Góc tâm hồn

Cuộc sống tươi đẹp

(Dân trí) - Xưa có chàng người cá sống trong vương quốc xinh đẹp sâu dưới lòng đại dương. Ngay từ khi được sinh ra, chàng đã sống trong thế giới của những dải san hô lộng lẫy, những sinh vật biển diệu kỳ và những kiến trúc choáng ngợp.

 
Cuộc sống tươi đẹp - 1


Tuy vậy, chàng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc, vì lúc nào chàng cũng chỉ thấy điểm xấu và luôn chỉ trích. Tất nhiên, điều này khiến cho chàng không thể hòa đồng với những người cá khác, lúc nào cũng chỉ có một mình, nghĩ rằng vạn vật và mọi người mới kinh khủng làm sao.

 

Tuy nhiên, chàng vẫn có  một người bạn: đó là người cá cao tuổi và thông thái nhất. Người cá già này quen biết cha mẹ của chàng từ rất lâu và biết rằng chàng cá chưa bao giờ kết bạn với ai do những suy nghĩ tiêu cực của mình. Nhà thông thái thấy thương chàng, nên bất cứ khi nào có thể, ông lại dành thời gian nói chuyện và giúp đỡ chàng.

 

Một buổi sáng nọ, chàng trai và nhà thông thái dạo bơi trong vương quốc. Nhà thông thái cảm thấy buổi sáng hôm đó thật đẹp trời, nhưng chàng người cá lại không thích vì nước biển hôm nay lạnh hơn còn lũ cá heo thì quá nghịch ngợm và ồn ào.

 

“Thế còn san hô thì sao?” nhà thông thái gợi ý. “Hôm nay màu của chúng mới lộng lẫy làm sao?”

 

“Chắc vậy,” chàng trả lời. “Nếu ông chẳng may thích màu cam, đỏ và hồng”.

 

Người cá già  nhìn chàng trai một lúc trước khi chàng kết thúc câu nói: “Cháu chẳng thích mấy màu đó.”

 

Nhà thông thái thở dài tự hỏi liệu mình có nghĩ ra được điều gì đó làm cho chàng cá này vui vẻ. Ông đưa ngón tay xoắn xoắn bộ râu dài đã bạc của mình rồi lại thả ra.

 

Ông nói, “Thôi. Ta phải đi có việc đây. Hôm nay ta phải lên lớp”.

 

“Hôm nay ông dạy gì?” chàng trai trẻ hỏi.

 

“Hôm nay ta sẽ giảng một bài về Chúa.”

 

“Chúa sao?”

 

“Phải, Đức Chúa. Cậu đã bao giờ nghe về Chúa chưa?”

 

“Chưa. Làm sao được, cháu chưa từng đến lớp của ông.”

 

“Ừm.” Vị người cá già thông thái vuốt râu suy ngẫm. “Thật đáng tiếc. Thôi, tạm biệt cậu.”

 

Khi ông vừa quay bước đi, chàng cá liền ngăn ông lại.

 

“Ông ơi! Sao ông không nói cho cháu biết đó là gì?”

 

“Cái gì là gì cơ?”

 

“Chúa đó!”

 

“À, ta hiểu rồi. Thực ra cậu có thể thấy Chúa ở bất cứ đâu …”

 

“Bất cứ đâu sao? Không thể thế được … đúng không ạ?”

 

“Hoàn toàn có thể.”

 

“Vậy, Chúa trông như thế nào?”

 

“Giống như ông cháu mình, và lũ cá heo, và đám san hô …”

 

Chàng trai cau mày. “Vậy có nghĩa là Đức Chúa không thực sự là ai hết?”

 

Nhà thông thái thoáng cười và quay đi.

 

 “Cháu hãy đi tìm hiểu và trả lời cho ta xem có thật Chúa không là ai cả hay không!”

 

Chàng cá trẻ bơi lang thang quanh vương quốc một hồi, trăn trở bực bội vì những thứ vô nghĩa mà ông già vừa nói. Chàng cau mày nhìn quanh mình, nhìn những tòa nhà, những người cá và những chú cá lấp lánh. Rồi chàng nhớ lại những lời của ông người cá thông thái.

 

“Thôi được,” chàng nghĩ thầm. “Mình sẽ đi tìm Chúa vậy, rồi sau đó mình sẽ kể cho ông nghe mình nghĩ gì về Chúa!”

 

Chàng bơi thẳng tới một chú cá heo, khoanh tay đứng nhìn chằm chằm vào nó.

 

“Vậy cậu là Chúa phải không?”

