Cuộc sống không chỉ có tiền
(Dân trí) - Ngay cả trong những cuộc hôn nhân bền vững nhất, tài chính vẫn có thể là vấn đề gây rạn nứt. Điều quan trọng cần nhớ: Tiền không phải là tất cả, chỉ là nhu cầu để sống mà thôi.
Ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, muốn hưởng những điều tốt đẹp: Một chiếc ô tô đời mới, một căn nhà đẹp trong khu dân trí cao và sống cuộc sống mình hằng mơ ước. Khi bạn muốn được “bằng người”, chuyện “bóc ngắn cắn dài” rất dễ xảy ra. Song hãy nhớ rằng, chẳng có ý nghĩa gì cả nếu bạn sống trong căn nhà tiền tỉ mà không có khả năng trả các phí dịch vụ, chăm chút cho ngôi nhà và vẫn đang đi “xe ghẻ”. Thứ duy nhất bạn phải chạy theo khi ấy chỉ là những hóa đơn mà thôi.
Tình yêu mù quáng
Khi mới lấy nhau, tiền bạc chẳng bao giờ là vấn đề các cặp đôi phải lưu tâm cả. Họ chiều chuộng nhau với những món quà đắt tiền, cùng quăng mình vào những chuyến du lịch tựa thiên đường, họ chi trả cho nhu cầu của trái tim.
Đến khi có con, các khoản chi phí trở nên hiện hữu hơn, và người ta không còn “mù quáng” nữa. Sẵn sàng “chịu chơi” dù mang nợ chỉ còn là việc trong quá khứ. Lúc này đây, bạn phải cân nhắc về những gì mình “muốn” và “cần”.
Phụ nữ là trụ cột
Trong những gia đình phụ nữ là trụ cột và vai trò truyền thống bị hoán đổi, các cặp đôi có thể rơi vào tình trạng bối rối. Người vợ cảm giác tội lỗi vì không dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái, họ dễ bù đắp cho con bằng vật chất trong khi người chồng lại cảm thấy cần được chi tiêu mà không phải hỏi ý kiến vợ cho đáng mặt đàn ông. Hai người tốt nhất nên dành thời gian trò chuyện với nhau về cảm xúc mỗi người đối với vai trò mới.
Giao tiếp cởi mở
Trong gia đình nếu một người quản lý hoàn toàn về tài chính, người kia dễ rơi vào cảm giác oán giận, vì không rõ tình hình tài chính của gia đình ra sao. Hãy cùng ngồi xuống thảo luận rõ ràng với nhau về điều này, tài chính gia đình cần minh bạch và cả hai phải chịu trách nhiệm về nó.
Huyền Anh
Theo MM