Dâu trưởng: Được tiếng khen, ho hen cả người

“Trưởng tôn, trưởng đinh” là câu cửa miệng đầy trọng vọng của dân gian khi nói đến “chức phận” con cái trong nhà. Đặc biệt là khi trưởng tôn đó lấy vợ, kéo theo những nàng dâu… “bỗng dưng cũng thành trưởng…”. Và những chuyện buồn vui theo từng nhịp “trưởng” cũng từ đó mà ra.

Bạn bè, người quen ai cũng mừng cho Ngân tốt số khi lấy được anh chồng có một ngôi nhà mặt phố to đùng ở quận Gò Vấp. Nhưng có ở trong cảnh mới biết “nhà to lo nhiều”. Nội cái lau chùi, quét dọn cũng không “phình thường” nổi, mà Ngân thì vẫn phải đi làm. Bà mẹ chồng lại thuộc hàng lão bà khó tính nên đến khi em trai chồng lấy vợ, Ngân mừng rơn, tưởng được chia bớt phần lo. Ai dè, cậu em tuyên bố ra riêng, thế là “mèo vẫn an phận mèo”.

Dâu trưởng: Được tiếng khen, ho hen cả người




Sau việc ở, đến việc ăn. Mọi chi tiêu trong nhà gia đình chồng được “mặc nhiên quy hoạch” đó là ngân sách do vợ chồng Ngân phụ trách. Dù biết không quan hệ, sẽ ít đụng chạm, nhưng Ngân vẫn hay dòn ngó cô em dâu kế, đang ở riêng. Ngân quan sát thấy cô này thật “kẹo”, dù tuổi trẻ tài cao, luôn niệng khoe cả vợ lẫn chồng có thu nhập cao, thế mà mỗi tháng về thăm cha mẹ chồng, chỉ đi chợ mua được một, hai bữa ăn, ngày Tết biếu mẹ chồng không quá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, cô em dâu thứ lại luôn miệng khen chị dâu trưởng đúng là người phụ nữ…thời đại: vừa đảm việc nước, lại giỏi việc nhà, khéo chiều chồng, chăm con lại lo cả cho dòng họ nhà chồng.. “Vậy mới là dâu trưởng chớ!”.

Được tiếng thơm như thế, nhưng hao lắm, bố mẹ chồng đi du lịch với bạn bè, được bao tiền xe, chỉ tốn tiền ăn, không lẽ có gần triệu đồng, mà dâu trưởng gọi dâu thứ để cưa đôi, thôi thì dâu trưởng chi, rồi trong phòng mẹ chồng, tự dưng gạch sàn tróc lên, tốn 3 triệu đồng, để lát gạch lại, mẹ chồng gọi dâu trưởng, chứ có gọi dâu thứ đâu. Dâu trưởng lại ra máy ATM, rút tiền, vừa chép miệng, nhưng vừa cảm thấy được ủi an vì mẹ chồng hay tâm sự với dâu trưởng rằng: “mẹ ngại gọi cho vợ chồng nó, may mà còn có con, mẹ coi con như con gái”…

Nhà mẹ chồng, một năm có bốn đám giỗ của ông bà nội ngoại của chồng, dâu trưởng quên, là có chuyện lớn. Dâu thứ mang trái cây, bia, về nhà chồng trước một ngày được coi là có hiếu, phần còn lại là việc của dâu trưởng, lên thực đơn, nấu, bày ra mâm cúng, rồi dọn. Xong đám giỗ, dâu trưởng phờ phạc, nghe bà con đến ăn giỗ khen cũng cười chứ vui hổng nổi. Tết, dâu thứ cùng chồng sang mừng tuổi bố mẹ chồng, biếu quà, rồi xin phép đi du lịch. “Dâu trưởng đi ai lo dọn bữa cho ông bà đã khuất về ăn Tết?”. Bà mẹ chồng hỏi nhỏ thôi, nhưng dâu trưởng nghe như một chỉ đạo có tính truyền thống gia đình.

Thì cũng phải ráng, nhưng Ngân nhiều lúc cũng “buôn than” với chồng: rán dầu, rán mỡ, chớ ai nỡ rán… dâu hoài! Em oải quá. Có con gái, nhất định không gã cho trai trưởng!

Đối phó “Giặc bên Ngô”

Ngoài 30 tuổi, Nhàn mới lập gia đình, Nhàn là con gái út trong một gia đình không giàu lắm nhưng bố mẹ dư sức chiều con như một cô công chúa. Vì thế, khi ôm chức dâu trưởng, Nhàn từ vị trí công chúa chuyển sang cô bé lọ lem.

Gia đình chồng cô có tinh thần anh em đùm bọc lẫn nhau. Ba mẹ đã về hưu, già yếu, vậy là Nhàn phải cùng chồng lo tìm việc làm cho cậu em trai của chồng, vừa tư vấn cho em chuyện chọn vợ, rồi lại còn giúp em việc cưới hỏi…Tốn tiền không nói mà công sức, thời gian đổ vào trách nhiệm làm chị dâu trưởng bạc cả mặt. Chưa hết, nhà còn cô em chồng mới ngoài đôi mươi, đang học đại học dân lập, về nhà, vào phòng riêng, trùm chăn, nghe nhạc…Đến giờ cơm tối, hiếm khi thấy cô em chồng ngồi trong mâm cùng gia đình, vì bận đi chợi, đi tập thể dục… Việc để dành thức ăn cho cô em, rồi phải dọn chén bát hai ba đợt khiến dâu trưởng phát mệt. Nhưng mẹ chồng lại thấy đó là chuyện bình thường: em nó quen rồi con, từ nhỏ đến giờ, nó không vô bếp, con không để dành thức ăn, nó ăn gói mì cũng xong bữa…

Vậy là dâu trưởng gồng mình lấy lòng cô em chồng. Cô này thích điệu, nhưng chưa sành, nên chị dâu trưởng có cơ hội để kết bạn làm thân. Cũng nhiêu khê lắm, vì cô em gái thích chê hơn khen, thích nói hơn nghe, thích đi chơi hơn làm…chị dâu trưởng phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Nhàn than thở với chồng: “Em làm vợ, làm mẹ dù biết vất vả, vẫn ham làm, không để ai làm thay, chứ làm dâu trưởng mệt quá, muốn đẩy mà không biết đẩy cho ai…”. Chồng cô động viên: “May cho em, chứ ngày xưa mẹ anh làm dâu trưởng, có cả 7 đứa em chồng, lo cả chuyện giỗ chạp cho cả họ”. Nhàn vẫn chưa hết lo: “Mới về nhà chồng chưa đến một năm, đã muốn kiệt sức rồi, còn sống cả đời, không biết đủ sức làm dâu trưởng không?”.

Theo Tuổi Trẻ Cười

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm