên công bố sau khi mất, vì qua đời là hết. Bây giờ cứ soạn ra để đấy, có thể chỉnh sửa được mà", độc giả Phamtriquang Pham bình luận.

"Miệng thì nói con nào cũng là con, dâu rể đều là con hết nhưng khi phân chia tài sản thì chỉ cho riêng. Nhiều con dâu, con rể không ra gì thì không nói. Nhưng những người sống tử tế, đàng hoàng, chăm lo cho bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng thì điều này đúng là ứa nước mắt, vì vẫn không được xem là con đúng nghĩa.

Chung quy lại, tài sản của mình khi mất đi là để lại cho con cháu, rồi đến lượt con cái mình về già cũng làm vậy. Nếu tính toán sợ tài sản đó con dâu, con rể ăn mất thì khi nhắm mắt cũng không yên", độc giả Nguyễn Hưng viết.

"Theo ý kiến của tôi, bà đã làm một việc đúng. Nhưng cách làm lại chưa hợp lý vì bà chưa tìm hiểu kỹ tính cách và hoàn cảnh của con rể nên bà nhận ngay kết quả không như mong đợi.

Như thông tin hiện tại, bà nên làm như sau: Nói chuyện lại với con gái và tìm cách lựa lời nói chuyện với con rể để anh ta hiểu như các bạn văn phòng công chứng đã phân tích (tài sản bố mẹ cho tặng là tài sản riêng) sau này tùy thuộc vào cách xử lý của con gái bà có đưa vào tài sản chung hay không?

Hoặc bà có thể phớt lờ thái độ của cậu con rể. Nếu thái độ không hay thì mời ra ở riêng, bà có thể chọn ở nhà hay bán đi tùy thuộc vào số tiền và tài sản của bà. Bà nên nhớ, nhà và tiền đều có thể quy đổi ra giá trị ngang nhau nên đừng lo giữ cái nhà", người dùng Xuân Nguyên Vũ thảo luận.

Tuệ Đan