Cô dâu Việt lấy chồng Hàn sẽ được bảo vệ
(Dân trí) - Hiện 91,6% cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc chưa đổi được quốc tịch. Đa số họ sống ở các vùng nông thôn, tại những gia đình có mức thu nhập thấp, nhiều người phải đối mặt với nạn bạo hành gia đình.
Tại Diễn đàn “Chính sách về vấn đề kết hôn quốc tế Hàn - Việt”, diễn ra chiều 23/11, Cục trưởng Cục Chính sách Gia đình Hàn Quốc, bà Yang Seung Jo, đã phản ánh về thực trạng đời sống của 16.217 cô dâu Việt đang sinh sống ở nước này:
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng cô dâu “nhập ngoại” rất lớn, áp đảo trong số này là các cô dâu Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo từ Cục trưởng Cục Chính sách Gia đình Hàn Quốc cho thấy có đến trên 50% cô dâu Việt được gả vào những gia đình có mức thu nhập rất thấp, đa phần đang phải sống và lao động tại các vùng nông thôn. Vì sao lại có tình trạng này thưa bà?
Hiện các gia đình Hàn - Việt ngày càng phổ biến ở đất nước chúng tôi. Đa phần những cuộc hôn nhân này thông qua môi giới.
Tại Hàn Quốc, môi giới hôn nhân là được công nhận là hợp pháp nên có đến 17,9% công dân Hàn Quốc thông qua loại dịch vụ này để tìm bạn đời. Trong số đối tượng phải nhờ cậy đến môi giới hôn nhân có không ít nam giới ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh nghèo khó muốn tìm bạn đời phù hợp. Rất nhiều người trong số họ chọn cô dâu là người Trung Quốc và Việt Nam.
Theo thống kê của chúng tôi, có tới 62,9% cô dâu Việt Nam thông qua môi giới để lấy chồng Hàn Quốc. Phần lớn họ cũng xuất thân từ khu vực nông thôn nên gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng Hàn hơn những người di trú từ các quốc gia khác.
Chính vì vậy cô dâu Việt thường thiếu thông tin trước khi kết hôn. Chỉ có 3/10 người biết mặt chú rể qua ảnh và một chút thông tin kèm theo. Số còn lại thậm chí sang đến Hàn Quốc vẫn chưa biết mặt người mình sẽ lấy làm chồng cũng như nơi mình sẽ sinh sống.
Hiện trong số 16.217 cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc, chỉ có 1.361 đã chuyển đổi quốc tịch. Như vậy còn tới 91,6% cô dâu Việt chưa được nhập cư. Vì sao, thưa bà?
Vì cô dâu Việt gặp khó khăn trong giao tiếp và ít có khả năng tiếp cận với hệ thống chính quyền sở tại. Bên cạnh đó, muốn nhập quốc tịch phải có sự đồng ý của chồng. Thế nhưng một số nam giới Hàn không muốn cho vợ nhập quốc tịch vì lo ngại cô ấy bỏ trốn hoặc ra ngoài đi làm.
Bà cho rằng, cũng vì thiếu thông tin lại gặp khó khăn trong giao tiếp và ứng xử khi sinh hoạt ở nhà chồng nên nhiều cô dâu Việt không chỉ gặp khó khăn trong việc đổi quốc tịch mà còn phải đối mặt với tình trạng bạo hành gia đình?
Tôi đồng tình với những báo cáo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra nhằm lý giải nguyên nhân tình trạng bạo hành xảy ra ở các gia đình Hàn - Việt:
Do cô dâu Việt phải thông qua môi giới, mất chi phí khá lớn cho các khoản chờ gặp mặt, chi phí dịch vụ... trong khi đó, hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn nên nhiều người chấp nhận chú rể bằng mọi giá, càng nhanh càng tốt để giảm gánh nặng nợ nần trước hôn nhân.
Về phía chú rể Hàn do cuộc sống khó khăn lại phải trả một khoản tiền lớn cho công ty môi giới nên nhiều người trong số họ hiểu lầm, cho rằng đã dùng tiền mua vợ, dẫn đến tâm lý coi thường bạn đời và tình trạng bạo lực trong gia đình xảy ra.
Trên thực tế, tình trạng bạo lực gia đình không chỉ diễn ra ở các gia đình có cô dâu Việt. Có đến 16,9% những người kết hôn nhập cư đã từng phải chịu hành vi bạo lực hoặc lăng mạ.
Điều đáng bàn là chỉ có 9% số người phải chịu bạo hành báo cảnh sát, 24% số người khác không biết cách tiếp cận các cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhờ giúp đỡ, trong số này có không ít cô dâu Việt.
Hiện luật pháp Hàn Quốc có thái độ thế nào đối với hành vi bạo hành trong gia đình?
Đối với bạo lực gia đình, pháp luật sẽ căn cứ vào mức độ của người bị hại mà đưa ra mức phạt thích hợp. Theo pháp luật Hàn Quốc, mức án cao nhất đối với bạo hành gia đình sẽ là tử hình.
Trong bối cảnh nạn bạo hành gia đình đang gia tăng như hiện nay, để bảo vệ các cô dâu nước ngoài, chính phủ Hàn Quốc đang đưa vào hoạt động một đường dây nóng, tư vấn 24/24 bằng 6 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt Nam.
Chúng tôi cũng cung cấp nơi lưu trú khẩn cấp và nơi nghỉ, đồng thời tăng cường dịch vụ hỗ trợ luật miễn phí và dịch vụ phiên dịch.
Theo bà, phía Chính phủ Việt Nam nên áp dụng thêm chính sách nào để ngăn chặn nạn bạo lực gia đình Việt - Hàn như hiện nay?
Do pháp luật của hai bên có sự khác biệt nên đã một phần tạo điều kiện cho bạo lực gia đình phát triển.
Nếu pháp luật Việt Nam cho phép môi giới hôn nhân hoạt động công khai (chứ không phải hoạt động chui như hiện nay) như Hàn Quốc thì sẽ cải thiện được tình trạng “mù” thông tin phía cô dâu Việt.
Khi đó, cả hai bên sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh và tính cách của nhau và có quyết định đúng đắn trước khi đi tới hôn nhân.
Về phía Chính Phủ Hàn Quốc sẽ cử tùy viên về vấn đề di trú và hôn nhân quốc tế tới Tổng lãnh sự quán tại TPHCM để triển khai hệ thống hỗ trợ các cô dâu Việt chuẩn bị sang cư trú tại Hàn Quốc, đưa vào hoạt động từ đầu năm 2008. Đến 7/2008, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường một số luật lệ nhằm hạn chế tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp.
Còn một thực trạng là hiện tỷ lệ con cái của các gia đình Việt - Hàn chưa được đến trường vẫn rất lớn (83,8%). Chính phủ Hàn Quốc có phương án nào để giải quyết ngay vấn đề này thưa bà?
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tập chung triển khai các dự án giáo dục tiếng Hàn và hỗ trợ giáo dục con em cho người cư trú, mở rộng hình thức giáo dục tại chỗ.
Trong năm 2007, hỗ trợ giáo dục tại chỗ đã triển khai tại 29 khu vực trên cả nước, dự kiến đến năm 2008 sẽ mở rộng mô hình này ra 230 khu vực.
Xin cảm ơn bà!
P. Thanh (Thực hiện)