Đàn ông phá hủy hôn nhân theo cách nào? (3): Không bao giờ nói “xin lỗi vợ"

Đến cơ quan chậm 10 phút, anh chồng rối rít xin lỗi sếp. Trễ hẹn với bạn 1 tiếng, anh chồng gọi điện xin lỗi bạn. Nhưng gây ra bao nhiêu lỗi lầm với vợ, chưa bao giờ người chồng nói câu "xin lỗi".

Chị bạn tôi kể với tôi rằng, chồng chị không bao giờ nói lời xin lỗi vợ. “Anh ấy có thể nhận ra lỗi, có thể trong tâm rất muốn xin lỗi vợ nhưng tuyệt nhiên không bao giờ mở lời”, chị bạn tôi nói.

Chị kể, một lần đi nhậu với đồng nghiệp về muộn. Vì giận chồng nên lúc chồng về chị lì mặt ra không nói gì. Một phần do say, một phần cảm thấy bị vợ coi thường, chồng chị đã đánh chị. Tuy nhiên sáng sớm ngủ dậy, chồng chị lại bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Khi hai vợ chồng gần gũi, chị nói thẳng với anh rằng: chị không thể quên được cái việc bị chồng đánh, chị không thể tha thứ được cho việc anh xâm phạm chị như vậy cho dù bất cứ nguyên nhân gì. Thế nhưng chồng chị chỉ cười rồi nói: em chấp gì người say. Anh sẽ không uống rượu nữa là được chứ gì! “Anh ấy chỉ nói như vậy và nhất quyết không nói lời xin lỗi”, chị nói.

Cứ sau mỗi lần gây ra lỗi như vậy, chồng chị bạn tôi thường mua nhẫn, mua dây chuyền hoặc mua điện thoại để tặng vợ như để thay cho lời xin lỗi. Những lúc bình thường ngồi nói chuyện, chồng chị thể hiện quan điểm rằng: đàn ông mà đi xin lỗi vợ thì còn gì thể diện của thằng đàn ông!?.

Khi tìm hiểu thì thấy rằng, không chỉ chồng chị bạn tôi mà có khá nhiều đàn ông Việt có tư tưởng này. Có người ra đường hay đến cơ quan, họ rất là mau mồm mau miệng xin lỗi người khác nhưng về nhà tuyệt nhiên không bao giờ làm cái việc được cho là lịch sự như vậy. Trễ hẹn với bạn, trễ hẹn với sếp thì xin lỗi rối rít nhưng trễ hẹn với vợ thì xem như đó là việc hiển nhiên là như vậy.

 

Đàn ông phá hủy hôn nhân theo cách nào? (3): Không bao giờ nói “xin lỗi vợ - 2

Không ít đàn ông rất khó nói câu "xin lỗi vợ" mặc dù trong lòng rất hối lỗi. Ảnh minh họa
 

 

Một người vợ tâm sự rằng: Một lần thấy chồng xin lỗi sếp vì tới muộn mất 10 phút, chị thấy lòng mình như rơi rụng. Bởi không biết bao nhiêu lần chồng chị tụ tập bạn bè về muộn mà chưa một lần anh mở lời xin lỗi vợ. Cũng đã không biết bao nhiêu bận anh hẹn vợ mà trễ, hoặc có lần thậm chí không tới, anh cũng chưa một lần xin lỗi. Chị cảm thấy dường như chồng không coi trọng mình. Bởi không coi trọng vợ nên anh ấy mới mặc nhiên làm những điều có lỗi và không cảm thấy phải áy náy gì…!

Vì cái sĩ diện của đàn ông theo tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ nên nhiều người xem việc xin lỗi vợ là làm mất mặt mình. Không ít các ông chồng cho rằng, họ là chủ gia đình nên những người “dưới quyền” phải nghe. Vợ là một trong những người dưới quyền đó. Ngay cả khi chồng có sai thì vợ cũng không nên cãi chồng, vì như vậy là làm hỏng cái tôn ti trật tự trong nhà. Đây được coi là tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” còn sót lại. Đa số phụ nữ ngày nay đều dị ứng với đàn ông mang nặng tư tưởng gia trưởng này.

Theo các chuyên gia, ở hầu hết những cuộc hôn nhân có xung đột mâu thuẫn là do đàn ông không chịu hạ mình xin lỗi vợ. Từ chối nói lời xin lỗi thực chất là cách làm khổ bản thân mình nhất. Vì không chịu hạ mình, vì luôn cho mình là quan trọng nên đàn ông thường tự tạo ra khoảng cách với vợ.

Nhiều ông chồng xem lời xin lỗi là dấu hiệu chắc chắn của sự yếu đuối. Họ nghĩ, "Nếu tôi xin lỗi, cô ấy sẽ không tôn trọng tôi". Thực ra đây là một ý nghĩ vô cùng sai lầm.

Một người đàn ông biết tôn trọng phụ nữ, lịch sự với vợ thực tế luôn là người được chị em nể trọng nhất. Xin lỗi vợ cho thấy bạn là người khiêm tốn và hiểu biết.

Đôi khi một lời xin lỗi từ chồng có tác dụng như một liều thuốc chữa lành trái tim chị em phụ nữ. Nó có tác dụng làm xoa dịu tinh thần của các bà vợ.

Hơn nữa, khi một người chồng xin lỗi vợ là đồng nghĩa với việc họ cởi mở và sẵn sàng làm mọi thứ mà người phụ nữ của mình quan tâm để thừa nhận lỗi lầm và để sửa sai.

Mâu thuẫn xung đột vợ chồng tạo nên sự mệt mỏi cho cả hai người nhưng một lời xin lỗi có thể hóa giải được tất cả những mâu thuẫn đó. Khi bạn xin lỗi vợ là bạn đang nói lên một cách rõ ràng về tình yêu mà bạn đang dành cho vợ mình. Đó là cách bạn mang đến sự bình yên, không chỉ cho vợ bạn mà cho cả chính bạn.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội