Muốn tử tế cũng khó

(Dân trí) - Anh lớn lên trong một gia đình tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề, mọi việc lớn bé to nhỏ đều đến tay mẹ anh. Thương mẹ nên lúc nào anh cũng nhủ mình phải trở thành người tốt, là chỗ dựa cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm.

Muốn tử tế cũng khó



Suy nghĩ của anh vấp phải chông gai khi mọi người không quen nhìn đàn ông tay chân thoăn thoắt làm việc nhà, thành ra có một số những phản ứng “tiêu cực”. Tuy “Gan không núng chí không mòn”, nhưng việc làm tử tế của anh giờ cũng không được lộ liễu quá.

Vì mọi người xung quanh nhìn những hành động “khác người” ấy, đã cười lăn cười bò, đi quảng cáo khắp nơi: “Tay này đảm đang lắm, cầm kỳ thi họa công dung ngôn hạnh đủ cả”. Một người nói, hai người nói đến người thứ ba nói vang đến các bậc phụ huynh là bà mẹ anh thấy nóng mặt, sôi tiết lắm rồi, bà xuống tận nơi để chỉ trỏ, giáo huấn “đàn ông ai lại làm thế”.

Mấy chị làm cùng thì nhận xét đàn ông mà cứ làm việc của đàn bà thấy ái ái yếu yếu làm sao ý, nhìn rất hèn hạ.

Chính đàn bà cũng mải miết dạy nhau, “Đàn bà chịu thiệt một tí, mấy việc “muỗi dĩn” làm mấy hơi, thiên hạ nhìn thấy lại cười cho đàn bà vụng. Chúng mình phải biết thu vén để các lão ý chuyên tâm vào công việc, về nhà phải được nghỉ ngơi chứ không làm việc sao được” khiến bà vợ gặp phải đức ông chồng tử tế lại thấy tội lỗi, ngậm ngùi tự vấn, liệu mình có quá đáng quá, có bóc lột và bắt nạt chồng quá không? Phải chăng chính những người phụ nữ vỹ đại đã tự làm khổ mình, khiến bản thân họ không ngóc lên được, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối.

Trong khi toàn việc vặt, hai vợ chồng làm cùng nhau đã sao mà mọi người phải ngứa mắt. Việc to phải bắt đầu từ việc nhỏ chứ, lao động là vinh quang, xong sớm cùng nghỉ sớm có vấn đề gì.

Lúc đầu anh cũng định trơ, thây kệ những lời trêu đùa quá trớn song lần nào gặp họ cũng lải nhải nhai đi nhai lại như giẻ rách khiến anh buồn cười, thôi tránh đi đỡ mệt óc.

Giờ muốn giúp vợ anh phải lén lút như ăn trộm, ngày vợ đẻ, ai đời buổi trưa phải trốn về để giặt tã cho con khỏi mọi người nhìn thấy nói rác tai.

Đang giặt quần áo cũng phải nhớn nhác xem có ai không để đứng lên, bị “bắt quả tang” thì đành giả vờ lúng túng làm như đang đi tìm mảnh giấy để trong túi áo mà vợ vô ý ngâm giặt mất, đến khổ.

Vợ bận cho con ăn, đọc truyện cho nó anh thấy đám bát bẩn liền thuận tay rửa. Nghe tiếng mở cổng biết có người đến chơi, vội vàng cho tất xuống chậu rửa, úp mâm lên đoạn xoa tay chạy ra phân bua vừa ăn miếng dưa hấu dính hết ra tay.

Anh nói hai đứa con gái là đủ rồi, mọi người cứ cười cợt rồi ngăn cản quyết liệt bảo anh động viên vợ đẻ thêm đứa nữa. Thằng này dở hâm đơ, hay pháo tịt ngòi rồi nên không dám “ho gà”. Có kẻ đùa dai và rất vô duyên khiến người khác chả muốn cười mà cứ thích trêu ghẹo, thật kỳ dị.

Có tên còn hỏi rất mang hàm ý khiêu khích “Sao, có đặt tên con không?”, “Có chứ, tên cháu là Như Ý”, “Như Ý”, Gã nọ kéo dài giọng ra châm chọc, anh chỉ vớt vát bảo “Đúng ý thật mà”. “Hay đã kịp gửi ở ổ khác nên bình thản thế, ừ, cố mà kiếm thằng cu kẻo nhục, chúng nó kích cho không ngẩng mặt lên được đâu”. Người tử tế lẩm bẩm “chúng nó là ông chứ ai...”.

TSL


* Chúng tôi muốn được nghe ý kiến của bạn. Đàn ông giúp đỡ vợ việc nhà hay làm việc xưa nay được cho là "của đàn bà" có thực sự "yếu yếu, hèn hèn" không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua hệ thống "Gửi bình luận" ngay dưới bài viết này. Bài viết/ý kiến có giá trị sẽ được chọn đăng và trả nhuận bút.