Đảm đang để làm gì?
(Dân trí) - Mấy bà hàng xóm thỉnh thoảng lại đẩy cháu sang nhà tôi, đứng trước cửa nói với vào: “Công nhận cô Linh nhanh nhẹn thật, việc nào cũng thoăn thoắt, một loáng là xong hết cả”. Tôi trong lòng được khen thì hẳn nhiên rất sướng. Và thấy lời khen chẳng quá tí nào cả.
Bởi bạn biết không, trong khi tiếp chuyện với các bà bằng vài câu đùa, tôi vẫn có thể vừa trông nồi cháo hoặc nồi canh đang sôi, vừa ngó vào nhà tắm nơi hai đứa con, một lên bốn, một lên hai đang nghịch nước chờ mẹ. Sau khi hoàn thành bữa tối cho bọn nhóc trong khoảng 5 phút, tôi vào “xử lí” đầu tóc, tắm táp người ngợm cho từng đứa một. Rồi tôi sẽ nghĩ ra đủ trò từ đánh bung thật nhiều xà phòng trong chậu, vác đống đồ chơi, có khi cả nồi niêu và rổ rá vào nhà tắm… cố gắng “câu” thêm được khoảng 5 phút hai “tên giặc” ở yên trong đấy, để tôi ngoài này vừa dọn dẹp vừa lau loáng qua sàn nhà cho sạch.
Xong xuôi, tôi mang hai cái khăn vào, quấn lấy người từng đứa, một tay dắt chị, một tay bế em ra khỏi nước ấm, vào phòng mặc áo quần. Rồi lại hộ tống hai đứa ra, ngồi nghiêm chỉnh trong vài giây để mẹ lấy cơm. Và sau đấy, tôi phải gào thét, dỗ dành, vật lộn thì mới đút được hết hai bát cơm vào miệng con. Đúng lúc ấy thì chồng tôi về. Cũng có khi anh về sớm hơn, vào giữa bữa ăn và đương nhiên việc cho con ăn vốn đã mệt rồi, đến khi bố về sẽ còn “loạn” hơn nữa vì hai đứa phá luật của mẹ, chạy đến cầu cứu bố.
Xong được bữa tối cho con, tôi còn bữa tối cho người lớn chưa nấu. Chồng thi thoảng nghe vợ kêu ca nhiều thì cũng vào giúp, nhưng tôi thấy để mình làm còn nhanh hơn. Vì thật sự sau đống việc buổi chiều từ vội vã chân thấp chân cao về đón con, đi chợ, nấu nướng, tắm giặt, cho con ăn thì tôi đã rất đói, mệt lả và chỉ muốn có cơm để ăn luôn mà thôi. Còn sau bữa cơm? Bạn biết đấy, sẽ còn đống áo quần người lớn, người bé chưa giặt, việc ở công ty chưa hoàn thành vì vội về sớm đón con…
Tôi đã từng có lúc ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà viết văn, một người làm việc bằng cảm hứng hay có những hoài bão riêng về sự nghiệp của mình. Nhưng đến nay, dù rất không muốn lấy con cái ra làm lý do trì hoãn, bệ rạc của chính mình, thì vẫn phải thừa nhận một điều, rằng sự nghiệp gia đình đã cuốn tôi đi và dập tắt mọi khát khao được trở nên là một ai đó thật đặc biệt như giấc mơ ngày xưa. Tôi không còn thời gian để cống hiến cho công việc nữa.
Đắng cay thay, khi niềm an ủi duy nhất của tôi bây giờ, là hai chữ đảm đang. Tôi được nhiều người khen ngợi, ngưỡng mộ vì có thể xoay vần với đống công việc nhà, việc công ty, lại vẫn có thể chỉn chu ăn mặc, thi thoảng ôn kỷ niệm yêu đương lãng mạn với chồng. Thú thực, tôi cứ nghĩ đến những lời khen, tự an ủi rằng mình cũng rất tài giỏi theo một cách khác, lấy đó làm động lực để vật lộn trong vòng quay bận rộn của mỗi ngày, sống như một cỗ máy, như siêu nhân…
Giấc mơ của mình, tôi đã bỏ lại sau lưng. Đơn giản là chấp nhận sự thực rằng mình sẽ không thể làm gì được với nó, trong hoàn cảnh này.
Nhưng cỗ máy còn có lúc mỏi mệt. Huống chi chỉ là một cơ thể người, cao một mét năm nhăm, nặng bốn lăm cân nhỏ bé như tôi. Những lúc kiệt sức, tôi thường cãi nhau với chồng mình.
Giống như hôm qua. Vẫn luôn là lý do: “Anh không bao giờ chịu nghĩ cho vợ, thương vợ một chút!”. Bởi vì chồng tôi suốt ngày về muộn, chưa bao giờ tự động đón con hay chợ búa giúp vợ. Dù anh làm việc trong một cơ quan nhà nước, cứ đến 5h là được tan ca. Tôi gần như phát điên, vì cảm giác trong cái nhà này, chỉ một mình tôi là người phải làm tất cả mọi việc. Tôi cũng tủi thân vì cảm thấy không được yêu, vì thấy những cố gắng của mình là hoàn toàn vô ích.
Tôi ném gối, ném chăn vào chồng. Vì có nói đến hàng vạn, hàng nghìn lần đi nữa thì anh vẫn chưa bao giờ rời bàn làm việc, đứng dậy về nhà sớm.
Tôi đóng cửa phòng, đuổi hai đứa ra ngoài. Mặc kệ chồng với hai đứa con đang gào khóc đòi mẹ. Tôi ngồi bên trong, lặng lẽ, trống không.
Tôi không biết mình cần hai chữ đảm đang để làm gì. Tôi không biết mình luôn phải vất vả như thế để làm gì. Tôi hoàn toàn có thể mặc kệ tất cả, chuyển đi, thuê trọ và sống một mình. Mức lương hiện tại đủ để cho tôi một cuộc sống bay nhảy sung sướng. Tôi cũng có thể bắt đầu lại với giấc mơ, sống chết với nó bằng quỹ thời gian vô hạn mình có.
Nhưng tôi chỉ nghĩ thế thôi, và rất nhanh lại cảm thấy bất lực vì không thể cầm lòng được trước tiếng con khóc. Tôi mở cửa, đón con vào lòng và dỗ dành hai đứa ngủ. Hai đứa đã đêm nào ngủ được mà thiếu mẹ đâu. Tôi nhìn chồng mình, hoàn toàn không muốn phải nói chuyện hay gào thét đòi quyền lợi gì nữa…
Có phải, ngay từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi đã gồng mình lên quá, nên bây giờ mới khổ như thế này? Hay đơn giản, tôi đã sai khi chọn việc kết hôn? Bây giờ, tôi nên đi tiếp chặng đường sắp tới bằng cách nào đây? Đảm đang tiếp, chịu khó thêm, cố gắng rất nhiều nữa hay là dừng lại và chấp nhận những lời bàn tán về sự lười nhác của bản thân?
Linh Lam