Con nhà nghèo
(Dân trí) - An muốn táng cho cái thằng mặt câng câng kia một trận, hoặc ít nhất cũng nói câu đay nghiến thật đau độc cho hả hê và để có thể xuôi đi cục tức vẫn được nén nơi cổ họng bao lâu nay, nhưng rồi cậu lẳng lặng bỏ đi.
Trước bố An là bộ đội lái xe, khi vui bố thường hào hứng mường tượng và kể lại những kỉ niệm, ôn về quá khứ hào hùng, oanh liệt. Giọng cười sảng khoái của bố, An thấy chất chứa niềm tự hào, yêu nghề. Ra quân bố vẫn theo đuổi nghiệp lái, nhờ có kinh nghiệm và lý lịch tốt bố xin được về gần nhà, lái cho giám đốc cơ quan nhà nước đang ăn nên làm ra.
Ông giám đốc đó chính là bố của thằng mặt câng câng. Đô là con út của ông với bà vợ hai. Ông đã có cháu nội, ngoại với bà vợ đầu, nhưng như người xưa nói “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Lúc đường công danh của ông thênh thang, sáng lạn cũng là lúc ông cưới vợ mới và có thêm hai người con. Ông nuông chiều và chấp thuận mọi yêu sách của chúng như một sự bù đắp cho “con vợ lẽ”. Đô lớn lên trong nhung lụa, tiền bạc như lá rơi.
Dù không giỏi nhưng Đô học lớp chuyên với An từ tiểu học cho đến tận trung học phổ thông. Từ bé Đô đã tỏ ra hợm của. Nó khinh người, khinh An ra mặt bởi bố cậu làm thuê cho bố nó. An nín nhịn tất, kể cả việc thằng đó cầm thước kẻ vụt An, hằn lên như một con lươn béo núc, để vài ngày sau vẫn còn in thành vệt trên cánh tay gầy guộc, chỉ vì An trót đưa bài cho nó chép hơi chậm. Hôm nào Đô phật ý, y như rằng hôm sau đó đã thấy bố An về với vẻ mặt ưu tư nói tự nhiên giám đốc hỏi chuyện về An và sau đó toàn hạnh hoẹ bố những việc vặt vãnh.
Bố lương thấp, mẹ là công nhân nên vất vả mà thu nhập chẳng là bao, song họ luôn gắng mang đến điều tốt nhất cho đứa con trai duy nhất. Bố rất thích đi công tác, dù thật là mệt nhọc khi phải dậy từ sớm và về muộn. Đi bạc cả mặt về tận Hà Nội hay cảng Hải Phòng mỗi đợt xuất hàng. Có lần còn đưa sếp vào mãi trong miền Trung để du lịch có khi là hội họp, nom bố phờ phạc, mặt mày hốc hác vì sương gió nhưng bố vẫn vui, cười nói tíu tít khi về đưa quà cho An và đưa cho mẹ ít tiền.
Chẳng phải là “màu mè” hay bổng lộc gì đâu. Đó chỉ là vài đồng công tác phí ăn uống trong ngày, bố dành dụm được. Đôi khi phải “trực chiến” qua đêm thì được tiền thuê phòng nhưng bố không vào khách sạn mà ngủ luôn trong xe hòng dôi ra được mấy đồng mua quần áo cho con. An biết điều này qua giọng điệu bỡn cợt của Đô, nó nói bố An là một người kẹt xỉ, ki bo nhất nó từng gặp. Chính vì câu này mà An muốn táng thẳng vào bản mặt nó. Cơn giận dữ sôi trào trong An tưởng như oà vỡ đến tức ngực nhưng rồi cậu nghĩ đến bố, nghĩ đến quãng thời gian bố mẹ cơ cực nuôi mình nên người. Nhờ có Đô mà An biết thêm và vẽ đậm nét, rõ ràng hơn bức tranh đẹp đẽ về bố, những nhọc nhằn mà bố đang trải qua để lo cho cuộc sống của cậu. Nghĩ vậy nên An mới bỏ đi.
Sau đó khi ngồi lặng lẽ bên góc nhà nhỏ, An khóc ngon lành hòng xoá tan đi mọi ức chế, giọt nước mắt của thằng con trai mới lớn có bao cay đắng, chứa cả sự cảm thông cho những gì bố mẹ mình cũng đang trải qua trong quãng đời làm thuê. Nhờ đó An càng thương bố mẹ hơn, quyết tâm học thật giỏi, để làm vui lòng họ và còn để chứng tỏ cho những kẻ lắm tiền nhiều của biết rằng, dù không giàu tôi vẫn có thể thành người hữu ích.
Dần dần cậu được yên thân vì Đô còn mải tụ tập đàn đúm, vả lại chúng đã thành người lớn cả, có thể tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Đô không cần phải chép bài của An nữa mà cao tay hơn khi đã có bố đi ngoại giao.
Đô vào học trường dân lập. An đỗ đại học với số điểm cao, được nhận phần thưởng từ cơ quan bố, khiến bố mẹ rất hãnh diện.
Đến năm thứ ba thì hôm về nhà An nghe mẹ kể, bố Đô đã về hưu, cậu ta mất chỗ dựa nhưng vẫn còn tiền nên ăn chơi trác táng không lo học hành, đua đòi, hút chích bị đuổi học và hiện đang trong trại cai nghiện.
An nghe chuyện mà không thấy bất ngờ, tựa như đã tiên đoán từ trước. Giờ cậu chỉ thấy thương hại, bởi dẫu sao Đô cũng là một cái cây con do người lớn uốn nắn không khéo, trở nên cứng ngắc, vô dụng. Và bởi, giả như không có sự khích bác, kèn cựa của Đô làm sao An biết biến sự tức giận thành bàn đạp để nhấn lên phía trước, để sống kiên cường hơn.
TSL