Con cái phản đối tôi đi bước nữa

Vợ mất sớm khi các con tôi còn bé. Tôi vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi các con khôn lớn suốt hơn 20 năm qua.

Đến lúc này, khi đã hưu trí, chỉ còn mình tôi trong căn nhà rộng lớn mà “gặm nhấm” nỗi cô đơn. Gió heo may về, tôi thèm tách trà nóng lúc bình minh, chút dầu ấm bụng lúc hoàng hôn, bát cháo hành nghi ngút khói khi trái gió hay chiếc áo ấm lúc trở trời… Thế mà con cái đứa đi làm, đứa đi học xa, đứa lập gia đình ra ở riêng... Quanh tôi lặng lẽ chỉ có bốn bức tường.
Con cái phản đối tôi đi bước nữa - 1


 

 

Quanh quẩn trong nhà riết cũng buồn nên tôi tập tành đi thể dục. Ban đầu là chạy bộ gần nhà với mấy ông bạn già trong xóm. Sau đó, tôi theo bạn bè đến công viên tập thể dục dưỡng sinh và tôi quen được bà ấy. Bà ấy nhỏ hơn tôi hai tuổi, góa chồng cũng từ lúc trẻ, một mình nuôi ba con thành đạt. Hoàn cảnh của bà “khá” hơn tôi vì các con cháu thay phiên sống với bà và chúng muốn bà sớm tìm được người “đồng cảnh” an ủi tuổi già.

 

Mỗi lần tập thể dục xong là chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng và kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Bà thích nghe tôi kể chuyện thời quân ngũ, chuyện một mình nuôi con, rồi chuyện đi làm… Bà thích nấu cho tôi những món ăn gốc Huế quê bà mà người Sài Gòn nấu chưa hợp khẩu vị của tôi. Có bà, tôi vui vẻ hẳn và hết sợ cô đơn.

 

Có lần tôi thức khuya xem bóng đá bị trúng gió, con cái đều ở xa không ai hay. Tôi chỉ biết điện thoại cho bà vì nhà bà là gần nhất. Đêm khuya nhưng bà vẫn nhanh nhảu đưa tôi vào bệnh viện, lo lắng chăm sóc cho tôi cả đêm hôm đó và ngày hôm sau. Đến chiều hôm sau các con tôi mới đến thăm, chúng trả lại tiền bà ấy ứng ra lo cho tôi và tặng bà món quà thay lời đuổi khéo. Biết ý con cái tôi nên bà ấy buồn thiu ra về. Thế mà chẳng có đứa nào chịu ở lại trông nom, chăm sóc tôi dù chỉ một đêm. Chúng góp tiền thuê người nuôi tôi bệnh và quán xuyến gia đình khi tôi về nhà. Không lẽ, chúng làm việc đó coi như để “trả” công mấy chục năm trời tôi sinh thành, dưỡng dục?

 

Nhớ ngày vợ tôi mới mất, ông bà nhạc cứ nằng nặc đòi cưới vợ cho tôi để có người chăm sóc các con và tôi lúc xế chiều. Tôi sợ cảnh dì ghẻ không thương con chồng, tôi sợ con riêng con chung nên chấp nhận lời hứa “ba sẽ ở vậy nuôi các con khôn lớn nên người”. Giờ tôi mới thấm thía câu của ông bà: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

 

Giờ đây, chăm tôi thì các con không thể, nhưng khi tôi quyết định đi bước nữa thì gặp sự phản đối quyết liệt của chúng vì sợ thiên hạ đàm tiếu. Tôi không còn quá trẻ để vướng bận chuyện con cái, nhưng lại quá già để sống theo ý mình.

 

Bạn tôi đùa bảo rằng, “gió heo may đã về, thôi thì ông ráng chờ thêm vài mùa đông nữa cho xong một đời người!”.

 

Theo Văn Hùng

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm