Dằn vặt vợ một chữ trinh
Khi được vị hôn phu bỏ qua việc “thất thân” với người yêu cũ, Huyền nghĩ đám cưới là đoạn kết có hậu của chuyện tình. Không ngờ nó lại mở đầu cho cuộc hôn nhân đầy bất hạnh.
Huyền quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, năm nay 36 tuổi, lấy chồng cách đây 9 năm. Các bạn thân và chính chị từng thở phào khi Khương quay lại, nửa tháng sau ngày chị thú thật với anh chuyện mình không còn con gái qua mối tình đầu tiên.
Khương nói rất đau khổ vì sự thật đó, nhưng vì không thể sống thiếu Huyền nên quyết định bỏ qua, và tiến hành đám cưới đúng như dự định của hai gia đình.
“Tha thứ”, nhưng hành cho bõ hận
Sau đêm tân hôn thất bại, Huyền nuốt nước mắt tự nhủ, đành chịu khó ít lâu, rồi mọi chuyện sẽ qua, với tình yêu, sự bao dung của người chồng và sự sám hối chân thành của người vợ.
Nhưng càng ngày, chị càng hiểu, Khương không bao giờ từ bỏ được nỗi ám ảnh rằng trước mình, một người đàn ông khác đã “sở hữu” chị. Thô bạo khi ân ái, đang âu yếm bỗng lạnh lùng đẩy vợ ra, căn vặn từng câu vợ nói khi mơ ngủ, hay nhấn mạnh một cách cố ý đến tiết hạnh của phụ nữ... là những cách anh muốn nhắc cho vợ nhớ chị đã có lỗi lớn như thế nào.
Huyền bị chồng kiểm soát chặt giờ giấc, các kênh liên lạc, giao tiếp nhưng không dám phàn nàn. Chị tự nguyện cắt các mối quan hệ với bạn bè cũ, hết giờ làm chỉ thui thủi về nhà lo chuyện bếp núc, chăm con, hiếu thuận với bố mẹ chồng. Nhưng Huyền càng cúc cung tận tuỵ, đức lang quân của chị càng tỏ ra cay đắng.
“Cô biết không, dù cô có cố bù đắp thế nào cũng không bù được sự thiệt thòi, mất mát của tôi”, anh nói trong một lần say rượu. “Không biết kiếp trước tôi nợ cô cái gì mà kiếp này, cô tệ với tôi thế nhưng tôi vẫn không bỏ được cô”. Anh nói vậy vì đã có lần, cảm thấy quá bế tắc, Huyền đề nghị chia tay, “coi như em chịu cô đơn suốt đời để giải phóng cho anh”. Nhưng Khương không đồng ý, bởi anh vẫn yêu vợ.
Những năm gần đây, anh ít nhắc đến “sự cố” đó, nhưng chỉ cần một sơ suất của Huyền như về muộn, nói chuyện vui vẻ với người khác giới, hoặc vô tình xem một bộ phim có chi tiết “nhạy cảm” là anh lại nhớ ra...
Chuyện nhà anh Tùng, 40 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội, cũng chẳng vui vẻ gì sau đám cưới. “Hồi trẻ tôi đúng là một thằng ngu, thích tỏ ra cao thượng, cũng tại vì mê cô quá nên cả đời tôi mới mắc kẹt vào thứ đàn bà hư hỏng như cô”, những lúc lên cơn ghen, Tùng thường nói với vợ như vậy.
Bây giờ, cơn say đắm đã qua nhưng anh cũng không thể ly dị được nữa vì đã có hai mặt con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng không mê đắm nữa không có nghĩa là anh không nổi cơn tam bành khi thấy chị Yến lỡ nói chuyện với đàn ông, dù là chỉ đường hay trả lời câu người ta hỏi. Vợ có cái áo mới, anh cũng khó chịu: “Đầu sắp hai thứ tóc tồi, cô định làm đỏm để chài thằng nào nữa hay sao? Tôi cục cằn quá nên cô chán chứ gì? Cô có biết vì ai...”.
