Dân mạng tranh cãi chuyện con gái đi lấy chồng còn lo toan cho nhà ngoại
(Dân trí) - Câu chuyện bắt nguồn từ sự phàn nàn về người vợ được cho là ích kỷ trong mắt một ông chồng.
Ông chồng này cho biết mới lấy vợ được một năm, vợ trẻ hơn anh 4 tuổi và ngoài công việc chính, cô ấy còn nghề tay trái là bán hàng online.
Thu nhập cụ thể của vợ anh chồng không biết, nhưng hai vợ chồng có thỏa thuận là chồng lo tiền trả góp mua nhà, còn tiền ăn, tiền sinh hoạt, chi tiêu chung của hai vợ chồng và hai bên nội ngoại thì vợ lo.
Anh chồng lương tháng hơn 20 triệu, ngoài tiền trả góp mua nhà còn dư chút tiền xăng, ăn sáng, tuy nhiên anh thấy cuộc sống rất thoải mái, đầy đủ vì vợ thoáng tay. Hàng tháng vợ gửi về cho ông bà 2 bên mỗi bên 3 triệu. Anh chồng thấy thế là hợp lý.
Cho đến khi vợ chồng có kế hoạch sinh con, vợ bảo phải tiết kiệm lại, ăn sáng ở nhà, nhậu nhẹt ít thôi và sẽ giảm chi phí sinh hoạt chung của vợ chồng xuống, cắt giảm cả tiền gửi về hai bên ông bà thì bắt đầu có chuyện.
"Bố mẹ em thì em vẫn gửi một triệu về, còn một triệu sẽ cho em trai đang là sinh viên. Còn bố mẹ mình, em nói lý do là bố mẹ sức khỏe tốt, lại có lương công chức, hai ông bà sống ở quê thế là dư lắm rồi, thỉnh thoảng về sẽ mua quà cho ông bà, sau này có tiền thì biếu ông bà sau", - người chồng nói mình có hơi không vừa ý, nhưng đó là tiền của vợ nên anh cũng gật đầu với quyết định ấy.
Thế nhưng người chồng lại phát hiện vợ chuyển về cho bố 4 triệu tiền đi viện, cho mẹ tiền lắp điều hòa, những tháng trước vẫn cho em trai tiền mua này nọ, tiền đóng trọ, tiền ăn. Người chồng cảm thấy vợ không hề có hiếu với bố mẹ mình, đi lấy chồng nhưng tâm luôn hướng về nhà mẹ đẻ.
Rồi người chồng so sánh mỗi khi bố mẹ vợ hơi đau ốm là vợ nóng lòng đưa ông bà đi viện, thuốc bổ Hàn - Nhật đầy đủ, sốt sắng với cả việc học của em trai, cho tiền đi học mấy lớp kỹ năng, tiếng Anh... Trong khi bố mẹ chồng ốm cô ấy "chỉ hỏi han rồi mua thuốc bình thường, không thì cho bố mẹ ít tiền chứ chẳng hề sốt sắng".
Người chồng chụp lịch sử giao dịch hỏi vợ thì cô ấy nói chồng không có quyền tra hỏi. Điều này khiến chồng thêm bức xúc, anh hỏi cư dân mạng: "Em nói em không xin mình để cho bố mẹ đẻ, nhưng nhà em đang ở mình phải trả tiền?".
Sau khi chê trách vợ ích kỷ, anh chồng nhận được thái độ đòi bỏ ra ngoài của vợ. Cô ấy lúc đi còn nói một câu: "Lấy chồng không nhờ chồng được tý nào". Vợ bỏ đi đã 2 ngày nhưng chồng không muốn làm hòa, anh chàng cho biết mình chỉ muốn vợ đối xử công bằng giữa hai bên nội ngoại.
Ngay sau khi đọc về câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ, cư dân mạng lập tức phân thành hai luồng ý kiến trái chiều. Một số ý kiến chê trách người chồng mới là người ích kỷ khi khó chịu vì vợ nặng lòng lo cho nhà ngoại.
