Bàn tròn:
Đàn ông cũng phải ăn, phải nói, phải làm
(Dân trí) - “Thế thì có lý gì lại phân biệt đàn ông - đàn bà trong cáng đáng việc nhà, cùng nhau chia sẻ gánh nặng để mỗi người được sống vui hơn!”
Đó là ý kiến của bạn đọc Phan Thị Huyền Trang trong chia sẻ về vấn đề nhìn nhận chuyện đàn ông giúp vợ việc nhà:
“Tôi rất hoan nghênh những ông chồng biết lo cho gia đình, biết giúp đỡ vợ, ngày xưa đàn ông đi làm còn đàn bà ở nhà lo cơm nước, con cái, thế nhưng bây giờ đàn bà cũng phải đi làm từ sáng tới chiều, vậy mà về thì các ông được đọc sách, xem tivi trong khi đó đàn bà chúng tôi phải chợ búa, cơm nước, con cái, chẳng may không chu toàn thì các ông chê bôi bảo đoảng, bảo chậm. Các ông cứ thử làm xem có mệt không. Những khi con ốm đau mà đàn ông không quan tâm đỡ đần vợ là góp phần tạo ra một xã hội bất công, cổ hủ lạc hậu. Chỉ khổ người phụ nữ, thiệt mọi đường, cứ hi sinh bản thân cho chồng con nhưng chồng chẳng hiểu những hi sinh ấy. Nếu sau này tôi có con trai, tôi sẽ dạy nó cách lao động, giúp đỡ chia sẻ với người khác, và mong là xã hội bình đẳng, đàn ông cũng phải biết chia sẻ việc nhà với phụ nữ”.
Bạn Nguyễn Tân, một độc giả nam cũng bày tỏ, đàn ông cho rằng công việc nội chợ như nấu cơm, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo... là của vợ, còn mình chỉ đi kiếm tiền rồi ăn uống chè chén, xem ti vi là đàn ông sĩ diện hão. Ngôi nhà là của chung, mọi người đều phải có trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau: “Tôi kết hôn 19 năm rồi, công việc của tôi rất bận. Ngoài làm công tác quản lý tôi còn kiêm luôn cả công việc chống buôn lậu và hàng giả. Mặc dù tôi làm việc cách nhà 10 km nhưng có khi cả tuần mới về nhà. Đợt nào được về nhà thường xuyên, tôi giúp vợ nấu cơm rửa bát và dọn nhà là chuyện thường. Chia sẻ công việc nhà với vợ con là trách nhiệm, có gì mà xấu hổ. Người sống gia trưởng, bê tha lười nhác mới đáng chê cười chứ siêng năng biết thông cảm và chia sẻ mọi công việc với vợ thì quá lý tưởng...”.
Cũng đồng tình với đàn ông giúp đỡ vợ việc nhà, bạn đọc Nguyễn Thị Hương Giang ví von: “Nếu người phụ nữ mà lấy phải chồng vũ phu, độc đoán thì thiên hạ bàn tán, thương hại cô ấy kiểu: “ngày xưa nó lấy thằng X hiền lành có phải đỡ khổ không?”, “khổ thân vợ thằng Y suốt ngày đầu tắt mặt tối...”, nhưng cô ấy mà lấy được chồng thương vợ, biết quan tâm chia sẻ thì cũng lại bị không ít kẻ soi mói, gièm pha. Có lẽ đây là thói đời rỗi việc. Mình không hiểu là những người xung quanh có đặt mình vào vị trí của người chồng, người vợ kia mà suy nghĩ không?
Người phụ nữ chỉ cần gặp được chồng tử tế, biết chia sẻ, quan tâm tới vợ dù chỉ là những hành động đơn giản như giúp vợ trông con để họ đi nấu ăn, nhặt rau giúp vợ, nấu cho vợ bát cháo khi vợ ốm thì đó đã là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Còn đối với người chồng, khi được cùng vợ chăm sóc gia đình bé nhỏ của mình thì người ta sẽ có cảm giác mình là một phần quan trọng trong gia đình đó.
Đôi khi, những suy nghĩ, những sự quan tâm đơn giản đó lại là ngọn lửa sưởi ấm hạnh phúc gia đình. Tôi mong những người hàng xóm kia thay vì đi “quan tâm” thái quá tới gia đình hàng xóm, hãy thử một lần thôi nghĩ xem mình đã giúp gì cho vợ; đối với vợ con, mình được họ tôn trọng vì sợ hay tôn trọng vì tình yêu thương thật sự?
Còn anh chồng tuyệt vời ơi hãy cứ tuyệt vời như thế nhé. Đừng để ý tới những lời nói xung quanh mà làm vỡ không khí đầm ấm của gia đình. Bạn là người đàn ông lý tưởng mà bà vợ nào cũng muốn có”.
Các ý kiến quanh chủ đề bàn tròn “Đàn ông giúp vợ việc nhà” vẫn đang còn rất nóng. Đa phần phản hồi bạn đọc đều cho rằng chồng giúp đỡ vợ những công việc xưa nay vốn được coi như “việc đàn bà” là một cách sống văn minh.
Những ý kiến ủng hộ “người đàn ông lý tưởng” xắn tay áo giúp vợ việc vặt vẫn đang lấn lướt quan điểm cho rằng đàn ông rửa rau vo gạo cứ “yếu yếu, hèn hèn”. Nếu bạn có ý kiến trái ngược với những quan điểm đã nêu trên, nếu bạn cho rằng “nam nhi đại trượng phu không thể vào bếp”, hãy cùng tranh luận nhé!