 

Con cá heo nhìn chàng trai và cười nhăn nhở. Chàng trai không cười với nó.

 

“Chúa bị thiếu mất một vây và răng thì dính đầy thịt cá, phải không? Thật ngớ ngẩn!”

 

Chàng bơi đi, bỏ  lại chú cá heo đang cười nắc nẻ.

 

Vì đang bơi trong tâm trạng bực bội, chàng va phải một nàng tiên cá xinh đẹp có mái tóc dài lấp lánh vàng. Lúc đầu nàng tỏ vẻ khó chịu, sau đó khuôn mặt nàng dịu đi và cười với chàng cá:

 

“Chắc anh đang vội đi đâu à,” nàng hỏi nhẹ nhàng.

 

“Cũng không hẳn”, chàng người cá đáp.

 

“Vậy, anh nhớ bơi cẩn thận nhé, đừng làm đau ai nữa đấy.”

 

Chàng cá lại càng cau có bơi tiếp.

 

“Hừm, cô ta chắc chắn không thể là Chúa được. Cẩn thận đừng làm đau ai nữa đấy… Cô ta nghĩ mình là ai cơ chứ?”

 

Chàng trai bơi tiếp  đến một vách đá cao nhìn được toàn bộ vương quốc. Ngồi phịch xuống một tảng đá, chàng cảm thấy thật khó chịu. Khi nhìn xuống, chàng thấy một chú cá sáng màu bé xíu đang ăn tảo trên phiến đá.

 

“Mày cũng không thể là Chúa được,” chàng rầu rĩ nói. “Quá nhỏ.”

 

Khi trời dần chuyển tối và những ánh đèn của vương quốc bắt đầu lấp lánh trong làn nước sâu, chàng trai thở dài. Chàng đã mất cả ngày đi tìm Chúa, vậy mà chỉ thấy một con cá heo ngu ngốc, một cô người cá thô lỗ và một con cá nhỏ bé yếu ớt. Chàng người cá trẻ đang định kết thúc một ngày ở đây và bơi về nhà thì thấy ông bạn già của mình chậm rãi bơi tới.

 

“Cháu làm gì mà bơi đến tận đây thế?” ông hỏi. “Cháu đi xa thành phố lắm rồi đấy.”

 

“À, thì cháu đang làm những thứ ông bảo và …” chàng đang định trả lời với giọng chua cay, thì người cá già đã giơ tay ra hiệu chàng không nói nữa.

 

“Vậy nên cháu đã bơi đến đây cả ngày hôm nay? Vì cháu đã quá tức giận và ích kỷ nên không thấy được Chúa ở ngay trước mặt”.

 

“Hãy nhìn xem,” người thông thái già nói và chỉ tay về phía vương quốc; phía những ánh sáng phát ra từ các tòa nhà, những đàn cá lấp lánh đang ra vào các tòa tháp cao và những ngôi nhà san hô dưới thấp, phía những cô cậu người cá xinh đẹp đang bơi đến; ông chỉ cho chàng toàn bộ vương quốc, và cả bóng những con cá voi to lớn bên ngoài thành phố. Từ trên vách đá cao nhìn xuống, tất cả mỗi khoảnh khắc đơn lẻ giống như một phần trong khoảnh khắc lớn của toàn bộ vương quốc. Mỗi cuộc đời, mỗi hành động dường như phù hợp một cách hoàn hảo với những thứ khác.

 

Chàng trai ngồi ngắm vương quốc, giống như một khối màu, một khoảnh khắc và một hơi thở thống nhất. Chàng chưa bao giờ thấy vương quốc mình như vậy.

 

“Giờ cháu đã thấy Chúa chưa?”, nhà thông thái hỏi chàng trai.

 

“Vâng,” chàng đáp đầy kính nể. “Cháu chưa bao giờ để ý đến những điều này. Tất cả thật hoàn hảo, đúng không? Tại sao trước đây cháu không thấy được điều này?”

 

“Khi không còn chỉ nghĩ cho mình và việc cháu muốn thế giới như thế nào thì cháu mới có thể nhìn nhận thế giới theo đúng cách mà nó đang diễn ra. Và thế giới thực sự tốt đẹp hơn những gì mà cháu ao ước rất nhiều. Bởi vì cuộc sống không diễn ra trong bản thân và những ý tưởng của cháu; cháu chỉ là một phần của dòng chảy cuộc sống tươi đẹp này. Biết được điều này chẳng phải rất tốt hay sao?”

 

Đặng Thục

Theo IP