Vì cho là mình đã cao thượng, hoặc dại dột nên đã tha thứ và cưới một người đàn bà không còn trong trắng, Tùng cho rằng vợ phải biết thân biết phận, và đền đáp ơn nghĩa đó một cách xứng đáng.
Chị Yến không được phép ngần ngừ khi chu cấp cho nhà chồng, không chỉ bố mẹ mà cả mấy cô em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng với nhà ngoại thì dù biếu hộp bánh cũng phải hỏi ý anh, và thường Tùng không đồng ý. Không phải anh keo kiệt, anh muốn trả thù vợ, và có ý “cú” ông bà nhạc không biết dạy con, để con gái đánh mất chữ hạnh khi mới vào tuổi thành niên.
Hôm nào cơm canh không được như ý, Tùng chê đứng chê ngồi, có hôm còn điên tiết hất đổ cả mâm: “Đã là đàn bà thì phải có đủ công dung ngôn hạnh, cô chả có gì thì cũng cố mà rèn chữ công để hầu chồng chứ?”. Những lúc ấy, Yến lại nhẫn nhục chịu đựng. Chị nghĩ đó là cái giá mình phải trả cho lầm lỡ của tuổi trẻ, và cho sự thiệt thòi của chồng.
Không thể bỏ qua, thà đừng cưới
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, có vô số cuộc hôn nhân trở nên bất hạnh vì ông chồng ám ảnh việc người vợ từng “với người khác” trước khi đến với mình. Lúc được nghe “thú nhận”, họ vì yêu nên sau những dằn vặt đã quyết định bỏ qua và vẫn đến với nhau, nhưng sau đó đã không quên được chuyện cũ, và điều này gây bi kịch cho cả hai người.
Chuyên gia Hồng Hà cho rằng: “Người vợ có tội lớn khi đã không dành được “lần đầu tiên” cho chồng, và người chồng đã bị thiệt thòi, bị xúc phạm. Vì lẽ đó, nhiều phụ nữ trở nên nhẫn nhục, chịu đựng mọi cách cư xử vô lý của bạn đời, còn ông chồng thì tự cho phép mình làm ông chủ, đòi hỏi vợ xứng đáng với sự tha thứ, đó là thứ định kiến gây thiệt thòi cho người phụ nữ.
Vì vậy, vấn đề ở đây là phải có cái nhìn khác về “sự thật” mà người vợ bày tỏ. Về phía người phụ nữ, theo bà Hồng Hà, cần tôn trọng bản thân, khi nói ra việc đó là để trung thực với người yêu, chồng chưa cưới chứ không phải để cầu xin sự tha thứ. Nếu nghĩ rằng việc đó khiến mình giảm giá trị và trở nên tự ti, mặc cảm thì người khác càng có cơ hội cư xử thiếu tôn trọng. Về phía người đàn ông, là người đến sau, anh ta không nên nghĩ vợ có lỗi với mình.
Tuy nhiên, bà Hồng Hà cũng cho rằng, việc người phụ nữ không “còn nguyên” trước khi lấy chồng có đáng phê phán hay không tủy thuộc vào quan điểm từng người. Điều quan trọng là khi người phụ nữ thông báo sự thật đó, người đàn ông nên suy xét kỹ: Sự việc có ý nghĩa như thế nào đối với anh ta. Nếu đối với anh ta, đó là một tội lỗi đáng phê phán, một điều gây đau khổ thì nên nghĩ kỹ xem mình có thể vượt qua được để sống hạnh phúc với nhau không.
Trong trường hợp này, anh ta cần trung thực và hiểu rõ bản thân. Nếu như biết mình không thể vượt qua chuyện đó, tốt nhất là đừng làm đám cưới, vì sẽ không thể có hạnh phúc..
Theo Báo Đất Việt