Số ý kiến này cho rằng con gái đi lấy chồng mang trong lòng nỗi niềm, nỗi niềm thương mẹ cha ở nhà là lớn nhất. Bố mẹ của người vợ đã già yếu, lại không có thu nhập, em trai còn đang đi học, cô ấy không lo toan cho bố mẹ thì họ sẽ thế nào?
Nếu là chồng tốt lẽ ra nên hiểu cho tâm tư của vợ, không thể cùng vợ lo cho nhà ngoại thì cũng nên để cô ấy tự lo cho em trai và bố mẹ bằng tiền riêng của mình, chuyện này chẳng có gì đáng để người chồng bức xúc cả.
"Chị ấy có phải so đo tính toán với nhà chồng đâu, chị ấy lao động thêm bằng cách bán hàng online, trong khi anh lo trả góp tiền cái nhà anh và cô ấy đang ở thì cô ấy cũng lo đủ chi phí sinh hoạt, chi tiêu chung của hai vợ chồng, lại còn biếu tiền hai bên bố mẹ đấy. Chính anh còn bảo vợ chi tiêu thoáng tay nên cuộc sống thoải mái, đâu phải chị ấy bo bo với chồng, bố mẹ chồng mà chỉ nghĩ cho nhà mình", "Một người vợ làm việc chăm chỉ và tự kiếm thêm được tiền để lo cho những người cô ấy thấy cần phải lo, đáng quý đấy" - cư dân mạng để lại lời bình luận, cảm thán.
Các ý kiến khác bênh vực người chồng cũng khá mạnh mẽ, và chỉ ra rằng người vợ chưa đúng:
"Mình là nữ nhưng thấy chị vợ có phần sai. Trước mẹ mình kể ông bà ngoại không bao giờ nhận tiền của mẹ, muốn cho tiền thì phải có cha mình ở đó hoặc là cha đưa. Mẹ nói ông ngoại bảo "vợ chồng đồng lòng, tiền là tiền chung nên vợ không có quyền quyết định một mình". Hơn nữa từ đầu cũng thống nhất rõ nhà vợ 3 triệu nhà chồng 3 triệu, chứng tỏ công bằng đôi bên. Nếu tiền cá nhân thì cũng nên thông báo với chồng. Nhà thì nhà chung, sinh hoạt phí chung, cha mẹ cũng cha mẹ chung nhưng lại không rõ ràng với nhau. Cha mẹ nào cũng cần báo hiếu", một cư dân mạng là nữ lên tiếng.
"Vấn đề là bạn vợ ngay từ đầu cũng không trao đổi cụ thể thẳng thắn mà giấu giếm còn gì? Nếu bạn nữ không kiếm ra tiền đã đành, nhưng đây cả 2 cùng kiếm ra tiền thì phải cùng có trách nhiệm, minh bạch tài chính. Tiền bạn nam kiếm ra lo cho chung thì vợ cũng nên chi hai bên đều nhau. Nếu muốn cho bố mẹ nhiều hơn thì thẳng thắn với chồng...".
Ở điểm này, các kiến phản bác đưa ra phân tích rằng so với bên ngoại, bên nội ít cần hỗ trợ hơn vì ông bà đã có lương hưu, trong khi ông bà ngoại già yếu đi viện, không thu nhập lại còn đang nuôi con trai đi học, con gái họ không giúp thì ai giúp bây giờ.
Đồng ý là hai bên bố mẹ đều là bố mẹ, nhưng không nên cứng nhắc với chuyện "hai bên nội ngoại phải như nhau", hỗ trợ hai bên ông bà được đến đâu còn tùy thuộc vào tình hình thực tế các cụ cần hỗ trợ đến đâu và năng lực tài chính của vợ chồng.
Vì người chồng chưa rộng lòng nên đó cũng có thể là lý do người vợ phải giấu giếm chuyện âm thầm giúp bố mẹ và em trai. Câu nói của cô ấy trước khi bỏ đi: "Lấy chồng không nhờ chồng được tý nào" có thể thấy được sự thất vọng của cô ấy đối với chồng, khi không nhận được sự ủng hộ chia sẻ của chồng về nỗi lòng canh cánh của con gái với cha mẹ, tự xoay tài chính để lắng lo mà vẫn bị chồng ý kiến.