Dạ tiểu nhân

(Dân trí) - Chiếc taxi nhả khói rồi lầm lũi tiến đi trong cơn mưa bụi chiều cuối năm khiến lòng Vĩnh se thắt, vẫn mường tượng cảnh Nhàn ôm mặt khóc, những giọt nước mắt sám hối hay trường đoạn cuối cùng trong vở bi hài kịch mà ả vừa là soạn giả vừa là diễn viên đây?

Thế là hết, chóng vánh, nhẵn nhụi cả cái cơ nghiệp gã đổ mồ hôi, sôi nước mắt dày công gầy dựng. Có lẽ vì đạo nghĩa vợ chồng bấy lâu nên Oanh còn chần chừ chưa tống gã ra khỏi nhà, nhưng có lẽ gã ra đi là tốt nhất, ít ra khi không còn gì thì còn chút tự trọng của thằng đàn ông...

Dạ tiểu nhân



Suy thoái kinh tế kéo dài, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều công ty xây dựng hoặc phá sản hoặc tồn tại thoi thóp với khoản nợ kếch xù thì cái đội xây dựng bé tẻo teo của gã làm không hết việc, một phần cũng nhờ mối quen biết của ông bố vợ là một tay lão làng trong nghề xây dựng. Hai vợ chồng quyết định mở công ty, gom góp vay mượn xây căn nhà ba tầng vừa để ở vừa tiện giao dịch. Khách khứa tấp nập, người ta tung hô gã là doanh nhân trẻ thành đạt, gã bay bổng trên chín tầng mây. Nhìn mấy vị đồng liêu lao đao, tất tưởi, gã cười: “Số cả thôi bác ơi, ngày xưa em vất vả lắm nhưng rồi cũng qua, khổ tận cam lai mà”.

...

Vợ chồng hắn bấy lâu lặn mất tăm sau cái đận buôn động vật quý hiếm bị công an bắt, vơ vét hết đồ đạc chạy án mới lọt lưới, giờ lại lù lù xuất hiện với dáng vẻ đường bệ của ông chủ. Hắn góp tiền tài trợ giúp đỡ quỹ vì người nghèo, ông chủ tịch Mặt trận còn đến bắt tay hắn. Hắn cố tỏ ra là doanh nhân có văn hóa nhưng ánh mắt ti tiện, thói hợm của như phì cả ra ngoài. Người ta bảo hắn có xưởng cưa sát bìa rừng, xẻ gỗ thuê bẫm lắm nhưng là để che mắt thôi, thu nhập chính là chạy gỗ từ rừng Lào đưa sang Trung Quốc.

Hắn chuốc Vĩnh một ly: “Uống đi chú, gì thì gì phải an cư mới lạc nghiệp. Chú là dân trong nghề rành kỹ thuật lại giỏi phong thủy, anh giao cho chú tất, tiền bạc “no vấn đề”, hử!”.

Sau ngày đặt viên đá móng, hắn lặn một hơi mất tăm, nghe bảo có việc gì đó phải sang Thái. Mọi việc ở nhà đều do Nhàn, vợ hắn quán xuyến. Và hình như mỗi lần ở gần Vĩnh, không biết vô tình hay cố ý, ả thường thả cổ áo trễ nải khoe khuôn ngực nần nẫn. Rồi ả ỉ ôi kể về nỗi cô đơn vò võ một mình trong khi giờ này chắc hắn còn bận hú hí với mấy con “gà chỉ” ở Pattaya. Thế là gã gục.

Ả không giống Oanh lúc nào cũng chỉn chu nghiêm ngắn từ ăn, ngủ đến chuyện vợ chồng. Ả có cả một nghệ thuật yêu khiến gã lờ mờ nhận ra khoái cảm là có thực. Từ bao giờ cái mùi thơm của ga nệm xịt nước hoa, mùi nồng nồng ngai ngái của rượu và thuốc lá ngoại trong căn phòng nhỏ khách sạn đã vướng vít lấy khứu giác gã như một liều ma túy cực mạnh...

Vĩnh nhắm mắt lại rùng mình. Ánh đèn căn phòng bừng sáng, tiếng chửi rủa, tiếng ré lên vừa hả hê vừa man rợ, những cây gậy phang tới tấp, Vĩnh tung cửa chạy ra ngoài sau khi đã ký nguệch ngoạc vào tờ giấy vay nợ từ trên trời rơi xuống.

Giờ gã ngồi đây, thả đời theo men rượu. Ánh đèn vàng võ nhấp nháy như trêu ngươi, chai rượu đã vơi hơn nửa mà gã vẫn tỉnh như sáo sậu. Có tiếng cười the thé đằng sau khiến gã giật mình, tiếng cười nghe quen lắm:

- “Đàn ông nông nổi giếng khơi, không có cái cơi đựng trầu này á, mấy trăm triệu đi mất tong rồi đấy, còn không biết thưởng cho người ta nữa”.

- “Ăn nằm với trai chưa no đòn là may còn đòi thưởng”, tiếng gã đàn ông vục vặc.

- “Này đừng có mà ăn cháo đá bát nhá, không có cái… của con này giờ còn rũ tù”.

- “Thôi được rồi, nói nhiều quá”, tiếng cười lại the thé, dưới ánh đèn gương mặt ả lại bừng bừng, ánh mắt long lanh đĩ thõa.

Khốn nạn, thật khốn nạn! Gã chỉ muốn nhảy bổ vào mà cấu xé cái lũ khốn khiếp kia rồi ra sao thì ra nhưng đành bất lực, những giọt nước mắt lăn dài mặn chát.

“Chú mày đúng là ngu! Bài học đắt quá phải không?” - Tiếng Phú vừa cảm thương vừa pha chút giễu cợt. “Thằng đó tao lạ gì, cơ ngơi nó có được là nhờ cái… của con vợ nó hết”.

Đau, đau quá, bài học đắt thật, ngót hai trăm triệu tiền công mất toi, đám công nhân kẻ đứng người ngồi chầu chực đòi nợ.

Oanh nín lặng. Hình như bao nhiêu đau khổ, nhục nhã đã được nàng kìm nén, tất tưởi xách va li ra khỏi nhà sau khi lạnh lùng chìa lá đơn ly hôn đã ký. Gã chỉ còn biết cúi đầu như một bị cáo chờ nghe tòa tuyên bản án đã xử.

“Thôi, đâu còn có đó, buồn khổ giờ này ích gì, sang Ả rập với tao, trình độ tay nghề của mày chả mấy chốc mà phất”, Phú rủ.

Gã không muốn đi, gã không muốn thừa nhận mình là bại tướng dưới tay đàn bà. Nhưng biết làm sao được. Chỉ còn hy vọng hết hạn hợp đồng, khi mọi chuyện đã tạm lắng, gã về may ra Oanh chuyển ý.

“Bên ấy có mùa Đông không nhỉ? Gã lẩm nhẩm một mình khiến anh lái xe quay lại ngơ ngác. Những ánh đèn, ô cửa sổ của thị xã lướt nhanh qua cửa xe loang nước khiến chiều càng thêm cô quạnh, tất cả từ từ chìm vào bóng tối.

Đình Dũng