Có chồng như có con mọn

Bố vợ tương lai bảo đi mổ vịt, Lục vâng dạ một hồi rồi lúng búng hỏi người yêu: "Mổ đằng lưng hay đằng bụng em nhỉ?" khiến cả nhà được một phen cười đau bụng.

Đến giờ, Thục, biên tập viên một tạp chí ở Hà Nội, thỉnh thoảng còn bảo với bạn bè: "Chả hiểu sao hồi đấy tao lại lấy lão để bây giờ khổ thế này".

 

Ngay từ lúc mới yêu, Thục đã biết Lục là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em và rất được cưng chiều. Từ nhỏ, ngoài việc học, Lục không phải mó tay đến việc gì. Có lần, anh còn tự hào kể với vợ: "Hồi anh học lớp 10 vẫn được mẹ nấu nước và tắm cho cơ".

 

Trước khi cưới, Thục nghĩ khi có gia đình rồi Lục sẽ tự ý thức được trách nhiệm của mình và thay đổi. Hơn nữa, cô đã lên kế hoạch "cải tạo" bằng được anh.

 

Thế nhưng, mọi việc không như cô tưởng. Vợ chồng cô ở chung với bố mẹ chồng, họ vẫn coi như con trai mình còn bé bỏng lắm, chăm sóc tận tình và muốn con dâu cũng phải vậy. Đã thế, Lục càng được thể, ỷ lại mọi việc cho vợ và mẹ.

 

"Có chồng mà như có con mọn. Đi đâu cũng phải nơm nớp mà về. Nếu mình hay mẹ chồng bận không nấu cơm là y như rằng chồng nhịn hoặc ăn quán. Còn quần áo mình không giặt thì ông ấy sẽ mặc đi mặc lại đồ bẩn hoặc ra hiệu sắm ngay cái mới. Chồng chưa bao giờ biết cho con ăn hay quét hộ vợ cái nhà", Thục kể.

 

Nhưng điều khiến cô bực nhất là mọi chuyện trong nhà từ lớn đến nhỏ Lục không tự quyết được điều gì mà đều phải hỏi mẹ: từ chuyển cơ quan, đến sắm cái tủ lạnh hay con ốm thế này thì nên để ở nhà hay cho đi viện...

 

Cũng vớ được ông chồng là cậu ấm duy nhất của một gia đình khá giả, Yến, ở Thanh Xuân, Hà Nội không nghĩ mình lại bất hạnh đến thế.

 

Trước khi cưới, dù bị bạn bè và gia đình phản đối nhưng Yến vẫn quyết lấy Nam. Chính cái vẻ công tử hơi phớt đời của anh đã mê hoặc cô. Đám cưới của Yến được tổ chức khi cô đã có thai 2 tháng.

 

Vì có con muộn nên bố mẹ Nam nuông chiều anh hết mực. Quen được cung phụng nên dù vợ chửa vượt mặt, Nam cũng chẳng giúp gì. Yến vẫn phải vác bụng bầu khệ nệ lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp phục vụ chồng. Đã thế, hễ cô mở lời trách móc một câu là Nam tự ái, bịt tai, phóng xe đi luôn, có hôm nhậu nhẹt hay qua đêm ở đâu đó mà chẳng thèm nói với vợ.

 

Có con rồi, Nam cũng chỉ thỉnh thoảng chơi với bé lúc nó ngoan ngoãn, sạch sẽ, còn cứ con khóc hay cần cho ăn là anh chuồn. Lúc này, bố mẹ chồng đã già yếu, cũng chẳng giúp được gì, chỉ thỉnh thoảng động viên Yến: "Thôi, con cố gắng, cũng tại bố mẹ một phần". Cô một thân một mình vừa phải chăm bố chồng bệnh vừa lo cho con. Mới đây, nghe phong thanh có người nói Nam đang cặp bồ với một cô gái nhà hàng, Yến không còn đủ kiên nhẫn nữa, quyết định sẽ chia tay.

 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những "cậu ấm" thường quen được cung phụng, chăm sóc nên khi đã có gia đình vẫn muốn mình là trung tâm, bắt vợ phải phục tùng.

 

Họ được bố mẹ bao bọc từ nhỏ nên cũng ít khi tự lập, quyết đoán hay có trách nhiệm với gia đình. Tất nhiên, không phải ai được bố mẹ nuông chiều cũng đều trở thành người như vậy. Nhưng đa số họ có điểm chung là không biết làm việc nhà và chăm sóc bản thân. Nhiều người còn rất ích kỷ, chẳng quan tâm đến người khác.

 

Khi làm vợ những cậu ấm, chị em phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhất là khi ông chồng lại quá phụ thuộc vào gia đình lớn, thường là mẹ mình, và người vợ không được sự cảm thông của bố mẹ chồng.

 

Bà Hà cũng cho rằng, những "cậu ấm" này thường là kết quả của quá trình nuông chiều thái quá của các bậc phụ huynh nên rất khó thay đổi tính cách. Bởi thế, không dễ dàng nếu người vợ muốn "cải hóa" chồng.

 

Đầu tiên, bạn hãy nhờ những người thân giúp đỡ, tác động dần đến ông xã. Nếu không thể tìm được đồng minh từ phía nhà chồng, chị em sẽ rất vất vả và đôi khi cảm thấy bế tắc, lạc lõng. Nhưng bạn cũng đừng vội bỏ cuộc.

 

Nhẹ nhàng, mềm mỏng lôi kéo dần chồng vào việc nhà, để cho anh ấy thấy được vai trò là người chủ gia đình của mình cũng là một cách hay. Hơn nữa, những "cậu ấm" này thường có cái tôi rất lớn nên chiêu chỉ trích, trách móc, to tiếng không có tác dụng với họ. Nếu có thể, bạn hãy thuyết phục chồng xin ở riêng để ông xã độc lập hơn và bạn cũng dễ "nhỏ to" tác động đến chồng.

 

"Tất nhiên, lý thuyết là vậy nhưng làm được điều này rất khó, đòi hỏi các bà vợ phải thực sự khôn khéo, kiên trì và cũng còn tùy thuộc vào ý thức tự thay đổi của chính các ông chồng", bà Hà nói.

 

Theo Minh Thùy

VNExpress

 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.