Đau lòng mẹ già 80 tuổi hàng tháng “luân phiên” ở trọ nhà các con trai
Chỉ vì thương anh trai thứ tư, thấy con bị sa cơ lỡ vận mà mẹ tôi đã bán đất để trả nợ cho con, nhưng cũng vì thế mà các anh còn lại của tôi quay ra đối xử ác nghiệt, lạnh lùng với mẹ.
Bố mẹ tôi sinh được năm anh em, tôi là út trên tôi có 4 anh trai. Dựng vợ gả chồng cho các con xong thì bố tôi qua đời vì bạo bệnh. Tuy nhà không giàu có gì nhưng đất đai của ông bà để lại khá nhiều. Khi tốc độ đô thị hóa lan nhanh về đến các vùng quê thì khu đất nằm trên tuyến đường liên xã của bố mẹ bỗng chốc có giá.
Các anh tôi đều muốn mẹ phải chia đất rõ ràng và công bằng để họ an cư lạc nghiệp. Mẹ tôi chia đất làm năm phần, mỗi anh trai một mảnh bằng nhau, còn một mảnh để mẹ ở dưỡng già và nói nếu khi nào tôi cần sẽ cho tôi. Tôi lấy chồng xa rồi theo chồng vào Nam lập nghiệp nên lúc đó cũng không suy nghĩ gì nhiều.
Từ khi được chia đất, các anh trai tôi đều lao vào làm ăn, buôn bán và đều khấm khá. Trong bốn anh, có anh thứ tư tính tình ham chơi lêu lổng từ bé. Ngày còn đi học nhiều khi đã bị nhà trường mời phụ huynh đến nói chuyện. Lấy vợ xong, anh vẫn tính nào tật ấy, lười làm ham chơi lại muốn kiếm nhiều tiền nên lao vào “buôn tiền” - cho vay nặng lãi. Được dăm ba năm, “sự nghiệp” đang lên như diều gặp gió thì không ngờ anh bị lừa đảo, bỗng chốc tiền bạc tiêu tan, không những trắng tay mà còn rơi vào cảnh nợ nần bạc tỷ.
Ngày nào chủ nợ cũng đến hăm dọa nếu không trả sẽ chém chết và xiết nhà. Mẹ thương phận thằng tư lận đận, vợ con nheo nhóc nên đành bán miếng đất dưỡng già đi trả nợ cho em, bất chấp sự phản đối kịch liệt của ba người anh.
Bức xúc vì quyết định của mẹ, anh cả tôi hùng hổ: “Nó lớn rồi, nó làm nó chịu, bà già rồi có theo nó được mãi không mà bán đất đi trả nợ cho nó. Hôm nay nó trắng tay thì bà bán đất, thế ngày mai nó lại phá sản thì bà lấy cái gì mà bán để lo cho nó, bán cái xác khô à?”. Mẹ tôi chỉ biết ứa nước mắt giàn giụa: “Thế tao đẻ nó ra tao không lo cho nó thì để người ta giết nó à, chúng mày không thương em thì cũng phải thương cháu chúng mày chứ”.
Sau chuyện đó, mẹ tôi về ở với vợ chồng anh thứ tư nhưng một thời gian bà với vỡ lẽ, số tiền bán đất mới trả được phân nửa số nợ, nên ngày ngày người ta vẫn kéo đến nhà phá phách đòi tiền. Không còn cách nào khác, anh tư đành phải bán nhà để trả nốt nợ rồi ôm con về nhà vợ ăn nhờ ở đậu.
Thương mẹ mà tôi không biết phải làm sao, phận gái đã lấy chồng tôi không thể đón mẹ về ở cùng. (Ảnh: IT)
Sau chuyện của anh tư, mẹ tôi tiều tụy đi trông thấy. Chẳng còn đất còn nhà, mẹ bỗng thành người vô gia cư. Các anh trai phải họp nhau lại để quyết định ai sẽ nuôi dưỡng mẹ nhưng tất thảy đều viện lý do này, lý do kia để từ chối trách nhiệm. Sau cùng, mọi người đều thống nhất với phương án là mỗi người sẽ nuôi mẹ một tháng, đầu tháng mẹ sẽ đến ở nhà anh cả, cuối tháng sẽ sang nhà anh hai và tiếp tục luân phiên sang nhà anh ba.
Tôi phản đối phương án đó thì các anh quát lớn: “Mày giỏi thì mày mang mẹ vào Nam mà nuôi”. Tôi có bàn với chồng và anh đồng ý đưa mẹ vào Nam nhưng mẹ không muốn xa quê. Mẹ nói còn phải ở đây lo mồ mả, hương khói cho bố. Nghe các con bàn tính mà nước mắt mẹ chảy ngược vào trong.
Vậy là, cứ mỗi cuối tháng, mẹ tôi lại phải gói gém đồ đạc để “chuyển nhà”. Khăn gói quả mướp, mẹ lại lủi thủi sang “nhà mới” mà lòng nặng trĩu. Làng xóm nhìn vào có lời qua tiếng lại chê bai thì mẹ cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay gượng cười: “Ở thế lại vui các bác ạ, nay được trông cháu này, mai được gần cháu kia”.
Biết mẹ phiền não, đêm nào cũng khóc, tôi cũng nhiều lần gọi điện nói chuyện với các anh, nhưng anh nào cũng hậm hực chuyện mẹ bán đất lo cho anh thứ tư nên không ai muốn nhận trách nhiệm phụng dưỡng mẹ lâu dài. Lại thêm các bà chị dâu “nhiều chuyện” lúc nào cũng ngấm nguýt nói ra nói vào các anh.
Gần đây, nhiều lần tôi thấy mẹ thở ngắn than dài tâm sự qua điện thoại: “Con ơi, hay là mẹ treo cổ chết quách đi cho đỡ nhục, sống thế này tao thấy nhục quá”. Thương mẹ mà tôi không biết phải làm sao, phận gái đã lấy chồng tôi không thể đón mẹ về ở cùng trong khi các anh trai thì lại bạc bẽo vô ơn?
Theo Khánh Hiền
Dân Việt